Giúp trẻ rối loạn phổ tự kỷ hòa nhập cộng đồng, rất cần sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội

Hiện nay số lượng trẻ rối loạn phổ tự kỷ ngày càng gia tăng do sự thiếu hiểu biết của các bậc cha mẹ dẫn tới phát hiện muộn. Do vậy, muốn cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ sớm hòa nhập cộng đồng cần rất nhiều sự chung tay từ gia đình, nhà trường và xã hội.
10/10/2024 23:22

Sớm phát hiện, can thiệp đúng       

Ngồi chăm chú nghe tập huấn chăm sóc quản lý hành vi cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ của Bệnh viện trẻ em Hải Phòng diễn ra vào sáng 28-9-2024, chị Nguyễn Thị Lan ở huyện An Lão chia sẻ đầy tiếc nuối: “Hôm nay, tôi mới được nghe rất nhiều kiến thức về tình trạng của những đứa trẻ như con mình, hiểu thêm về những hành vi hằng ngày để từ đó có những can thiệp giúp các con có được những phản xạ, thói quen để có thể tự lập và hòa nhập hơn”. Qua buổi tập huấn này giúp chị hiểu thêm về tình trạng của con mình để từ đó có một kế hoạch chăm sóc giúp đỡ can thiệp khoa học hơn. Giá như, chị biết đến những buổi tập huấn này sớm hơn một chút, có lẽ chị đã có những can thiệp sớm hỗ trợ cho con nhiều hơn.

chame

Đại diện cha mẹ của trẻ tự kỷ đặt câu hỏi trong buổi tập huấn

Phát hiện con mình đã 4 tuổi mà ít nói, chậm chạp, thường không tập đáp ứng chú ý giao tiếp với người khác và có nhiều hành vi lạ, chị Trịnh Thị H. ở quận Hải An mới tá hỏa cho con đi kiểm tra tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập “Từng Bước Nhỏ” tại phường Kênh Dương, quận Lê Chân. Tại đây, chị được nghe kết luận về việc con chị bị Rối loạn phổ tự kỷ. Tuy nhiên, do trẻ đã 4 tuổi, mức độ chậm trễ nhiều nên quá trình can thiệp cho con gặp nhiều khó khăn hơn. Chị H. ngậm ngùi: “Giá như, vào thời điểm khi con gần 2 tuổi, tôi có thể chú ý đến con nhiều hơn thì có lẽ có thể cho con được can thiệp sớm hơn”.

chuyen gia chia se

Chuyên gia chia sẻ cách chăm sóc trẻ tự kỷ tại buổi tập huấn

Theo Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập “Từng Bước Nhỏ”, Thạc sĩ Tâm lý lâm sàng trẻ em và vị thành niên Chu Tú Lệ, việc phát hiện trẻ rối loạn phổ tự kỷ càng sớm, thì càng tốt cho quá trình can thiệp giúp trẻ sớm hòa nhập cộng đồng. Theo đó, từ năm 2 tuổi đến 4 tuổi là thời điểm vàng can thiệp. Ở Việt Nam, các bậc cha mẹ chưa có thói quen cho trẻ đi khám tâm lý phát triển khi còn nhỏ tầm 2 tuổi, chính vì vậy  khi chăm sóc con các bậc cha mẹ cần chú ý các biểu hiện, hành vi khác thường của con mình để có thể đưa bé đi kiểm tra sớm nhất có thể. Tại các buổi tập huấn mà trung tâm tổ chức nhiều năm qua luôn tập trung hướng dẫn các cha mẹ dấu hiệu để nhận ra những biểu hiện theo dõi nguy cơ của con. Bên cạnh đó, hướng dẫn các cha mẹ cách vui chơi, tương tác với con mỗi ngày dành, dạy con dựa theo một kế hoạch can thiệp cá nhân cụ thể của trẻ.

Trưởng khoa Thần kinh Tâm bệnh phụ trách đơn nguyên tự kỷ- tâm bệnh, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Bích Vân cho biết: Mỗi hành vi của trẻ được can thiệp đúng sẽ giúp cho trẻ tiến bộ nhanh chóng, có thêm cơ hội để hòa nhập với cộng đồng. Cho đến thời điểm này, y học cũng chưa thể đưa ra nguyên nhân chính gây ra bệnh tự kỷ, vì vậy những can thiệp điều chỉnh các hành vi, can thiệp các kỹ năng còn khiếm khuyết của trẻ giúp cho trẻ dần hoàn thiện hơn và hoà nhập tốt nhất với môi trường học tập và sinh hoạt của mình.

Mong trẻ luôn được yêu thương

Là người thực hiện nhiều chương trình tập huấn với các chủ đề khác nhau dành cho cha mẹ/người chăm sóc trẻ rối loạn phát triển tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, Thạc sĩ giáo dục đặc biệt Bùi Ánh Ngọc cho biết: Thường các trẻ được đưa đến trung tâm của bệnh viện để học can thiệp chỉ từ 1 - 2 tiếng/ngày, còn lại phần lớn thời gian các trẻ sẽ ở cùng gia đình. Thế nên, cha mẹ/người chăm sóc trẻ nên hiểu đúng về khả năng, nhu cầu, khó khăn của trẻ để can thiệp. Nếu như, cha mẹ, người chăm sóc trẻ can thiệp đúng sẽ giúp các con có nhiều cơ hội để tham gia học hòa nhập cũng như hòa nhập xã hội trong tương lai. Hiện tại, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng đang thực hiện khám thường xuyên cho nhiều trẻ tại Hải Phòng và các tỉnh lân cận và tiếp nhận can thiệp trực tiếp cho 20 trẻ/ ngày. Trong thực tế, nhu cầu khám và can thiệp ngày càng cao, ngoài việc xây dựng lộ trình tăng khả năng đón nhận nhiều trẻ đến khám và can thiệp, Bệnh viện trẻ em Hải Phòng sẽ tiếp tục tổ chức các buổi tập huấn chuyên sâu với nhiều nội dung phong phú nhằm giúp các bậc cha mẹ trẻ có thêm kiến thức, hỗ trợ con em mình một cách khoa học nhất.

cacdaibieu

Các đại biểu, chuyên gia và phụ huynh trẻ tự kỷ tham gia buổi tập huấn

Tham gia giảng dạy trẻ mầm non nhiều năm, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Phượng Vũ Thị Thanh Hoa chia sẻ: Năm học 2024-2025, Nhà trường không có học sinh rối loạn phổ tự kỷ. Tuy nhiên, cô cũng mong muốn giáo viên mầm non và người lớn luôn quan tâm, chú ý, dành nhiều yêu thương đến những con có những biểu hiện của rối loạn phổ tự kỷ như: ít tương tác, sợ âm thanh, ánh sáng, ánh mắt, cử chỉ không có cảm xúc, dễ bị kích động. Từ đó, các cô giáo và cha mẹ các con sẽ kiên trì điều chỉnh hành vi, có phương pháp giáo dục riêng với từng con để các con có thể sớm hòa nhập cùng các bạn cùng trang lứa. Với những con chậm vận động thì các cô sẽ giúp con kích thích, động việc các con tăng cường vận động. Với những con không giao lưu, thích ngồi một mình. Các cô sẽ tích cực cho các con chơi những đồ chơi có màu sắc và âm thanh. Với con tăng động, các cô kiên trì hướng các con tham gia những trò chơi tĩnh lặng để giảm cường độ hoạt động của con… Mong sao các con đều nhận được những yêu thương, quan tâm từ các thầy cô, cha mẹ để nhanh chóng và dễ dàng hòa nhập cùng bạn bè cùng trang lứa.

Đồng chí Nguyễn Anh Thuấn, Trưởng phòng GDTX-CN và Đại học, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng thông tin, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng quản lý 9 trung tâm ở khắp các quận, huyện tổ chức đánh giá và can thiệp giúp trẻ tự kỷ sớm hòa nhập cộng đồng như Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Ban Mai, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Từng Bước Nhỏ... Một số trung tâm này thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn giúp các bậc cha mẹ học sinh có thêm hiểu biết để chăm sóc con tốt nhất. Chất lượng hoạt động của các Trung tâm ngày càng cao, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, công tác tuyển sinh đều đảm bảo kế hoạch đào tạo… Tuy nhiên, ở một số địa phương vẫn còn có tình trạng Trung tâm hoạt động không phép; sử dụng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhân viên không đúng với nội dung đăng ký trong hồ sơ cho phép hoạt động dẫn đến không đảm bảo quy định; Chương trình, giáo trình tài liệu ngoài danh mục đăng ký trong hồ sơ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng học, ánh sáng không đảm bảo điều kiện so với quy định. 

CÙ THƯƠNG- VĂN CHƯƠNG

comment Bình luận

largeer