Đổ xô mua máy tạo oxy

Lo ngại tình trạng thiếu hụt nguồn cung oxy và việc thí điểm cách ly F0 ở nhà, nhiều người chủ động mua máy tạo oxy để đề phòng COVID-19.
17/07/2021 08:08

Trước thông tin Việt Nam bắt đầu thí điểm cách ly một số trường hợp F0 tại nhà, chị Kim Xuyến – 33 tuổi, trú tại phường 4, quận 3, TP HCM – khẩn trương đặt mua đồ dùng chăm sóc y tế cần thiết cho gia đình. Sau một hồi lên danh sách, chị tình cờ nhìn thấy đoạn quảng cáo: Hãy trang bị máy tạo oxy y tế để bảo vệ gia đình bạn và phòng chống COVID-19.

Theo hướng dẫn, đây là thiết bị có khả năng tạo oxy tinh khiết với nồng độ trên 90% (oxy y tế) sau khi loại bỏ chất độc hại từ không khí xung quanh. Máy tạo oxy thường được sử dụng cho bệnh nhân bị đột quỵ, nằm liệt giường, suy tim, suy phổi…

Đổ xô đi mua vì sợ COVID-19

“Thấy công dụng khá tốt nên tôi gọi điện để tham khảo. Tuy nhiên hỏi 5 đại lý thì cả 5 cùng thông báo hết hàng, muốn mua phải đặt trước ít nhất nửa tháng. Giá bán sẽ đắt hơn nếu khách không đặt trước”, chị Xuyến cho biết.

Empty

Theo khảo sát, máy tạo oxy đang là mặt hàng được nhiều người dân săn đón. Qua trao đổi, hầu hết đại lý lớn chuyên cung cấp máy tại TP.HCM và Hà Nội đều báo cháy hàng, đặc biệt những dòng phổ thông có dung tích 3-5 lít/phút từ thương hiệu Yuwell, Philips, Owgels…

Một số cửa hàng hiện còn lác đác 1-2 mẫu máy thuộc phân khúc cao cấp, kén người mua.

“Tình hình dịch bệnh căng thẳng nên nhu cầu của người dân tăng đột biến. Hàng bên em đã hết từ vài ngày trước, giờ không có mà bán. Nếu muốn mua khách để lại số điện thoại, khi nào hàng về bên em sẽ báo”, tư vấn viên của một website chuyên cung cấp máy tạo oxy, nói.

Tương tự, trên một số sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada…, các gian hàng cung cấp thiết bị y tế online cũng đều báo hết hàng và chỉ nhận đặt trước, thời gian đợi từ 10-15 ngày.

Trao đổi với phóng viên, Ngô Hải – đại diện một công ty phân phối thiết bị y tế có chi nhánh tại nhiều tỉnh thành - cho biết dòng máy tạo oxy cá nhân đang rất được ưa chuộng.

Trước đây, mặt hàng này chỉ dành cho một số bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến hô hấp nhưng không thể tới bệnh viện điều trị. Với diễn biến căng thẳng của COVID-19, người tiêu dùng bắt đầu đổ xô đi mua thiết bị với mục đích dự phòng trường hợp người thân mắc COVID-19.

“Nhu cầu của người dân TP HCM và Hà Nội gần như nhau. Giá máy tạo oxy không hề rẻ, dao động từ 7-24 triệu đồng tùy mẫu mã, thương hiệu. Mặc dù vậy số lượng đơn khách đặt mua máy ở các chi nhánh vẫn đều đặn mỗi ngày. Hiện tại máy tạo oxy đã cháy hàng”, anh Hải thông báo.

Không cần thiết

Trước tình trạng khan hiếm, anh Hải cho biết phải đến tháng 8 công ty mới có hàng về. Tuy nhiên số lượng rất hạn chế, khoảng hơn 100 máy. “Nhà sản xuất đẩy giá lên cao, thậm chí còn giới hạn số lượng máy nhập về vì họ phải cung cấp cho các nước khác như Ấn Độ hay Hàn Quốc. Tuy bán chạy nhưng không thể nhập nhiều do đợt này công ty cũng khó khăn”, anh nói.

Không chỉ chịu áp lực giá từ nhà sản xuất, COVID-19 khiến giá vận chuyển hàng hóa bị đội lên nhiều lần so với thông thường. Dự kiến giá máy tạo oxy đợt hàng tháng 8 của công ty anh sẽ tăng lên từ 1-2 triệu đồng.

Tình trạng khan hiếm thiết bị y tế sẽ khiến giá nhiều mặt hàng bị đẩy giá lên cao.

Empty

Dịch bệnh phức tạp khiến nhiều người dùng nảy sinh tâm lý lo lắng, sợ rơi vào tình cảnh thiếu hụt oxy của các nước như Ấn Độ, Indonesia. Tuy nhiên anh Hải cho biết việc máy tạo oxy có tác dụng như thế nào trong quy trình điều trị COVID-19 tại nhà vẫn là câu hỏi cần được giải đáp.

“Đây là điều dễ hiểu. Nhưng tình trạng khan hiếm hàng hóa sẽ khiến máy bị độn giá lên cao. Đến thời điểm đó người thực sự cần lại không có, người có thì lại không dùng. Tôi hy vọng gia đình nào thực sự cần hẵng mua, không nên để tình trạng thiếu thiết bị y tế diễn ra”, anh Hải nói.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, khuyến cáo người dân không nên đổ xô mua máy tạo oxy. "Đây là việc không cần thiết. Cụ thể, bệnh nhân mắc COVID-19 cần được điều trị chuyên biệt, không thể đơn thuần điều trị tại nhà với oxy y tế", PGS.TS Nhung nhận định.

Theo Zing

comment Bình luận

largeer