Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam

Tại Việt Nam, đột quỵ không những là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Mỗi năm có 200.000 người bị đột quỵ, tỷ lệ tử vong do do bệnh này ở nam giới là 18% và ở nữ giới là 23%.
14/12/2020 14:31

Đột quỵ ở thế kỷ XXI - Tai biến mạch máu não là một gánh nặng lớn về sức khỏe cộng đồng, sẽ gia tăng trong những thập kỷ tới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Đó là tình trạng một phần não bộ đột ngột bị tổn thương khi mạch máu nuôi dưỡng phần não đó bị tắc (nhồi máu não) hoặc bị vỡ (xuất huyết não). 

Đột quỵ não là tình trạng y tế khẩn cấp, nếu không được xử lý kịp thời, đột quỵ làm cho phần não bị thiếu oxy, tế bào não bị chết chỉ sau vài phút. Sau khi đột quỵ xảy ra, mỗi phút trôi qua sẽ có gần 2 triệu tế bào não bị chết và làm cho người bệnh già hơn khoảng 3 tuần tuổi. Chính vì vậy, thời gian lúc này là vàng. Người bệnh cần được điều trị càng sớm càng tốt, biện pháp điều trị duy nhất lúc đó là “Tái tưới máu cho não” càng nhanh càng tốt.

dot quy

Hình minh họa.

Người bệnh bị đột qụy não có thể bị liệt, hôn mê và thậm chí tử vong. Tại Việt Nam, đột qụy không những là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu mà còn gây tàn phế cho người bệnh, là gánh nặng về kinh tế cho gia đình và xã hội. Theo số liệu của Hội Đột qụy Thế giới, cứ 6 người có 1 người bị đột quỵ. Ở Việt Nam, mỗi năm có 200.000 người bị đột quỵ, tỷ lệ tử vong do đột qụy ở nam giới là 18% và ở nữ giới là 23%.

1. Những trường hợp có nguy cơ cao đột qụy não

Có nhiều nguyên nhân gây đột quỵ não nhưng đột qụy thường gặp ở những người bị đái tháo đường (nguy cơ gấp 4 lần so với người bình thường), tăng huyết áp (nguy cơ gấp 3 lần so với người bình thường), bệnh tim mạch (gấp 6 lần), rối loạn mỡ máu, những người béo phì, ít vận động, hút nhiều thuốc lá.

Mặc dù đột quỵ não thường xảy ra ở những người cao tuổi, nhưng ngày nay có khoảng 25% ca đột quỵ lại xảy ra ở những người trẻ tuổi. Căn bệnh này ở người trẻ đang có chiều hướng gia tăng đáng báo động: Tăng gần 50% trong vòng 12 năm qua. Đặc biệt đối với những người lạm dụng bia, rượu, thuốc lá, sử dụng các chất kích thích, tình trạng “béo phì văn phòng”...

2. Nguyên nhân và phân loại đột quỵ:

Theo nguyên nhân, đột quỵ có thể được chia thành 2 loại: đột quỵ do thiếu máu cục bộ và đột quỵ do xuất huyết

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ thường do huyết khối và tắc mạch. Đột quỵ do huyết khối xảy ra khi một cục máu đông hình thành ở một bộ phận khác của cơ thể - thường là tim hoặc các động mạch ở ngực trên và cổ - và di chuyển theo dòng máu đến não. Cùng với nguyên nhân do cục máu đông còn có thể do xơ vữa động mạch. Đó là tình trạng có các mảng bám trên thành mạch máu. Mảng này bao gồm chất béo, canxi, cặn bẩn, cholesterol, … mảng bám này có thể bị vỡ ra. Khi cục máu đông hoặc mảng vụn xơ vữa động mạch trôi đến đoạn mạch hẹp hơn, cục máu đông bị mắc lại, ngăn dòng chảy của máu và gây ra đột quỵ.

Trường hợp dòng máu đến não bị chặn tạm thời, các triệu chứng tương tự như của một cơn đột quỵ toàn bộ, nhưng biến mất sau vài phút hoặc vài giờ, đó là cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua. Tuy hậu quả tại lúc xảy ra không nặng nề, nhưng không nên bỏ qua, vì đó là sự cảnh báo về một cơn đột quỵ trong tương lai.

Đột quỵ xuất huyết xảy ra khi một động mạch trong não bị vỡ hoặc bị rò rỉ máu. Máu từ động mạch đó chảy vào nhu mô não làm các tế bào não bị phù nề, bị tổn thương, và chèn ép vùng não bên cạnh khiến dòng máu nuôi não khu vực này cũng bị cản trở. Nguyên nhân gây ra đột quỵ do xuất huyết có thể là do chứng phình động mạch, hoặc do dị dạng động mạch - có sự kết nối bất thường giữa tĩnh mạch và động mạch trong não. Yếu tố thúc đẩy nguy cơ vỡ mạch thường là huyết áp cao.

 

dau hieu dot quy

Hình minh họa.

3. Các biểu hiện báo hiệu có thể bị đột quỵ não

Đột quỵ não có thể gây ra nhiều triệu chứng như: Nhức đầu, rối loạn ý thức... nhưng chúng ta chỉ cần nhớ ít nhất 1 trong 3 nhóm dấu hiệu sau, nếu nhóm dấu hiệu này xuất hiện đột ngột thì nguy cơ bị đột quỵ lên đến  90 - 95%. Đây cũng là bài kiểm tra FAST được thiết kế vào năm 1998 để giúp nhân viên xe cứu thương ở Vương quốc Anh đánh giá nhanh tình trạng đột quỵ. Nó tính đến các triệu chứng phổ biến nhất của đột quỵ và được thiết kế để giúp đánh giá nhanh cơn đột quỵ kể cả cho những người có học vấn thấp.

Dấu hiệu F.A.S.T

  • Liệt mặt (Face): Miệng bị lệch sang một bên, nếp nhăn mũi-má mờ.
  • Yếu, liệt tay (Arm) hoặc chân: Không thể cầm, nắm, đi lại, hoặc không thể đưa cả hai tay ra.
  • Rối loạn ngôn ngữ (Speech): Đột ngột rối loạn lời nói, không nói được hoặc lời nói không rõ ... như bình thường trước đó.
  • Thời điểm phát bệnh (Time): Khi gặp những triệu chứng trên, cần gọi cấp cứu ngay. Người bệnh (hoặc người đang giúp đỡ người bệnh) cần ghi nhớ thời điểm phát bệnh để thông báo với nhân viên y tế.

4. Những việc cần làm khi thấy người có dấu hiệu đột quỵ:

  • Đỡ người có dấu hiệu đột quỵ để họ không bị té ngã.
  • Nếu người bị đột quỵ còn tỉnh táo, hãy để họ nằm yên và nhanh chóng gọi xe cấp cứu đưa họ đến bệnh viện có khả năng điều trị đột quỵ gần nhất.
  • Nếu người bị đột quỵ hôn mê: Cần xem họ còn thở được hay không? Nếu họ bị ngừng thở, ngay lập tức cần làm hô hấp nhân tạo để kịp thời cung cấp oxy cho não.

5. Những điều không được làm khi thấy người có dấu hiệu đột quỵ:

  • Không được tự ý điều trị cho họ dù chỉ là bấm huyệt, châm cứu, đánh gió vì những động tác này có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh và làm mất thời gian vàng điều trị.
  • Không cho người bị đột quỵ ăn uống vì phải đề phòng nôn trào ngược, họ hít phải chất nôn hoặc thức ăn vào đường thở sẽ rất nguy hiểm.
  • Chỉ dùng thuốc hạ huyết áp cho người bị đột quỵ khi huyết áp của họ > 220/120 mmHg và không dùng thuốc hạ huyết áp nhỏ dưới lưỡi.
  • Không tự ý dùng các loại An Cung hoàn cho người bị đột quỵ, vì có hai loại đột quỵ chính: thiếu máu cục bộ và xuất huyết. Phương pháp điều trị chúng khác nhau cơ bản. 

6. Đột quỵ có tái phát không và phải làm sao để phòng ngừa tái phát?

Tỷ lệ tái phát đột quỵ trong 5 năm đầu tiên là 25%, nghĩa là cứ 4 bệnh nhân sống sót sau đột quỵ sẽ có 1 bệnh nhân có nguy cơ đột quỵ bị tái phát. Do đó, phải chú ý điều trị tích cực để phòng ngừa. Cần có tư vấn từ bác sỹ trực tiếp điều trị để có một chiến lược phòng ngừa phù hợp, bao gồm cả can thiệp y tế và thay đổi lối sống.

Về can thiệp y tế:

Cần kiểm soát và điều trị tốt các bệnh: Đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh lý tim mạch...bằng cách đo huyết áp hằng ngày, kiểm soát tốt đường máu, lượng mỡ trong máu...

Về thay đổi lối sống.

  • Có chế độ ăn thích hợp, nên ăn nhiều rau, hoa quả, hạn chế ăn quá mặn, ăn quá nhiều mỡ động vật.
  • Không lạm dụng bia rượu. Không hút thuốc lá hoặc sử dụng các chất kích thích.
  • Tránh tình trạng căng thẳng thần kinh quá mức và kéo dài.
  • Tăng cường vận động, tập thể dục.
  • Tự quản lý cân nặng, giữ cân nặng theo khuyến cáo về BMI, vì béo phì hoặc thừa cân sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ. 

7. Phục hồi sau đột quỵ

Cứ mỗi 10 năm, Việt Nam có thêm 1.000.000 người bị tàn tật chỉ cho nguyên nhân đột quỵ. Theo nhiều kết quả nghiên cứu, chỉ có khoảng 10% số người sống sót sau đột quỵ phục hồi gần như hoàn toàn. Đối với những tổn thương nhỏ, mức độ phục hồi cũng chỉ đạt khoảng 25%. Điều quan trọng là phục hồi sau đột quỵ phải bắt đầu càng sớm càng tốt. 

Phục hồi sau đột quỵ tập trung vào bốn lĩnh vực chính:

  • Liệu pháp ngôn ngữ.
  • Liệu pháp nhận thức.
  • Học kỹ năng giác quan.
  • Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng.

Việc phục hồi chức năng có thể diễn ra tại một phòng khám phục hồi chức năng, một viện dưỡng lão chuyên môn, có thể tại một cơ sở chăm sóc sức khỏe, hoặc nhà riêng của bệnh nhân. 

Vật lý trị liệu được thiết kế để cải thiện sức mạnh, khả năng phối hợp thô và cân bằng của một người. Phục hồi chức năng giúp những người sau đột quỵ lấy lại khả năng đi lại và làm một số việc như đi cầu thang hoặc ra khỏi ghế. Lấy lại các kỹ năng vận động tốt như cài cúc áo sơ mi, hoặc dùng dao nĩa, hoặc viết thư, …

8. Kết luận

Bất chấp kiến thức y học về đột quỵ của thế giới đã đạt được nhiều tầm cao so với đột quỵ được nghiên cứu ban đầu vào những năm 460 - 370 trước công nguyên bởi Hippocrates, căn bệnh này vẫn là một bệnh nguy hiểm với nhiều biến chứng trong thế kỷ XXI này. Ở cả thế giới phát triển và đang phát triển, đột quỵ do thiếu máu cục bộ vẫn là dạng chủ yếu, và gánh nặng của đột quỵ được dự báo sẽ tăng lên khá mạnh trong tương lai. Cần phải có sự tư vấn, truyền thông giáo dục chăm sóc sức khỏe chủ động nhằm hạn chế tỷ lệ mắc bệnh, can thiệp sớm và hạn chế biến chứng. Cũng cần có rất nhiều cơ sở chăm sóc sức khỏe bằng Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng để chất lượng cuộc sống sau đột quỵ của bệnh nhân được cải thiện tốt hơn, giảm nhẹ gánh nặng cho gia đình bệnh nhân và cho xã hội.

BS. Nguyễn Thị Kim Nga - Trưởng Ban Khoa học – Công nghệ

 

Hội Giáo dục Chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam

comment Bình luận

largeer