Củ ấu tàu có độc không? Rượu ngâm củ ấu tàu dùng để làm gì?

Củ ấu tàu được xếp vào loại thuốc độc bảng A. Tuy nhiên nếu biết cách sử dụng, đây cũng được coi là loại dược liệu có lợi cho sức khỏe.
23/12/2020 08:57

Mới đây, một người đàn ông 51 tuổi tại Thái Nguyên rơi vào trạng thái nguy kịch, nhập viện cấp cứu khẩn cấp sau khi uống rượu ngâm củ ấu tàu. 

Trước đó, bệnh nhân có uống rượu, sau đó uống nhầm một chén rượu khoảng 30ml rượu ngâm củ ấu tàu. Chỉ 5 phút sau, bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện chân tay co rút lại, người rét run, vã mồ hôi, kích thích, vật vã, tím tái toàn thân. Bệnh nhân được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu. 

Vậy, củ ấu tàu rốt cuộc là gì, dược tính như thế nào?

Theo Wikipedia, củ ấu tàu, ấu tẩu,  là rễ củ của cây Ô đầu, tên khoa học là Aconitum fortunei, thuộc họ mao lương Ranunculaceae được xếp vào danh sách thuốc độc bảng A, nhưng cũng là một vị thuốc quý đứng thứ 4 trong "tứ đại danh dược" (sâm, nhung, quế, phụ) sau khi được bào chế cẩn thận.

au tau

Củ ấu tàu rất độc.

Ô đầu là cây thuốc có độc, tất cả các phần của cây đều chứa chất gây độc, nhiều nhất là ở củ. Củ ấu tàu rất độc, lượng độc của củ ấu tẩu có thể làm cho người tê cứng chân tay, tắc nghẽn mạch máu, đông máu và chết.

Ấu tàu mọc trên cạn và chỉ có ở vùng núi cao. Lá tựa như lá ngải cứu, chia thành ba thuỳ, có răng cưa ở nửa trên. Rễ củ hình nón, mọc thành chuỗi, có củ cái, củ con. Dưới thân cây, rễ cái phình thành củ giống như củ đậu, gọi là củ mẹ. Cạnh cổ rễ cái, mọc ra những củ con. Trên đầu củ con có một búp mang lá ngầm. Sau khi cây nở hoa, củ mẹ sẽ héo và tiêu dần. Củ mẹ thường nhẹ, rỗng, ở giữa màu xám; củ con thì nặng, chắc hơn và lõi màu vàng.

Trong dược thư Việt Nam, củ nhỏ được gọi là phụ tử, còn củ lớn được gọi là ô đầu. Phụ tử có độc tính kém hơn ô đầu..

Về thành phần hóa học của ấu tàu chủ yếu là aconitin, có độc tính cao, thuộc loại thuốc độc bảng A. Độc tính của aconitin rất mạnh: Chỉ cần một liều 0,02 – 0,05 mg cho 1 kg thể trọng là có thể gây chết người. Do cực độc nên trước đây một số người đã dùng nước của loại củ này tẩm vào đầu mũi tên khi săn thú rừng, kể cả voi.

Theo y học dân tộc, ô đầu vị cay tê, tính rất nóng, rất độc, có tác dụng trợ dương bổ hoả, trừ phong hàn, táo thấp. Trong Đông y, ô đầu được dùng để chữa các chứng phong tê, chân tay nhức mỏi, tê bại.... Thường chỉ dùng làm thuốc uống khi đã qua chế biến cẩn thận và được dùng với liều nhỏ, có sự chỉ định và theo dõi thận trọng của thầy thuốc. Tây y dùng làm thuốc ho, chứng ra mồ hôi nhiều.

Ấu tàu thường được dùng để chế biến món ăn, ngâm rượu. Tuy nhiên là chất cực độc nên cần phải biết cách chế biến, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Tại Hà Giang, người ta hay dùng để nấu cháo, món cháo ấu tàu được coi là đặc sản giúp tăng cương sinh lực nam giới.

Tuy nhiên, theo Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Đức Định, trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện E Trung ương) khuyến cáo trên báo chí trước đó: "Nếu món ăn có củ ấu tàu chế biến chưa đúng cách sẽ gây ngộ độc. Sau khi ăn, aconitin ngấm rất nhanh qua niêm mạc dạ dày, ruột để vào máu gây nên các triệu chứng tê miệng lưỡi, nói khó, tê mỏi chân tay, chuột rút, đau đầu, nhìn mờ, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, nặng hơn có thể liệt cơ hô hấp, loạn nhịp tim, hạ huyết áp… Nếu không được điều trị kịp thời thì bệnh nhân sẽ có nguy cơ tử vong".

 

Còn theo PGS.TS Nguyễn Duy Thuần, Phó giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam cũng thông tin trên báo chí: "Củ ấu tàu là một cây thuốc trong Y học cổ truyền, Đông y. Thực tế, ấu tẩu được sử dụng rất rộng rãi, đặc biệt được sử dụng trong bài thuốc "Bát vị quế phụ". Tác dụng của củ ấu Tàu cũng đã được ghi trong các sách cổ. Tác dụng chính của ấu tàu có thể sử dụng trong bài thuốc bổ dương". Và "...Không tin dùng ấu tàu như lời đồn đoán, chỉ nên dùng một lượng nhỏ và theo sự chỉ dẫn của thầy thuốc. Tuy nhiên, phải là những thầy thuốc chắc tay nghề mới dám sử dụng ấu tàu trong bài thuốc chữa bệnh".

Trước đó, vào năm 2019, tại Tuyên Quang cũng đã ghi nhận 2 trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc khi uống rượu ấu tàu. 

Trả lời trên TTXVN, Bác sĩ Đào Ngọc Việt - Trưởng khoa Cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết: Chính vì củ nàyrất độc nên thường được dùng ngâm rượu để xoa bóp chữa các chứng đau, tê, nhức, mỏi, không dùng để uống.

Nếu uống phải, chất độc trong củ sẽ ngấm rất nhanh, khiến người uống bị rối loạn cảm giác tại chỗ, các rối loạn thần kinh thực vật như buồn nôn, nôn mửa, vã mồ hôi, chảy nước dãi, co giật thớ cơ, có thể ngất, hạ thân nhiệt. Nguy hiểm hơn, bệnh nhân có thể bị rối loạn nhịp tim, suy hô hấp và tử vong.

Do đó, để tráng ngộ độc và trường hợp xấu xảy ra, người dân nên thận trọng, tìm hiểu kỹ trước khi chế biến và sử dụng củ ấu tàu.

Thùy Minh (tổng hợp)

comment Bình luận

largeer