Hà Nội thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà đã ký ban hành Kế hoạch số 285/KH-UBND ngày 27/9/2024 về việc triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
03/10/2024 10:36

Kế hoạch nhằm tổ chức triển khai Quyết định số 1165/QĐ-TTg ngày 9/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với lợi thế, điều kiện thực tiễn và phát triển chung của Thành phố. Đồng thời, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược, xác định các nội dung công việc và trách nhiệm của các cơ quan tổ chức liên quan trong việc triển khai thực hiện Quyết định số 1165/QĐ-TTg ngày 9/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Nội dung thực hiện

1. Phổ biến, triển khai các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật.

2. Đảm bảo cung ứng thuốc: Nâng cao chất lượng hoạt động phân phối, cung ứng thuốc đảm bảo người dân có điều kiện tiếp cận, lựa chọn, sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, chất lượng với giá hợp lý. Đảm bảo thuốc được đáp ứng đầy đủ, kịp thời tại các cơ sở khám chữa bệnh. Quản lý chặt chẽ việc cung ứng, đấu thầu, mua sắm thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập trực thuộc. Đẩy mạnh, khuyến khích sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập trực thuộc.

3. Hoạt động dược lâm sàng, sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả: Đảm bảo đủ nhân sự làm công tác Dược lâm sàng trong các cơ sở khám chữa bệnh; Tăng cường hoạt động thông tin thuốc, dược lâm sàng, theo dõi phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại các cơ sở y tế; cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin, hướng dẫn sử dụng thuốc cho cán bộ y tế và người bệnh. Đẩy mạnh hoạt động tư vấn về thuốc cho người sử dụng tại các cơ sở bán lẻ thuốc; hoạt động thông tin thuốc. Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Thuốc và điều trị trong các cơ sở khám chữa bệnh, tăng cường vai trò tham gia của Dược sĩ lâm sàng. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát, cảnh báo khi chỉ định thuốc; Quản lý chặt chẽ hoạt động thông tin, quảng cáo thuốc.

thuoc-tay-la-gi-1

(Ảnh minh họa)

3. Quản lý, kiểm soát chất lượng thuốc: Đầu tư, nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị, song song với việc đào tạo nâng cao năng lực nhân sự; Phát triển Trung tâm kiểm nghiệm vùng đủ năng lực kiểm soát toàn diện chất lượng các sản phẩm do Bộ Y tế cấp phép và quản lý lưu hành; Nâng cao năng lực kiểm nghiệm; Tăng cường lấy mẫu, kiểm tra chất lượng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng thuốc, dược liệu lưu hành trên thị trường. Đẩy mạnh các hoạt động phát triển về công nghệ thông tin, số hóa và chuyển đổi số trong công tác kiểm soát chất lượng các sản phẩm do Bộ Y tế quản lý.

4. Phát triển cây dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền: Xây dựng danh mục các loại cây dược liệu ưu tiên phát triển; Phát triển và nuôi trồng các giống dược liệu có giá trị y tế và giá trị kinh tế cao; Phát triển các vùng trồng dược liệu chuyên canh tập trung gắn với xây dựng hệ thống thu mua, bảo quản, sơ chế, chế biến và tiêu thụ. Đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ thuật cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, người sản xuất về công nghệ trồng, chăm sóc, thu hái dược liệu và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng và chế biến cây dược liệu theo hướng GACPWHO. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu; xây dựng, duy trì và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm. Nâng cao năng lực, chất lượng trong khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền.

5. Nâng cao năng lực quản lý, kiểm soát thị trường thuốc, nguyên liệu làm thuốc: Nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước về dược theo từng cấp tại địa phương; Quản lý chặt chẽ hệ thống phân phối, cung ứng; Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm. Xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông, phân phối, cung ứng thuốc giả, thuốc kém chất lượng; Tăng cường các biện pháp quản lý giá thuốc.

6. Áp dụng khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực: Triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình để giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực dược; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý kê đơn, bán thuốc theo đơn, sử dụng thuốc; Khuyến khích triển khai các dự án về khoa học và công nghiệp dược trọng điểm. Phối hợp các trường đại học, cao đẳng Y, Dược, các học viện, viện nghiên cứu Y, Dược để tổ chức đào tạo cơ bản, đào tạo liên tục, đào tạo nâng cao cho đội ngũ nhân lực dược.

UBND Thành phố giao

Sở Y tế là đơn vị thường trực, tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch thuộc lĩnh vực quản lý. Triển khai có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và UBND quận, huyện, thị xã để triển khai, hướng dẫn, đôn đốc, đánh giá tiến độ thực hiện Kế hoạch.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các Sở, ngành, đơn vị liên quan xây dựng, triển khai kế hoạch phát triển cây dược liệu phù hợp với điều kiện thực tiễn và sự phát triển của ngành và Thành phố.

Sở Khoa học và Công nghệ khuyến khích, triển khai một số nhiệm vụ khoa học và công nghệ dược trọng điểm nhằm phát triển công nghiệp dược, các hoạt động nghiên cứu, phát triển trong lĩnh vực dược. Tạo điều kiện thuận lợi cho ngành y tế trong việc lập các dự án chi tiết, kế hoạch tài chính, đổi mới công nghệ, nghiên cứu khoa học theo kế hoạch hằng năm.

UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ Kế hoạch của Thành phố, chủ động xây dựng kế hoạch/lồng ghép, tổ chức thực hiện các nội dung của Kế hoạch trên địa bàn, phù hợp với lợi thế và điều kiện thực tiễn của địa phương. Phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan trong việc quy hoạch phát triển ngành Dược, các vùng nuôi trồng dược liệu trên địa bàn. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển và nuôi trồng dược liệu thế mạnh của địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa. 

UBND Thành phố yêu cầu bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của HĐND, UBND Thành phố; sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả giữa các Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố, UBND quận, huyện, thị xã và các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc triển khai thực hiện Quyết định số 1165/QĐ-TTg ngày 9/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Bám sát các mục tiêu, định hướng của Chiến lược, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, chương trình kế hoạch của Chiến lược trên địa bàn đảm bảo tính khả thi, linh hoạt, phù hợp với lợi thế và điều kiện thực tiễn của Thành phố.

Thu Hằng

comment Bình luận

largeer