Hà Nội phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã ký ban hành Kế hoạch số 339/KH-UBND ngày 25/11/2024 về việc phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2025.
27/11/2024 08:49

Kế hoạch nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản. Chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản với phương châm phòng bệnh là chính, chữa bệnh kịp thời; kết hợp thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến tận thôn, xóm, hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản; phát hiện sớm, khoanh vùng khống chế, xử lý kịp thời, triệt để các dịch bệnh nguy hiểm phát sinh ở gia súc, gia cầm, thủy sản khi còn ở diện hẹp; đặc biệt đối với các bệnh mới xâm nhập và các biến chủng của mầm bệnh; đảm bảo sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, bền vững và bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

2611-kh339-17325867791031718295259-0-0-506-810-crop-17325867963341977372592

(Ảnh minh họa)

Đồng thời, phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đảm bảo an toàn dịch bệnh, từng bước giảm chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trong khu dân cư; đồng thời nâng cao chất lượng con giống, duy trì, bảo tồn và phát triển các giống bản địa hiệu quả cao trên địa bàn Thành phố; quản lý giết mổ gia súc, gia cầm có kiểm soát. Qua đó, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về phòng, chống dịch bệnh động vật cũng như tác hại của dịch bệnh động vật trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; trách nhiệm của người dân, các cấp chính quyền trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản.

Giải pháp thực hiện

1. Tổ chức tuyên truyền các quy định của pháp luật về chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và thú y; tập huấn chuyên môn các nội dung trên cho các đối tượng liên quan.

2. Phòng bệnh bằng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm: Tổ chức 02 đợt tiêm phòng đại trà cho đàn gia súc, gia cầm. Đợt 1 vào tháng 3-4/2025 và Đợt 2 vào tháng 9-10/2025. Hàng tháng tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi mới phát sinh, chưa được tiêm phòng hoặc đã hết miễn dịch.

3. Giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản; giám sát sau tiêm phòng: Duy trì đường dây tiếp nhận thông tin về tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản trên địa bàn Thành phố qua số điện thoại 024.33800115. Công khai các địa chỉ để tiếp nhận thông tin khai báo dịch bệnh ở cấp xã, cấp huyện.

4. Điều tra ổ dịch, xử lý dịch bệnh được thực hiện theo quy định tại Điều 7 và Điều 9 Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 và Điều 4, Điều 5, Điều 13 Thông tư số 04/2016/TTBNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

5. Vệ sinh, tiêu độc, khử trùng; hỗ trợ xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.

6. Quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm: Từng bước đưa các hộ, điểm giết mổ nhỏ lẻ vào giết mổ tại các khu giết mổ tập trung trong Mạng lưới cơ sở giết mổ đã được UBND Thành phố phê duyệt. Tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn quản lý theo phân cấp.

7. Quản lý công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, kiểm tra vệ sinh thú y; quản lý giống, thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thuốc thú y.

8. Xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh theo quy định tại Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

9. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.

Tổ chức thực hiện

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật có hiệu quả, đảm bảo khống chế, dập dịch không để dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản lây lan ra diện rộng, tạo điều kiện cho chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, bền vững và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

UBND các quận, huyện và thị xã căn cứ Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản trên địa bàn Thành phố năm 2025, xây dựng, ban hành Kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản trên địa bàn quận, huyện, thị xã đảm bảo hiệu quả, đúng quy định; chỉ đạo các xã, phường, thị trấn trên địa bàn xây dựng Kế hoạch và thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản. Đẩy mạnh việc triển khai, tổ chức thực hiện quy hoạch chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; tổ chức giám sát tình hình dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi, nuôi trồng, phát hiện sớm các ổ dịch. Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn. Thông tin, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh địa phương để nâng cao nhận thức của người dân về công tác phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

UBND Thành phố yêu cầu tổ chức thực hiện đồng bộ các nội dung và giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản theo quy định của Luật Thú y, Luật Thủy sản, chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; thực hiện phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và quản lý giết mổ gia súc, gia cầm có kiểm soát. Công tác tổ chức triển khai thực hiện phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành từ Thành phố đến cơ sở; sự vào cuộc của hệ thống chính trị các cấp và cả cộng đồng. Tổ chức phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản kịp thời, phù hợp và hiệu quả. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng, giết mổ gia súc, gia cầm và phòng, chống dịch bệnh; kiên quyết ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Thu Hằng

comment Bình luận

largeer