Từ tháng 7/2025, mở rộng trợ cấp hưu trí xã hội: Từ tuổi 75 xuống 70 đối với hộ nghèo, cận nghèo

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 176/2025/NĐ‑CP, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, mở rộng độ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và nâng mức hỗ trợ lên 500.000 đồng/tháng.
07/07/2025 07:33

Theo quy định mới tại Nghị định 176/2025/NĐ‑CP (Nghị định 176), người từ 75 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hoặc đang nhận mức trợ cấp dưới 500.000 đồng/tháng sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội cố định là 500.000 đồng/tháng.

Đặc biệt, đối với nhóm từ đủ 70 đến dưới 75 tuổi, nếu thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo, cũng được bổ sung vào diện thụ hưởng chính sách hỗ trợ này. Việc mở rộng này nhằm tăng cường an sinh xã hội cho nhóm dân số cao tuổi không có nguồn thu ổn định.

Từ ngày 1/7, chính thức mở rộng trợ cấp hưu trí xã hội cho người từ tuổi 70 thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được hưởng 500.000 đồng/tháng.

Từ ngày 1/7, chính thức mở rộng trợ cấp hưu trí xã hội cho người từ tuổi 70 thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được hưởng 500.000 đồng/tháng.

Người dân có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại UBND cấp xã nơi cư trú, qua bưu điện hoặc trực tuyến. Trong vòng 10 ngày làm việc, UBND cấp xã sẽ thẩm định, chuẩn hóa dữ liệu dân cư và ra quyết định chi trả. Trường hợp thay đổi nơi cư trú, mất hoặc không còn đủ điều kiện hưởng, chính quyền sẽ xử lý, điều chỉnh kịp thời.

Mức trợ cấp được chi trả hàng tháng và có thể được điều chỉnh tăng thêm tùy theo khả năng ngân sách của địa phương.

Theo ước tính của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, việc mở rộng chính sách lần này sẽ giúp thêm khoảng 1,6 triệu người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, trong đó có khoảng 100.000 người thuộc nhóm từ 70–74 tuổi là hộ nghèo, cận nghèo.

Đến nay, cả nước đã có khoảng 3,3 triệu người cao tuổi đang nhận lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người cao tuổi chưa có nguồn thu ổn định khi về già, đặc biệt ở khu vực nông thôn, miền núi.

Chính sách mở rộng trợ cấp hưu trí xã hội được đánh giá là một bước tiến quan trọng trong quá trình hoàn thiện hệ thống an sinh tại Việt Nam. Việc hỗ trợ tài chính cho người cao tuổi không có lương hưu không chỉ góp phần bảo đảm mức sống tối thiểu mà còn thể hiện rõ định hướng “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong chiến lược phát triển xã hội bền vững.

Nguyên An (tổng hợp)

comment Bình luận