Cúng ông Công ông Táo vào ngày, giờ nào để mang tới may mắn, sức khỏe, bình an?

Theo tập tục của người Việt, cứ vào đúng ngày 23 tháng Chạp, các gia đình tiến hành lễ cúng ông Công ông Táo để tiễn các vị Thần cai quản bếp núc trong nhà lên trời, bẩm báo với Ngọc Hoàng tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong năm qua.
31/01/2024 10:16

Nguồn gốc, ý nghĩa ngày cúng ông Công ông Táo

Không ai biết chính xác tục cúng ông Công ông Táo có từ bao giờ, chỉ biết rằng nó tồn tại từ rất lâu, được lưu truyền từ xa xưa cho đến tận ngày nay, đi vào tiềm thức của người dân Việt Nam.

Theo truyền thuyết, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, trong khi ông Táo là 3 vị đầu rau trông coi việc bếp núc. Cả 2 vị thần này được coi là những nhân chứng đáng tin cậy, ghi chép mọi việc làm Thiện - Ác của con người. Mỗi năm, vào ngày 23 tháng Chạp, họ cưỡi cá chép lên Thiên đình để báo cáo về tất cả những việc tốt và xấu của con người, để Thiên đình định đoạt công, tội.

Người Việt tin rằng việc cúng ông Công ông Táo không chỉ là để xin phước đức mà còn để đảm bảo công bằng, để nhận ra những việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà. Trong tâm niệm của họ, ông Công và ba vị Thần Táo là những vị thần đích thực, làm nên sự công bằng, phân phối phúc đức cho gia đình.

congtao

Mâm cúng ông Công ông Táo (Ảnh minh họa: Báo Phụ nữ)

Cúng ông Công ông Táo năm 2024 ngày, giờ nào đẹp?

Theo lịch dương năm 2024, Tết ông Công ông Táo rơi vào thứ sáu ngày 2/2/2024, tức ngày 23 tháng Chạp năm Quý Mão. Theo Lịch vạn niên, tháng Chạp năm Quý Mão có 3 ngày đẹp, được cho mang tới phước lành, may mắn khi tiến hành cúng Táo quân. Cụ thể, ngày giờ đẹp cúng ông Công ông Táo năm 2024 như sau:

Ngày 20 tháng Chạp: Thứ ba (30/1/2024 dương lịch)

Đây được đánh giá là ngày lành cho nghi thức thờ cúng tâm linh, nhất là cúng Táo quân 2024, hứa hẹn mang lại sự bình an, thịnh vượng, thành công kéo dài, may mắn bền vững. Dù là cầu công danh hay cầu tài lộc đều hanh thông, thuận lợi. Mất đồ cũng dễ dàng tìm lại. Người thân ở xa hay gần đều khỏe mạnh, yên vui. Sức khỏe gia chủ thêm tráng kiện, giảm thiểu ốm đau.

Khung giờ đẹp để cúng ông Công ông Táo ngày 20 tháng Chạp:

Giờ Thìn (7h-9h): Công việc, làm ăn phát triển, dù khó khăn, trở ngại vẫn dễ dàng vượt qua. Tiền bạc rủng rỉnh, cuộc sống sung túc, hạnh phúc viên mãn.

Giờ Ngọ (11h-13h): Mọi việc đều thuận lợi, nhân duyên cát lành, gia đạo hòa thuận, vui vẻ.

Giờ Mùi (13h-15h): Mọi việc suôn sẻ, như ý, được quý nhân tương trợ.

Ngày 21 tháng Chạp: Thứ tư (31/1/2024 dương lịch)

Tiến hành cúng ông Công ông Táo vào ngày này cũng khá phù hợp, mang đến sự bình an trong tâm hồn.

Khung giờ đẹp để cúng ông Công ông Táo ngày 21 tháng Chạp:

Giờ Mão (5h-7h): Tiến hành việc gì cũng được quý nhân tương trợ và giúp đỡ, thành công đến bất ngờ ngoài mong đợi, tốt nhất cho khởi sự mới.

Giờ Ngọ (11h-13h): Việc làm ăn phát triển như diều gặp gió, dù khó khăn đến mấy vẫn vượt qua. Tiền bạc rủng rỉnh, cuộc sống sung túc, hạnh phúc viên mãn.

Giờ Thân (15h-17h): Tiến hành mọi việc đều thuận lợi, nhân duyên cát lành, gia đạo hòa thuận, vui vẻ.

Giờ Dậu (17h-19h): Tiến hành mọi việc suôn sẻ, như ý, được quý nhân tương trợ.

Ngày 23 tháng Chạp: Thứ sáu (2/2/2024 dương lịch)

Thông thường ngày này dễ có chuyện cãi vã, thị phi, nên tránh tiến hành những việc quan trọng như cưới hỏi, động thổ... nhưng nếu là việc tâm linh lại có thể được ban phước lành.

Khung giờ đẹp để cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp:

Giờ Thìn (7h-9h): Tiến hành mọi việc thuận lợi, rất tốt cho những nguyện cầu về việc sinh con.

Giờ Tỵ (9h-11h): Tốt nhất cho việc khai trương, làm ăn phát tài, mang về lợi nhuận lớn.

Riêng với giờ Ngọ (11h-13h): Dân gian tương truyền, giờ Ngọ ngày 23 tháng Chạp là thời điểm các vị Thần Bếp quy tụ để chuẩn bị lên trời. Đây được coi là khung giờ thích hợp để đưa tiễn ông Công ông Táo về chầu trời hơn cả (tốt hơn hết là trước 12h trưa).

Tuy nhiên, trong ngày 23 tháng Chạp năm Quý Mão, giờ Ngọ là giờ Hắc đạo Bạch Hổ. Do vậy, tùy quan niệm mỗi gia đình mà chọn ra khung giờ phù hợp, thuận tiện nhất.

Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo

Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể, mỗi gia đình sẽ chuẩn bị cho mình những mâm cỗ cúng ông Công ông Táo khác nhau. Mâm cỗ này không nhất thiết phải quá sang trọng, cầu kì mà quan trọng nhất là sự thành tâm kính cẩn khi hành lễ.

Theo hoàn cảnh của gia đình và văn hóa mỗi địa phương, mỗi nhà có thể làm mâm lễ mặn, hoặc lễ chay (với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc…) để tiễn Táo quân.

Ở miền Bắc, mọi người thường cúng ông Công ông Táo từ khoảng 20 tháng Chạp và muộn nhất là trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp. Người miền Bắc quan niệm, sau 12h trưa ngày 23 tháng Chạp là ông Táo đã lên chầu trời.

Mâm cỗ cúng ông Táo theo truyền thống của người Bắc sẽ có những món cơ bản sau: 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối; 1 con gà trống luộc được tỉa ớt hoặc hoa hồng (có thể thay thế bằng thịt heo luộc hoặc vịt quay); 1 bát canh mọc hoặc canh măng; 1 đĩa xào thập cẩm; 1 đĩa giò, chả rán hoặc thịt đông; 1 đĩa xôi gấc; 1 đĩa chè kho; Cá chép (sống hoặc rán), vì theo quan niệm, cá chép là phương tiện để ông Táo lên trời (Nếu là cá chép sống, sau khi cúng xong người dân sẽ mang ra sông, suối phóng sinh).

Người miền Nam thường cúng ông Táo vào buổi đêm, khoảng thời gian từ 20h đến 23h ngày 23 tháng Chạp. Đây là thời điểm đã không còn nấu nướng để tránh làm phiền các Táo.

Mâm cúng ông Táo của miền Nam gồm có các món chủ đạo như: Nem, giò, bánh chưng, hành muối, gà luộc... kèm một đĩa đậu phộng, kẹo vừng đen. Ở miền Nam, người dân không cúng cá chép, cũng không cúng mũ áo thờ.

Người miền Trung cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp và rất coi trọng ngày lễ này. Mâm cúng ông Táo của người miền Trung không có áo mũ, vàng mã cho các Táo như miền Bắc, nhưng người miền Trung thường dâng lên một con ngựa bằng giấy, có yên cương đầy đủ, đốt vàng mã ngoài ra còn dâng cúng nhiều lễ vật khác. Ngoài các món cơ bản, trong mâm cơm cũng phải có cá ngừ hay cá thu.

Văn khấn ông Công ông Táo

Bài cúng ông Công ông Táo theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam - NXB Văn hóa Thông tin

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương

Con kính lạy ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.

Tín chủ (chúng) con là:…

Ngụ tại:…

Hôm nay, ngày .... tháng Chạp tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái.

Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.

Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm.

Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.

Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

*Mọi thông tin trong bài chỉ có tính chất tham khảo!

Thu Phương (Tổng hợp)

comment Bình luận

largeer