Hà Nội điều trị thành công cắt khối u cơ trơn thực quản bằng phương pháp nội soi cắt hớt dưới niêm mạc

Vừa qua, Khoa điều trị bệnh Ống tiêu hóa, Viện điều trị các bệnh Tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận trường hợp bệnh nhân T. 34 tuổi, nhập viện với biểu hiện nuốt vướng gần 1 năm kèm theo cảm giác tức ngực nhẹ, không liên quan gắng sức, không khó thở.
04/11/2022 10:01

Bệnh nhân được nội soi dạ dày và phát hiện khối u lồi vào trong lòng thực quản, chiếm ½ chu vi thực quản. Khi vào Khoa, bệnh nhân được nội soi siêu âm, bước đầu xác định là khối u dưới niêm mạc thực quản theo dõi u cơ trơn.

221104-1-1-080523-041122-18

U cơ trơn thực quản là khối u lành tính ở thực quản, đây là tổn thương hiếm gặp, chiếm tỷ lệ nhỏ (< 1% các khối u thực quản). Khối u bắt nguồn từ các tế bào cơ trơn và chiếm khoảng 2/3 tổng số tổn thương lành tính ở thực quản. Căn nguyên và bệnh sinh của các u đến nay chưa rõ ràng, tỷ lệ mắc ở nam nhiều hơn nữ, trong đó lứa tuổi hay gặp từ 20 – 50 tuổi. Vị trí của khối u thường là 2/3 dưới thực quản, số lượng có thể một hoặc vài khối.

Chẩn đoán u cơ trơn như thế nào?

Thông thường khối u cơ trơn được phát hiện tình cờ khi kiểm tra định kỳ hoặc sàng lọc các bệnh lý đường tiêu hóa trên, một số bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng chủ yếu cảm giác nuốt vướng, ảnh hưởng đến sinh hoạt. Nội soi tiêu hóa trên phát hiện sự hiện diện của khối u kết hợp với siêu âm nội soi, chụp CT scan góp phần chẩn đoán bản chất khối u. Tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán là giải phẫu bệnh.

Các phương pháp điều trị

Loại bỏ khối u là phương pháp tối ưu nhất, bệnh nhân có triệu chứng đều được khuyên cắt bỏ khối u. Phẫu thuật là phương pháp thông thường hay được áp dụng để loại bỏ khối u. Tuy nhiên để phẫu thuật, bệnh nhân phải phẫu thuật mở lồng ngực, thủ thuật xâm lấn nhiều, các nguy cơ và biến chứng sau mổ rất nghiêm trọng, đặc biệt là nguy cơ nhiễm trùng, chảy máu và hẹp thực quản sau phẫu thuật. Vậy phương pháp nào có thể hạn chế được các nguy cơ ở trên?

Hiện nay, Khoa Điều trị bệnh Ống tiêu hóa (A3-A) đang áp dụng kỹ thuật cắt hớt niêm mạc (EMR) và cắt tách khối u dưới niêm mạc (ESD) trong việc loại bỏ khối u thực quản, nhất là ung thư sớm.

- Kỹ thuật cắt hớt niêm mạc (Endoscopic Mucosal Resection – EMR) là kỹ thuật nội soi can thiệp sử dụng thòng lọng nhiệt để cắt bỏ tại chỗ các tổn thương ung thư sớm hoặc tiền ung thư của ống tiêu hoá, các polyp không cuống đại trực tràng. Sau khi tiêm một lượng dung dịch vào lớp dưới niêm mạc để cho tổn thương nổi phồng lên làm hạn chế nguy cơ cắt thủng thành ống tiêu hoá.

- Kỹ thuật cắt tách dưới niêm mạc (Endoscopic Submucosal Dissection – ESD) là kỹ thuật nội soi can thiệp sử dụng các loại dụng cụ chuyên dụng để cắt bỏ tại chỗ các tổn thương ung thư sớm hoặc tiền ung thư của ống tiêu hoá, không cắt đoạn và bảo tồn toàn vẹn ống tiêu hoá. Đây là một kỹ thuật can thiệp tối thiểu được phát triển trên cơ sở kỹ thuật cắt hớt niêm mạc (EMR) nhưng ưu điểm hơn là cho phép cắt bỏ nguyên khối (en-bloc) tổn thương tại chỗ. Đồng thời giúp bệnh nhân giải quyết được các triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt mà không cần phải chịu một cuộc phẫu thuật.  

Trở lại trường hợp bệnh nhân T., sau khi có chẩn đoán khối u cơ trơn, bệnh nhân đã được điều trị cắt khối u bằng phương pháp nội soi cắt hớt niêm mạc (EMR) kết hợp cắt hớt dưới niêm mạc (ESD), thông qua nội soi để loại bỏ khối u mà không cần mở lồng ngực. Khối u sau sắt làm giải phẫu bệnh là u cơ trơn lành tính. Bệnh nhân sau can thiệp nhịn ăn 1 ngày, được nuôi dưỡng tĩnh mạch, sau 2 ngày ổn định, ăn uống, đại tiểu tiện bình thường và xuất viện sau 3 ngày. Bệnh nhân duy trì uống thuốc theo đơn tại nhà và hẹn kiểm tra lại sau 01 tháng.

BS. Mai Thu Hoài - Khoa Điều trị bệnh Ống tiêu hóa,

Viện điều trị các bệnh Tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

comment Bình luận

largeer