Độc đáo những "ATM" lan toả tình người trong mùa dịch

ATM vốn được biết đến là loại máy giao dịch tự động, nhưng giờ đây khi dịch COVID-19 làm đảo lộn cuộc sống của người dân thì ATM đã biến thành tình thương, sự chia sẻ, đùm bọc với hàng loạt tên gọi như “ATM gạo”, “ATM oxy”, “ATM sách”, "ATM F0 chống dịch",...
13/09/2021 17:16

Đầu tiên phải kể đến mô hình "ATM gạo", đã triển khai từ năm 2020 và đến năm 2021 vẫn tiếp tục được nhân rộng. Với mong muốn có thể giúp được người nghèo khó, bán vé số có thêm được bữa cơm ấm bụng, chiếc máy phát gạo tự động đầu tiên được anh Hoàng Tuấn Anh (Tân Phú, TP HCM) sáng chế đã nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ của rất nhiều người dân.  

Trong mùa dịch này, rất nhiều người đã mất việc làm hoặc không thể tìm được việc làm duy trì nhu cầu sống cơ bản của mình đó là ăn, thì những máy ATM này có thể giúp người nghèo vượt qua được giai đoạn khó khăn này, trước mắt giúp họ duy trì sự sống. Đến nay, "ATM gạo" đã được nhân rộng trên cả nước tại Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, Hà Tĩnh,...

atmgao

Song song với "ATM gạo" là "ATM khẩu trang", nhằm phục vụ việc cung cấp khẩu trang miễn phí cho người dân toàn thành phố. Người dân chỉ cần xếp hàng và bảo đảm giãn cách theo quy định, lần lượt “rút” khẩu trang bằng cách đứng trước máy quay nhận diện thông minh gắn kèm thiết bị ATM. 45.000 khẩu trang y tế loại 3 lớp và 4 lớp được chuẩn bị sẵn để phục vụ việc phát miễn phí thông qua cây ATM này. 

Tiếp đến là “ATM lướt ống” chuẩn bị chu toàn ba bữa ăn trong ngày, hiện đang ứng dụng tại Tân Sa Châu (387 Lê Văn Sỹ, Phường 2, quận Tân Bình, TPHCM). ATM là hai ống nhựa to dài 2 m, có đường kính đủ để hộp cơm, bánh mì, khoai lang lọt qua. Các tình nguyện viên đứng trong nhà thờ, thả những phần hỗ trợ vào ống nhựa, “lướt ống” vào rổ nhựa bên ngoài, đến tay người dân.

atmluotong

Đều đặn hơn một tháng nay, ATM “lướt ống” gửi các phần bánh mì vào buổi sáng, cơm hộp vào buổi trưa, khoai lang hoặc mì gói vào buổi chiều đến tay những người cần. Mỗi 15 phút, ống nhựa sẽ được khử khuẩn một lần. Người dân tới nhận hỗ trợ cũng được nhắc nhở đeo khẩu trang và xếp hàng giãn cách. Chỉ khi người dân tới trước ống nhựa, phần quà mới được thả vào để bảo đảm chất lượng. 

Một mô hình nữa phải kể đến là "ATM oxy" do Hội Liên hiệp Thanh Niên Việt Nam TP Hồ Chí Minh cho biết đã phối hợp cùng Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và Công ty PHG Smart Home thực hiện, nhằm kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ các trường hợp khó khăn trong việc đổi trả, tiếp cận nguồn cung cấp bình oxy nhằm duy trì việc điều trị, chữa bệnh tại nhà. 

Đến nay, chương trình "ATM oxy" đã cung cấp oxy miễn phí cho hơn 400 trạm y tế lưu động, tương đương với việc hỗ trợ oxy miễn phí cho khoảng 4.000 bệnh nhân COVID-19 mỗi ngày. Bên cạnh các bình oxy cỡ lớn cung cấp cho các trạm y tế, bệnh viện, “ATM oxy” còn cấp, đổi hàng nghìn bình oxy cỡ nhỏ cho các F0 tại nhà, giúp họ giảm các triệu chứng chuyển nặng, hỗ trợ phục hồi sức khỏe.

atmoxy

Với mô hình "ATM F0 chống dịch", những F0 đã được điều trị khỏi bệnh và an toàn theo quy định của ngành Y tế sẽ tham gia công tác chống dịch và các hoạt động cần thiết. Đây là lực lượng rất quan trọng, nếu tổ chức tốt sẽ phát huy hiệu quả trong bối cảnh thành phố đang thiếu nguồn nhân lực. Đến nay, đã có gần 300 F0 khỏi bệnh đăng ký tham gia chương trình “ATM F0 chống dịch” trên địa bàn TPHCM. Trong đó, 165 F0 đã nhận bàn giao công việc, với các nhiệm vụ hậu cần, dọn vệ sinh, dọn phòng, lái xe, chăm sóc bệnh nhân…

Hiện nay, nhiều trường học ở TP HCM đã thực hiện mô hình "ATM điện thoại - máy tính cũ" giúp học sinh khó khăn có thiết bị học trực tuyến. Chương trình nhằm kêu gọi nhà hảo tâm, phụ huynh, học sinh hay bất cứ ai góp điện thoại thông minh cũ, laptop cũ, tiền để mua điện thoại mới... cho học sinh không đủ thiết bị để học trực tuyến.

Phụ huynh, giáo viên, nhà hảo tâm nào muốn gửi tặng điện thoại, máy tính sẽ đăng ký thông tin qua đường link. Nhà trường sẽ nhờ lực lượng chức năng đến nhận, sau đó đem tới cho một giáo viên có nhiệm vụ tiếp nhận, kiểm tra máy, phân bổ và ghi thông tin địa chỉ học sinh để dán vào máy. Tiếp theo, lực lượng chức năng sẽ mang điện thoại, máy tính đến từng nhà học sinh, chụp hình xác nhận. Khi triển khai mô hình này, thầy cô giáo mong muốn tất cả học sinh đều bình đẳng trong việc tiếp cận kiến thức. Những em không có thiết bị hỗ trợ học tập trong dịch bệnh sẽ được hỗ trợ kịp thời, để không em nào bị bỏ lại phía sau.

Tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (quận 5) cũng đã triển khai chương trình "ATM máy tính" để quyên góp máy tính cho học sinh. Theo Giám đốc trung tâm, khảo sát cơ bản cho thấy học sinh của trung tâm có đủ thiết bị phục vụ việc học trực tuyến. Tuy nhiên, vẫn còn 50 em không có thiết bị học tập tốt. Do đó, trung tâm đã gửi thư ngỏ tới phụ huynh, giáo viên, nhà hảo tâm về việc quyên góp máy tính đã qua sử dụng để tặng lại cho học sinh khó khăn.

Đến nay, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An đã nhận được 5 máy tính. Số máy này sẽ được một công ty máy tính bảo trì, nâng cấp, sửa chữa và sẽ chuyển đến tay học sinh phục vụ cho việc học tập. Trung tâm mong muốn mỗi học sinh sẽ có một máy tính để học, vì xác định việc học trực tuyến sẽ lâu dài, ngay cả khi các em trở lại học bình thường. Đây là giải pháp lâu dài mà trung tâm đề ra để thực hiện với mong muốn phủ máy tính đến càng nhiều học sinh càng tốt. "ATM máy tính" này không chỉ phục vụ học sinh của trung tâm mà còn sẽ hỗ trợ các trường lân cận.

Thu Trang

comment Bình luận

largeer