Hà Nội cứu sống một bệnh nhân có vết thương thấu ngực hai bên, thấu tim

Ngày 17/6, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Bệnh viện 108) cho hay đơn vị này mới đây tiếp nhận cấp cứu cho nam bệnh nhân có vết thương thấu ngực hai bên, thấu tim.
17/06/2022 16:56

BS. Đặng Trung Dũng – Khoa Phẫu thuật lồng ngực, Bệnh viện 108 - cho biết, ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, các thầy thuốc nhận định đây là những vết thương thấu ngực, có khả năng thấu tim, gây tràn máu – tràn khí màng phổi mức độ nhiều, có khả năng gây nguy hiểm tới tính mạng. 

Các bác sĩ nhanh chóng mở ngực để thám sát, xử lý tổn thương. Lượng máu mất trong khoang màng phổi nhiều khoảng 1,5 lít, vết thương rách nhu mô phổi, thủng màng tim, thủng thành thất trái. 

Các tổn thương rách nhu mô phổi, thủng thất trái đã được kíp phẫu thuật Lồng ngực - Tim mạch xử trí kịp thời.

bn

Nam bệnh nhân có vết thương thấu ngực hai bên, thấu tim được cấp cứu kịp thời

Sau phẫu thuật 1 tuần, bệnh nhân được rút ống dẫn lưu, phổi nở tốt, mạch và huyết áp ổn định, vết thương khô và được xuất viện.

Các bác sĩ cho hay theo một số nghiên cứu, vết thương tim có tỷ lệ tử vong trước viện khoảng 95% và tử vong khoảng 50% trong thời gian nằm viện. Các trường hợp sống sót phải nhanh chóng được đưa đến bệnh viện để phẫu thuật và điều trị. 

Những trường hợp này được coi là một cuộc chạy đua về thời gian để đánh giá hết tất cả tình trạng tổn thương và tiến hành hồi sức. Việc cấp cứu và phẫu thuật khẩn cấp có vai trò quan trọng trong việc cứu sống bệnh nhân và cải thiện tiên lượng.

 BS. Nguyễn Hải Ghi – Khoa Cấp cứu, Bệnh viện 108 - cho biết, trong các trường hợp vết thương ngực được đưa đến cùng với các dị vật, cần phải giữ lại và duy trì các dị vật tại vị trí của nó cho đến khi vị trí chảy máu được xác định và quá trình cầm máu được tiến hành. 

"Việc loại bỏ các vật thể lạ có thể loại bỏ tác động chèn ép lên mạch chính hoặc các khoang cơ thể dẫn đến chảy máu ồ ạt thậm chí gây tử vong", BS Ghi nói.

Theo SKĐS

comment Bình luận

largeer