Gia Lai tăng cường công tác phòng chống ngộ độc do độc tố tự nhiên có trong cóc

Ngày 20/3/2024, Ban Chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm (BCĐLNATTP) tỉnh Gia Lai ban hành văn bản số 07/BCĐLNATTP chỉ đạo các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh; Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác phòng chống ngộ độc do độc tố tự nhiên có trong cóc.
21/03/2024 15:20

Văn bản nêu rõ, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh thường xuyên xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên có sẵn trong thực phẩm, nổi cộm là ngộ độc thực phẩm do ăn thịt và nội tạng cóc. Trong 2 tháng đầu năm 2024, ghi nhận 2 vụ ngộ độc thực phẩm do ăn thịt và nội tạng cóc với 5 người ăn, 5 người mắc, 5 người đi viện, 2 người tử vong. Trước thực trạng trên, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành ở địa phương để hạn chế thấp nhất tình trạng ngộ độc thực phẩm do ăn thịt cóc xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, BCĐLNATTP tỉnh đề nghị Sở Y tế (Cơ quan Thường trực BCĐ liên ngành tỉnh) chủ trì trong việc xây dựng, ban hành các ấn phẩm truyền thông về phòng chống ngộ độc thực phẩm do ăn thịt cóc. Phối hợp với các đơn vị thành viên BCĐLNATTP tỉnh, Ban Chỉ đạo liên ngành các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến người dân trên địa bàn tỉnh dưới nhiều hình thức để thay đổi nhận thức.

Chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp nhận thông tin, tổ chức điều tra, xác minh, tìm nguyên nhân vụ ngộ độc, xử lý nhanh khuyến cáo kịp thời khi có ngộ độc xảy ra.

coc

(Ảnh: Gialai.gov)

Sở Thông tin và truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh và hệ thống thông tin cơ sở tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức đảm bảo an toàn trong chế biến thịt cóc làm thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở. Trong đó, chú trọng thông tin, tuyên truyền nâng cao nếp sống vệ sinh, khoa học, thay đổi phong tục tập quán lạc hậu của người dân tộc thiểu số địa phương trong việc sử dụng thịt cóc làm thực phẩm.

Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền đảm bảo an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên có trong cóc, khuyến cáo các em học sinh không bắt cóc làm thịt ăn, đặc biệt chú trọng đối tượng truyền thông là các em học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi ngay tại cộng đồng. 

BCĐLNATTP cũng đề nghị UBMTTQVN tỉnh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh phối hợp tuyên truyền đảm bảo an toàn thực phẩm trong việc chế biến thịt cóc làm thực phẩm đến các hội viên, đoàn viên thanh niên trong đó chú trọng các hội viên, đoàn viên thanh niên là người dân tộc thiểu số.

BCĐLNATTP các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh chỉ đạo BCĐLNATTP tuyến xã tăng cường và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên có trong cóc, chú trọng công tác tuyên tuyền thông qua các buổi họp dân, các buổi sinh hoạt tại cộng đồng đặc biệt là vùng đông người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, các vùng người dân có thói quen làm thịt cóc làm thực phẩm, trong đó khuyến cáo người dân không bắt cóc làm thịt ăn. 

Hướng dẫn người dân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc thực phẩm. Giám sát, phát hiện sớm các trường hợp ngộ độc thực phẩm trên địa bàn, đặc biệt là ngộ độc do độc tố tự nhiên có trong cóc. Khi có sự cố về an toàn thực phẩm cần thông tin ngay cho Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm để kịp thời phối hợp trong tổ chức điều tra, xác minh, tìm nguyên nhân.

Mai Đào

comment Bình luận

largeer