Gia Lai tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em

UBND tỉnh Gia Lai có công văn gửi Ủy ban Mặt trận tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh, các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể, UBND cấp huyện về việc tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em.
24/05/2023 09:50

Theo UBND tỉnh, để giảm thiểu tối đa các tai nạn thương tích, đặc biệt là đuối nước gây tử vong cho trẻ em trên địa bàn tỉnh, cấp thiết phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, mỗi gia đình và toàn thể Nhân dân. Vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội theo chức năng nhiệm vụ được giao tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các quyết định, văn bản các cấp về phòng, chống tai nạn, thương tích, phòng chống đuối nước trẻ em.

Ảnh: Báo Gia Lai

Ảnh: Báo Gia Lai

Các đơn vị, địa phương cần tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục bằng các hình thức phù hợp nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng-chống đuối nước trẻ em, cảnh báo về các nguy cơ gây tử vong do đuối nước cho trẻ em. Đặc biệt, cần tăng cường hơn công tác truyền thông về nội dung này trong các trường mầm non, tiểu học và trung học. Tuyên truyền, vận động các gia đình, bố, mẹ, ông, bà, người thân không được chủ quan, lơ là, phải thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, nhất là vào mùa hè, thời tiết nắng nóng và vào mùa mưa bão; đồng thời chủ động đưa trẻ em đi học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Cấp ủy, chính quyền cơ sở tăng cường phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng chống đuối nước cho người dân và trẻ em trên phương tiện thông tin đại chúng và qua hệ thống loa phát thanh của địa phương.

Các sở, ban ngành liên quan của tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được phân công về công tác trẻ em nói chung, công tác phòng chống đuối nước trẻ em nói riêng, tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp liên quan đến việc không đảm bảo an toàn, gây nguy hiểm và tử vong cho trẻ em. Tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn giao thông đường thủy, phòng chống tai nạn đuối nước trẻ em tại cơ sở; xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các địa phương có nguy cơ cao về tai nạn giao thông, đuối nước trẻ em... Kịp thời chỉ đạo rà soát, phát hiện các điểm nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em trên địa bàn, như: các hố sâu; hệ thống thoát nước tại các công trình xây dựng, công trình giao thông; các sông, suối, ao, hồ... để có các giải pháp phù hợp tối ưu nhằm đảm bảo phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em. Quan tâm hỗ trợ, đầu tư trang bị, cơ sở vật chất để dạy bơi cho trẻ em; đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Được biết, theo thống kê, trên địa bàn tỉnh tính từ đầu năm 2023 đến nay đã có 25 trẻ em bị tai nạn, thương tích, trong đó: Tử vong 22 trẻ chiếm 88% tổng số trẻ em bị tai nạn, thương tích (đuối nước: 17 trẻ, tai nạn giao thông: 3 trẻ, các loại tai nạn khác: 2 trẻ). Trong đó, một số địa phương có tỷ lệ cao như huyện: Chư Prông có 1 vụ làm 3 trẻ em tử vong, Krông Pa có 1 vụ làm 3 trẻ em tử vong, Chư Păh 1 vụ làm 2 trẻ em tử vong, Đak Đoa 1 vụ làm 2 trẻ em tử vong.

Cẩm Đào

comment Bình luận

largeer