Đắk Lắk triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk vừa có công điện yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành liên quan triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
30/11/2023 11:41

Nội dung công điện nêu rõ: Từ đầu năm đến nay, cả nước đã xuất hiện trên 530 ổ dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi, buộc tiêu hủy trên 20.000 con lợn tại 44 tỉnh, thành phố, nhất là tại các tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Sơn La, Quảng Bình, Đắk Lắk..; dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng từ tháng 8 trở lại đây tại nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là tại các địa phương có tổng đàn lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi lợn và bảo đảm nguồn cung thực phẩm.

Trên địa bàn Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 49 xã, phường, thị trấn, thuộc 13 huyện, với tổng số lợn mắc bệnh, chết và tiêu huỷ là 2.520 con; khối lượng tiêu hủy là 142.796 kg. Tính đến cuối tháng 11/2023, toàn tỉnh còn 15 xã, phường, thị trấn thuộc 7/15 huyện, thị xã, thành phố vẫn còn bệnh, dịch chưa qua 21 ngày, gồm các huyện: Krông Pắc , Lắk, Cư Kuin, Cư M’gar, Ea Súp, Krông Bông, Krông Búk, TP. Buôn Ma Thuột.

Ảnh: Báo Đắk Lắk

Ảnh: Báo Đắk Lắk

Để phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi kịp thời, hiệu quả, bảo đảm nguồn cung thịt lợn trong thời gian tới, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

UBND các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp chỉ đạo, huy động nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm những ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; chủ động triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bệnh, vứt xác lợn chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.

Đồng thời, hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn lợn tại các địa phương đã, đang có dịch, có nguy cơ cao, bảo đảm tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm vaccine…

Yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện các nội dung: Thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi tại các địa phương; chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

Bên cạnh đó, tham mưu việc sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi để phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh; chủ động phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong việc triển khai thực hiện tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi, lấy mẫu giám sát, đánh giá sau tiêm phòng cho đàn lợn thịt từ 4 tuần tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh.

Chỉ đạo lực lượng thú y tại cơ sở bám sát địa bàn, chủ động hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh…

Các đơn vị: Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk, Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải, chỉ đạo lực lượng chức năng của ngành phối hợp với lực lượng thú y đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch trên thị trường nhằm ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi và các dịch bệnh động vật khác…

Minh Thuận

comment Bình luận

largeer