Để mắt tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Bệnh Viện Mắt Hà Nội 2 đưa ra những cảnh báo khi để mắt tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài.
30/05/2023 15:25

Đục thủy tinh thể

Có nhiều bằng chứng cho thấy tiếp xúc với tia cực tím (UV) góp phần làm tăng nguy cơ đục thủy tinh thể. Nguyên nhân là do trong ánh nắng có tia cực tím cường độ cao khiến mắt khô, đỏ, thậm chí gây đau. Về lâu dài, thủy tinh thể có thể bị ảnh hưởng. Đục thủy tinh thể là bệnh mà nếu để lâu, không được điều trị có thể dẫn đến mất thị lực.

Bỏng giác mạc do tia cực tím (corneal flash burn)

Đây là tình trạng giác mạc bị bỏng do tiếp xúc tia cực tím (UV) cường độ mạnh từ mặt trời hoặc các nguồn ánh sáng mạnh khác. Nếu nhẹ sẽ gây đỏ mắt, đau rát, chảy nước mắt, nặng thì có thể thay đổi thị lực, thậm chí mất thị lực.

Ảnh: Bệnh Viện Mắt Hà Nội 2

Ảnh: Bệnh Viện Mắt Hà Nội 2

Thoái hóa điểm vàng

Ttia cực tím chính là một trong những tác nhân thúc đẩy quá trình thoái hóa điểm vàng nhanh hơn nếu mắt thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với ánh mặt trời mà không được che chắn. Là một trong những bệnh lý nguy hiểm ở võng mạc, thoái hóa điểm vàng không gây đau đớn nhưng làm giảm dần thị lực, không thể phục hồi.

Mộng mắt

Mộng mắt là bệnh phổ biến, thường gặp ở các quốc gia nhiệt đới và cận nhiệt đới, những nơi nhiều gió bụi, ánh nắng mặt trời.

Mộng mắt là bệnh lành tính, tiến triển chậm. Mộng mắt phát triển, làm ảnh hưởng đến thị lực và gây nên loạn thị.

Mộng mắt có thể gây kích thích đỏ mắt, chảy nư­ớc mắt, mất thẩm mỹ. Nếu không được điều trị có thể gây ra nhiều biến chứng, thậm chí gây mất thị lực.

Để tránh khỏi các nguy cơ trên, khi ra đường, hay thực hiện các hoạt động ngoài trời vào mùa hè, ngoài việc bôi kem chống nắng và mặc áo khoác che chắn, chúng ta nên đeo kính râm để bảo vệ mắt.

Nếu phát hiện các hiện tượng bất thường về mắt như trên hãy đến ngay các cơ sở y tế chuyên sâu về mắt để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Bệnh Viện Mắt Hà Nội 2

comment Bình luận

largeer