Diễn biến mới vụ đàn bò tót gầy trơ xương sau đề tài nghiên cứu khoa học

Đàn bò tót gầy trơ xương có tổng cộng 11 con là những con bò tót lai F1, F2 được sinh ra trong quá trình nghiên cứu phát triển bò lai giữa bò tót và bò nhà.
By N.N (T/H)/ Sức Khỏe Cộng Đồng
01/10/2020 18:40
Đàn bò tót gầy trơ xương. (Ảnh: báo Lâm Đồng).

Đàn bò tót gầy trơ xương. (Ảnh: báo Lâm Đồng).

Dư luận đang xôn xao với câu chuyện đàn bò tót gầy trơ xương gồm 11 con bò tót có nguồn gen quý hiếm được chăm sóc tại Vườn Quốc gia Phước Bình (Ninh Thuận) bị suy kiệt sau khi dự án nghiên cứu khoa học kết thúc.

Đàn bò tót lai 11 con này là tài sản từ Dự án nghiên cứu khoa học cấp nhà nước đang được nuôi nhốt tại thôn Bạc Rây 2 (xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận).

Nguồn gốc đàn bò tót gầy trơ xương

Theo tìm hiểu: Từ năm 2009 đến đầu năm 2015, tại thôn Bạc Rây 2, vùng đệm Vườn quốc gia Phước Bình, có 1 con bò tót đực thường xuyên xuất hiện vào mùa mưa (tháng 6 đến tháng 9).

Bò tót đực này nhập vào đàn bò nhà của nông dân và kiếm ăn chung trên cánh đồng cỏ ven rừng. Bò tót đực này cao khoảng 1,7m, dài hơn 2m, nặng khoảng 1 tấn.

Trước khi chết vì già vào đầu năm 2015, bò tót đực này được các nhà khoa học xác định đã giao phối với 20 bò cái, sinh ra 20 hậu duệ bò lai (F1) gồm cả đực và cái.

Đầu năm 2012, Sở Khoa học và công nghệ (KH&CN) 3 tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng và Khánh Hòa thống nhất mua lại 10 con bò tót lai (5 con đực, 5 con cái) của người dân và tạo vùng chăn nuôi với môi trường sống của bò tót để thực hiện đề tài nghiên cứu giám định di truyền và đánh giá khả năng phát triển của bò lai giữa bò tót và bò nhà (F1). Trong quá trình nuôi nghiên cứu, đàn bò lai F1 sinh ra được 1 con lai F2 là con cái, tổng cộng đàn bò có 11 con.

Nhiệm vụ của đề tài là nhằm phát triển đàn bò lai giữa bò tót và bò nhà, tạo nền để có thể hình thành một giống bò mới có giá trị cao trong ngành chăn nuôi.

Các nhà khoa học thực hiện công trình nghiên cứu cấp nhà nước "Khai thác và phát triển nguồn gien bò quý hiếm tại vùng rừng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng - Khánh Hòa".

Công trình này do Trung tâm Ứng dụng KH&CN tỉnh Lâm Đồng chủ trì, ông Lê Xuân Thám (nguyên giám đốc Sở KH&CN tỉnh Lâm Đồng) làm chủ nhiệm đề tài. Sau đó, tỉnh Khánh Hòa rút khỏi dự án.

Nhóm nghiên cứu xác định con bò tót cha thuộc nhóm bò tót Đông Nam Á (Bos gaurus), rất hung dữ. Độ hung hãn chỉ đứng sau loài hổ. Khi dự án kết thúc vào tháng 11/2019, cả 11 con bò tót lai được Trung tâm Ứng dụng KH&CN tỉnh Lâm Đồng thuê một người dân tiếp tục nuôi giữ cho đến nay.

Tuy nhiên, đàn bò tót vì bị nuôi nhốt nên gầy trơ xương như những "xác sống" di động khiến ai cũng thương xót.

Chia sẻ trên báo Tuổi Trẻ TP HCM, ông Nguyễn Văn Vinh (người được thuê nuôi những con bò trên) cho hay: Ông đã được thuê nuôi đàn bò tót hơn 2 năm, mỗi tháng nhận tiền công 4 triệu đồng. Công việc hằng ngày của ông là bỏ 8 bó rơm khô và bơm nước cho bò tót ăn uống.

Theo ông Vinh: Trước đây dự án có thuê 2ha đất làm đồng cỏ và chuồng trại kiểu không gian mở để đàn bò đi lại nhưng sau này dân lấy lại đất, chỉ còn mượn được 500m2 để làm chuồng nhốt.

Ông Vinh cho biết do bị nuôi nhốt lâu ngày nên đàn bò yếu chân, lười di chuyển, cơ đã teo lại. So với vẻ mập mạp, cao lớn, gân guốc của đàn bò mà chúng tôi chứng kiến đầu năm 2017 thì những con bò tót lai hiện nay giống "xác sống".

"Tôi cũng muốn thả bọn nó ra ngoài cho đi rông như bò nhà cho bọn nó khỏe, được ăn cỏ tươi nhưng lỡ nó bị sao thì tôi không biết đường nào mà chịu". Ông Vinh kể thêm mỗi tháng ngoài việc gửi số tiền ít hơn để mua cỏ, cũng ít có người của dự án về thăm những con bò quý hiếm này.

Giám đốc Trung tâm ứng dụng KH&CN nhận trách nhiệm

Trả lời báo Lâm Đồng, ông Nguyễn Như Chương - giám đốc Trung tâm ứng dụng khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Lâm Đồng) cho hay:  “Khi dự án còn trong thời gian triển khai, chúng tôi có 1 bác sĩ thú y, 1 nhân viên trung cấp chăn nuôi thú y trực 24/24 và 1 người bảo vệ, chăm sóc bò, cắt cỏ. Đàn bò được ăn thức ăn cỏ tươi, được chăn thả trên đồng cỏ thuê của người dân rộng 2 ha.

Tới tháng 11/2019 dự án kết thúc, nguồn kinh phí không còn, chúng tôi là đơn vị sự nghiệp được giao tạm thời quản lý đàn bò phải trích 10 triệu đồng/tháng để mua cỏ khô cho bò ăn. Đây là nguồn quỹ tiết kiệm, đơn vị tự cân đối để nuôi 10 con bò tót lai F1, 1 bò lai F2 trước khi đợi cơ quan quản lý cấp trên ra quyết định bàn giao việc chăm sóc, bảo vệ và phát triển nguồn gen bò tót quý hiếm cho phía UBND tỉnh Ninh Thuận”.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, người dân tới thăm trang trại nghiên cứu nguồn gen bò tót tại xã Bắc Ái, Vườn Quốc gia Phước Bình rất bất ngờ khi chứng kiến đàn bò gầy trơ xương, suy kiệt do không được cho ăn đủ chất.Về việc này, ông Chương nhận trách nhiệm 1 phần thuộc về đơn vị.

“Tôi thừa nhận có biết đàn bò bị gầy đi nhiều so với thời điểm còn nghiên cứu dự án. Có nhiều nguyên nhân khách quan nhưng trách nhiệm này trước tiên chúng tôi xin nhận về đơn vị” – ông Chương xác nhận.

Theo ông Cương, ông đã quay lại Bạc Rây 2 để khảo sát, phục hồi sức khỏe cho đàn bò để tiến hành bàn giao cho Vườn quốc gia Phước Bình theo quyết định của UBND tỉnh Lâm Đồng.

Theo thông tin từ những người nghiên cứu đề tài, để đảm bảo đàn bò được phát triển khỏe mạnh, tạo tiền đề cho các nghiên cứu tiếp theo, cần nuôi theo chuẩn với đầy đủ thức ăn thô, tinh, có thú y chăm sóc và được vận động mỗi ngày. Chế độ này đòi hỏi tốn 50 triệu đồng/tháng.

Đề tài nghiên cứu tiền tỷ ra sao?

Trả lời VnExpress, ngày 26/9, PGS.TS Lê Xuân Thám cho rằng chưa thể nói gì kết quả nghiên cứu vì còn nhiều vấn đề phức tạp, cần chờ thêm các dự án nghiên cứu tiếp theo. Đề tài do ông chủ nhiệm hiện đã kết thúc hơn một năm qua, nay ông không còn liên quan gì trong việc quản lý, chăm sóc.

Tuy nhiên, báo Dân trí đưa tin: Đề tài nghiên cứu khoa học được Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ tỉnh Lâm Đồng thực hiện, PGS.TS Lê Xuân Thám chủ nhiệm nhiệm vụ. Tham gia nhiệm vụ còn có 3 kỹ sư khác của Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ tỉnh Lâm Đồng.

Tổng kinh phí thực hiện nhiệm vụ này là 3,2 tỷ đồng, trong đó kinh phí từ ngân sách sự nghiệp khoa học Trung ương là 2,5 tỷ đồng; kinh phí ngân sách sự nghiệp khoa học địa phương là 700 triệu đồng (Lâm Đồng – 350 triệu đồng; Ninh Thuận 350 triệu đồng). Thời gian thực hiện hợp đồng là 36 tháng bắt đầu từ 10/2015.

Mục tiêu của nhiệm vụ này là đánh giá được ngoại hình, khả năng sinh sản và sản xuất của bò quý hiếm tại vùng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng, Khánh Hòa; Tuyển chọn bò đực giống quý hiếm thế hệ thứ 2 có bộ NST cân bằng (2n=60); tạo được đàn bò thịt có đặc tính ưu thế thích ứng, chống chịu tốt với ngoại cảnh, có năng suất và chất lượng thịt cao.

Sau hơn 3 năm thực hiện đề tài (gia hạn kéo dài thêm 9 tháng so với quy định), Ngày 27/8/2019, PGS.TS Lê Xuân Thám đã có bản báo cáo kết quả tự đánh giá nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia.

Theo bản báo tự đánh giá này thì nhóm nghiên cứu đã có sản phẩm báo cáo chi tiết về đánh giá ngoại hình, khả năng sản xuất (sinh trưởng, sinh sản, chất lượng thịt, chống chịu bệnh tật) của bò quý hiếm vùng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận – Lâm Đồng – Khánh Hòa; Báo cáo khoa học về phân tích karyotype bộ Nhiễm sắc thể của bò lai bò tót thế hệ thứ nhất, bò lai thế hệ thứ 2 và bò lai thế hệ thứ 2 trong dòng, bằng phương pháp IAEA; Báo cáo khoa học về giám định di truyền của bò lai bò tót thế hệ thứ nhất, thứ 2 và bò lai thế hệ thứ 2 trong dòng, bằng kỹ thuật PRC…

Tuy nhiên nhiệm vụ không có sản phẩm khoa học dự kiến ứng dụng, chuyển giao; không có danh mục sản phẩm khoa học đã được ứng dụng.

Trong báo cáo, PGS.TS Thám cho hay, đóng góp mới của nhiệm vụ là lai tạo ra 3 bò quý hiếm thế hệ thứ 2, bằng các giải pháp kỹ thuật: Dùng bò đực Brahman phối giống cho đàn bó cái quý hiếm thế hệ thứ 1; Dùng bò đực quý hiếm thế hệ thứ 1 cho phối giống trực tiếp với đàn bò cái nền Brahman; Dùng bò đực 1 quý hiếm thế hệ thứ 1 cho phối giống trực tiếp với bò cái quý hiếm thế hệ thứ 1.

“Thành công của đề tài sẽ tạo ra giống bò thịt mang tổ hợp lai giữa các giống bò thịt Brahman, bò thịt cao sản với bò tót có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, cung cấp số lượng lớn các sản phẩm chăn nuôi hàng hóa có giá trị cho tiêu dùng và mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi bò.

Nâng cao ý thức công dân trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, tài nguyên thiên nhiên trong đó có động vật hoang dã; đặc biệt đối với người dân đang sinh sống và có thu nhập dựa vào phần khai thác tài nguyên rừng”, báo cáo nói về hiệu quả kinh tế của nhiệm vụ.

Về hiệu quả xã hội thì báo cáo này khẳng định nhiệm vụ này đã bảo tồn và duy trì nguyên gen quý hiếm phục vụ cho các nghiên cứu tiếp theo. Giám định di truyền bò quý hiếm thế hệ thứ 2, khẳng định đàn bò quý hiếm thế hệ thứ 2 có bộ NST cân bằng 2n = 60 là những cá thể thực thụ lai giữa bò tót và bò nhà; Có các giải pháp khoa học đúng đắn nhằm bảo vệ và khai thác hợp lý nguồn gen quý hiếm trong thiên nhiên để ứng dụng vào sản xuất nhằm phát triển kinh thế xã hội.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá, đề tài “Khai thác và phát triển nguồn gien bò quý hiếm tại vùng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng - Khánh Hòa” vào tháng 6/2019 có kết quả “Đạt”. Cụ thể, kết quả nghiên cứu quần thể 10 con bò lai F1 (5 đực, 5 cái) phát triển tốt. Về lai trong quần đàn 10 con F1 có giao phối tự nhiên nhưng lai trong dòng rất hạn chế (bất thụ), chưa có trường hợp nào đậu thai giữa giao phối bò đực F1 với bò cái F1.

Về lai ngoài dòng đạt kết quả khả quan. Ghi nhận 1 bò cái lai F1 nuôi trong dân đậu thai do giao phối với bò đực nhà sinh ra 1 bê cái F2 vào năm 2015. Đến tháng 3/2017, F2 này đã phối giống với bò đực nhà sinh tiếp 1 con lai thế hệ F3 là bò đực (có 25% dòng máu bò tót). Về lai lui ngược, cá thể đực lai F1 của đề tài giao phối với bò cái nhà đậu thai và sinh cá thể cái F2 vào cuối 2017. Theo đánh giá, hai cá thể lai F2 trong và ngoài dự án triển khai lai lui cả hai chiều đều cho kết quả.

Bài liên quan
comment Bình luận

largeer