Góp ý dự thảo Nghị quyết thí điểm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3, 4 tuổi

Chiều ngày 4/1, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực tổ chức phiên họp thứ 3 của Tiểu ban Giáo dục mầm non cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết Quốc hội về thí điểm phổ cập giáo dục mầm non đối với trẻ mẫu giáo 3 tuổi, 4 tuổi tại một số tỉnh, thành phố.
05/01/2024 09:50

Báo cáo tại phiên họp, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GDĐT) Nguyễn Bá Minh cho biết: Dự thảo Nghị quyết Quốc hội về thí điểm phổ cập giáo dục mầm non đối với trẻ mẫu giáo 3 tuổi, 4 tuổi được thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, ưu đãi thu hút đầu tư, ưu đãi, thu hút đối với giáo viên mầm non, hỗ trợ trẻ em mẫu giáo học tại các cơ sở giáo dục mầm non trong độ tuổi 3 tuổi, 4 tuổi. Dự thảo của Nghị quyết dự kiến được thực hiện ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bao gồm: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hải Phòng, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Kon Tum, Sóc Trăng, Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Bạc Liêu.

giaoduc

Quang cảnh phiên họp (Ảnh: Trung tâm Truyền thông và Sự kiện)

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, thí điểm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 3 tuổi, 4 tuổi nhằm nâng cao tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo 3 tuổi, 4 tuổi được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng, bảo đảm hầu hết trẻ em mẫu giáo 3 tuổi, 4 tuổi ở mọi vùng, miền tại các địa phương triển khai thí điểm được đến lớp, nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục 2 buổi/ngày theo Chương trình Giáo dục mầm non nhằm chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, ngôn ngữ và tâm lý sẵn sàng đi học, bảo đảm chất lượng để trẻ em vào lớp một; góp phần vào thực hiện quyền của trẻ em mẫu giáo, nâng cao tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo toàn quốc.

Việc thí điểm phổ cập giáo dục mầm non cũng đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn, tiêu chí thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 3 tuổi, 4 tuổi và đây là cơ sở để đề xuất với Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục và các quy định có liên quan để triển khai thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo trên phạm vi toàn quốc.

Thí điểm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo cần bảo đảm thực hiện nguyên tắc công bằng về các nhóm Quyền của trẻ em theo Luật trẻ em và công ước quốc tế mà Việt Nam đã kí cam kết trong tiếp cận giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo. Do đó, việc lựa chọn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham gia thí điểm phải đảm bảo các tiêu chí như phải có sự đồng thuận, cam kết của các tỉnh, thành phố tham gia thí điểm; có đại diện cơ sở giáo dục mầm non ở cả địa bàn thuận lợi, khó khăn về điều kiện kinh tế - xã hội và cơ sở giáo dục mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư; có đủ loại hình trường, lớp bao gồm các cơ sở giáo dục mầm non công lập và dân lập, tư thục và tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo bao gồm các đơn vị có tỷ lệ huy động trẻ cao và đơn vị có tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo ở mức thấp.

Tại phiên họp, các đại biểu, chuyên gia tham dự đã trao đổi, góp ý, ý kiến đề xuất liên quan đến tính khả thi của chương trình thí điểm; thời gian, quy mô thí điểm tại các địa phương; chuẩn bị về đội ngũ, cơ sở vật chất thực hiện chương trình thí điểm; chế độ, chính sách giáo viên mầm non; chính sách, chế độ cho các đối tượng học sinh; tuyển sinh, đào tạo ngành giáo dục mầm non tại các cơ sở giáo dục đại học.

Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tại phiên họp, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhận định: Đây là phiên họp quan trọng và các ý kiến trao đổi tại phiên họp của các chuyên gia đến từ nhiều góc độ, khía cạnh khác nhau giúp Bộ GDĐT có một cái nhìn tổng thể trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết. Vấn đề phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em là vấn đề lớn, đặc biệt là trẻ em ở lứa tuổi 3, 4 tuổi do đó dự thảo Nghị quyết phải được xây dựng, thiết kế khoa học, bài bản để kể cả những địa phương không đưa vào triển khai thí điểm vẫn có thể thực hiện một cách thuận lợi và phải ban hành các tiêu chí để công nhận việc phổ cập này.

Thứ trưởng đề nghị Tiểu ban Giáo dục mầm non ghi nhận và lấy ý kiến đầy đủ của các thành viên tham gia phiên họp để bổ sung, điều chỉnh, lựa chọn phương án tối ưu và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trước khi trình dự thảo với Quốc hội.

Trung tâm Truyền thông và Sự kiện

comment Bình luận

largeer