Hà Nội: Ngành y tế thực hiện các nhiệm vụ theo Đề án 06 của Chính phủ

Đề án 06 về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
04/07/2024 10:25

Ngành y tế Hà Nội có 6 nhiệm vụ gồm: khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp; “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng COVID-19; liên thông dữ liệu kết quả khám sức khỏe lái xe; liên thông dữ liệu giấy báo tử, giấy chứng sinh; khám chữa bệnh sử dụng sinh trắc học và thí điểm Hồ sơ sức khỏe, Sổ sức khỏe điện tử.

Triển khai thực hiện các nhiệm vụ

Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các cơ sở y tế, bệnh viện sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp thay thế thẻ BHYT trong khám chữa bệnh. Tính từ đầu năm đến nay, các cơ sở khám chữa bệnh đã tiếp đón hơn 4 triệu lượt khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp.

IMG_0842.JPG

(Ảnh: Thanh niên)

Về “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng Covid-19, các cơ sở tiêm chủng đã xác thực điện tử cho 17,31 triệu mũi tiêm vắc xin Covid-19; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác 06 các địa phương tổ chức xác thực trên 1 triệu trường hợp sai thông tin.

Việc cập nhật, chuyển dữ liệu giấy khám sức khoẻ lái xe lên Cổng Giám định BHYT, đã liên thông và ký số thành công 204.681 hồ sơ, trong đó, liên thông tự động API là 41.513 hồ sơ; cập nhật thủ công là 163.168 hồ sơ.

Việc cấp giấy chứng sinh điện tử, giấy báo tử điện tử và kết nối, chia sẻ dữ liệu cũng được thực hiện hiệu quả. Cấp giấy chứng sinh, đã có 64 cơ sở khám chữa bệnh phát sinh dữ liệu và liên thông dữ liệu lên Cổng giám định BHYT, với tổng số 100.698 hồ sơ, trong đó qua API là 69.669 hồ sơ, nhập thủ công là 31.029 hồ sơ.

41 cơ sở khám chữa bệnh phát sinh dữ liệu về giấy báo tử và liên thông dữ liệu với tổng số 1.040 hồ sơ, trong đó qua API là 527 hồ sơ, nhập thủ công là 513 hồ sơ.

38/43 bệnh viện công lập trong toàn ngành đã triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, đạt tỷ lệ 88%.

Khám chữa bệnh sử dụng sinh trắc học, Kiosk tự phục vụ đã được triển khai thành công tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn (05 Kiosk) và Bệnh viện đa khoa Đống Đa (01 Kiosk) và tiếp tục tục triển khai thí điểm tại Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì, Bệnh viện Hòe Nhai. Thông tin từ Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn cho biết, trung bình mỗi ngày đơn vị tiếp đón khoảng 1.600 bệnh nhân qua các Kiosk và giảm đáng kể thời gian chờ đăng ký khám chữa bệnh của bệnh nhân.

Thí điểm Hồ sơ sức khỏe, Sổ sức khỏe điện tử

Thành phố đã tổ chức kết nối thí điểm liên thông dữ liệu khám chữa bệnh BHYT của 50 bệnh viện, 39 phòng khám đa khoa, 297 trạm y tế theo Quyết định số 4026/QĐ-BYT, với số lượng hồ sơ đã được đẩy thành công lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm là 3.527.640 hồ sơ để sẵn sàng hiển thị trên ứng dụng VneID.

Đến thời điểm hiện tại thành phố đã khởi tạo được dữ liệu ban đầu thông tin của gần 10 triệu người dân từ Hệ thống tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 và phần mềm Quản lý khám chữa bệnh, tiêm chủng quốc gia và 579 trạm y tế trên địa bàn thành phố.

Khoảng 7,5 triệu người dân có 21/73 thông tin so với Quyết định số 110/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành các trường thông tin tạo lập Hồ sơ sức khỏe điện tử thí điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Hơn 16,69 triệu lượt khám chữa bệnh được đồng bộ từ phần mềm Quản lý khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh lên Hệ thống Hồ sơ sức khỏe thành phố.

Hoàn thành việc kết nối chính thức Hệ thống Hồ sơ sức khỏe thành phố vào mạng số liệu chuyên dùng CPNet và chính thức thực hiện kết nối Hệ thống Hồ sơ sức khỏe thành phố với Cơ sở dữ liệu dân cư để xác minh, làm sạch dữ liệu người dân. Đến thời điểm hiện tại đã xác minh được gần 1,8 triệu người dân trên toàn thành phố.

Ngành y tế đã tổ chức 05 lớp tập huấn cho hơn 3.100 học viên của các cơ sở khám chữa bệnh về kết nối, liên thông dữ liệu lên Hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử thành phố Hà Nội; sử dụng Hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử thành phố Hà Nội… đồng thời thiết lập 03 nhóm zalo hỗ trợ việc cập nhật thông tin, với hơn 2.000 thành viên tham gia.

Triển khai Sổ sức khỏe điện tử trong công tác khám, chữa bệnh (thay sổ y bạ giấy; sổ khám bệnh) với giá trị sử dụng được cập nhật thông tin liên tục qua các lần khám cùng các thông tin về sức khỏe cơ bản - giúp công tác cấp cứu, khám chữa bệnh chính xác, nhanh chóng; giảm thiểu nguy cơ y tế đặc biệt trong công tác sơ cấp cứu ban đầu tại các bệnh viên, cơ sở y tế.

Trong thời gian tới, ngành y tế tiếp tục chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ được giao về lĩnh vực y tế trong Đề án 06 của Chính phủ. Hoàn thành triển khai thí điểm lập Hồ sơ sức khoẻ điện tử, Sổ sức khoẻ điện tử; kết nối, liên thông làm giàu dữ liệu Hồ sơ sức khỏe điện tử. Mở rộng triển khai Bệnh án điện tử đến toàn bộ các cơ sở y tế, từ đó kết nối, liên thông dữ liệu khám chữa bệnh, kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh ... giữa các cơ sở khám chữa bệnh và với Hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử của thành phố.

Thu Hằng

comment Bình luận

largeer