Đầu tư phát triển nhà ở xã hội: Bối cảnh mới, cơ hội mới

Việc đánh giá bối cảnh mới và phân tích những cơ hội đang mở trong thực tiễn đối với đầu tư phát triển nhà ở xã hội sẽ tạo ra nhiều tác động tích cực, góp phần đưa các chính sách mới sớm đi vào cuộc sống.
27/05/2025 17:02

Ngày 27/5, tại Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức hội thảo "Đầu tư phát triển nhà ở xã hội: Bối cảnh mới, cơ hội mới" nhằm tìm kiếm các giải pháp phát triển bền vững thị trường nhà ở xã hội ở Việt Nam.

Sự kiện có sự tham gia của đại diện một số Ủy ban của Quốc hội, các Bộ, ngành, chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại và được tường thuật trên các ấn phẩm của Tạp chí Nhà đầu tư cũng như các cơ quan báo chí, truyền thông.

Empty

Quang cảnh hội thảo

Phát triển nhà ở xã hội là chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước nhằm đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho người thu nhập thấp, đồng thời góp phần tăng đầu tư, tiêu dùng, đảm bảo an sinh, tiến bộ và công bằng xã hội. Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Xây dựng, từ năm 2021 đến nay, cả nước mới có 657 dự án nhà ở xã hội được triển khai, số lượng căn hoàn thành mới chỉ đạt 15,6% mục tiêu đến năm 2025. Chính phủ cũng đã dành gói 120 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ chính sách nhà ở xã hội, nhưng tiến độ giải ngân còn rất chậm.

Ngày 03/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 388/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội dự kiến được trình Quốc hội thông qua. Dự thảo đưa ra nhiều cơ chế đột phá như cắt, giảm một loạt thủ tục hành chính; để chủ đầu tư tự quyết định giá bán; mở rộng đối tượng hưởng chính sách; thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia.

Nhiều đại biểu Quốc hội và chuyên gia đã đề xuất cần có giải pháp thay thế cơ chế quỹ đất 20% để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang hiện hữu cho doanh nghiệp. Cụ thể, cho phép doanh nghiệp có dự án phê duyệt trước 01/8/2024 được đóng tiền tương đương thay vì bố trí 20% quỹ đất dự án làm nhà ở xã hội. Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định cho phép UBND cấp tỉnh căn cứ vào điều kiện của địa phương, xem xét quyết định cho phép các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đã được quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư trước ngày Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 có hiệu lực thi hành, không phải bố trí quỹ đất trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội và được đóng tiền tương đương giá trị của quỹ đất đã đầu tư.

Empty

Ông Phạm Đức Sơn - Tổng Biên tập Tạp chí Nhà đầu tư phát biểu tại hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm Đức Sơn - Tổng Biên tập Tạp chí Nhà đầu tư cho biết, phát triển nhà ở xã hội là chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước nhằm đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho người thu nhập thấp, đồng thời góp phần tăng đầu tư, tiêu dùng, đảm bảo an sinh, tiến bộ và công bằng xã hội.

Theo ông Phạm Đức Sơn, Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội khi được Quốc hội thông qua sẽ mang lại nhiều thay đổi, nhiều giải pháp mới, lớn, có tác động sâu rộng nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt giúp đẩy nhanh tiến độ phát triển nhà ở xã hội.

Hội thảo là dịp để các bên liên quan cùng nhau thảo luận, đưa ra các giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho người dân.

Thanh Tùng

comment Bình luận