Hà Nội tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập

Ngày 15/4, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 115/KH-UBND, phát huy sức mạnh của toàn hệ thống chính trị trên địa bàn Thành phố trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.
20/04/2024 09:10

Kế hoạch nhằm tuyên truyền sâu rộng đến đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, lực lượng vũ trang Thủ đô về ý nghĩa to lớn nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024) qua đó khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh, khơi dậy lòng tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng của dân tộc, của Thăng Long-Hà Nội ngàn năm văn hiến-anh hùng, Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo.

hoctap-1685617303645489312999

(Ảnh: Báo Chính phủ)

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị các Sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các quận, huyện, thị xã, tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình và mỗi công dân cần tập trung vào các nội dung sau:

Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và hiệu quả của công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập và mô hình học tập trong điều kiện nền kinh tế số, xã hội số; thi đua học tập suốt đời; phát huy sáng kiến, giải pháp khuyến khích và phát triển văn hóa học tập trong cộng đồng.

Xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ và đẩy mạnh hoạt động của các thiết chế giáo dục chính quy và không chính quy, thiết chế văn hóa, các trung tâm học tập cộng đồng, tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho các đối tượng học tập suốt đời.

Triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp và tập trung nguồn lực, huy động sự tham gia, phối hợp của các tổ chức, cá nhân trong việc thúc đẩy học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, hoàn thành các mục tiêu trong Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 07/02/2024 của Ủy ban nhân dân Thành phố về “Triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TU ngày 16/11/2023 của Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố Hà Nội từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Thi đua nâng cao năng lực sử dụng các công nghệ học tập hiện đại, chuyển đổi số trong các hoạt động học tập suốt đời; nâng cao năng lực số và năng lực sử dụng ngoại ngữ cho người dân, thực hiện học tập mọi lúc, mọi nơi bằng mọi phương pháp để phục vụ cho công việc.

Thi đua đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị và xây dựng mô hình công dân học tập; xây dựng văn hóa học tập.

Thi đua tiếp cận kịp thời các xu thế và kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực giáo dục người lớn, học tập suốt đời, học tập trực tuyến trong hệ thống giáo dục mở, học tập từ xa, tích cực tham gia thành phố học tập toàn cầu.

Theo nội dung Kế hoạch, Phong trào thi đua được triển khai thực hiện từ năm 2023 đến năm 2030, chia thành 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1 (từ 2023 đến 2025): Các Sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, các tổ chức chính trị - xã hội, Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức triển khai thực hiện Phong trào thi đua hiệu quả, thiết thực; tiến hành sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm ở cấp Sở, ngành, địa phương và cấp Thành phố vào năm 2025 để triển khai giai đoạn tiếp theo.

Giai đoạn 2 (từ 2026 đến 2030): Trên cơ sở sơ kết, đánh giá kết quả việc thực hiện giai đoạn 1, Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, tham mưu Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Thành phố tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của Phong trào thi đua và tổng kết vào năm 2030.

UBND Thành phố yêu cầu triển khai sâu rộng Phong trào thi đua từ Thành phố đến các cơ sở với nội dung, hình thức phong phú, bảo đảm tiết kiệm, chất lượng, hiệu quả, thực chất, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; gắn kết với các cuộc vận động, phong trào thi đua khác, tránh trùng lặp, chồng chéo trong quá trình tổ chức thực hiện; phát huy được sáng kiến, sáng tạo của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và huy động, tập trung được nguồn lực của nhà nước, địa phương cũng như toàn xã hội.

Thu Hằng

comment Bình luận

largeer