Hải Phòng: Cấp cứu bệnh nhi 6 tuổi bị viêm loét dạ dày, tá tràng

Mới đây, Khoa Nhi, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng tiếp nhận bệnh nhi B.T.Đ.H. (6 tuổi, trú tại Trại Chuối, Hồng Bàng, Hải Phòng) vào viện trong tình trạng mệt mỏi, da tái nhợt, đau bụng quanh rốn, nôn, buồn nôn.
29/12/2023 08:30

Bệnh nhi và gia đình không có tiền sử bệnh trước đó.

Qua khai thác từ người nhà, khoảng 6 tháng trở lại đây, bệnh nhi xuất hiện đau bụng khi vừa ăn xong và không có thêm bất cứ biểu hiện nào khác, gia đình có đưa đi thăm khám tại nhiều nơi nhưng chỉ được kết luận là do rối loạn tiêu hóa.

l

Bác sĩ thăm hỏi bệnh nhi

Sau đó, bác sĩ đã tiến hành thăm khám và chỉ định cho bệnh nhi làm các xét nghiệm cận lâm sàng. Bệnh nhi được chẩn đoán viêm niêm mạc dạ dày, loét hành tá tràng tái phát Forrest III có nhiễm HP.

Ngoài ra, do bệnh nhi bị xuất huyết tiêu hóa nặng nên dẫn đến tình trạng thiếu máu cấp. Chính vì thế, bệnh nhi đã được truyền dịch, truyền máu, PPI. Sau 5 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi đã ổn định, da hồng hào, ăn uống tốt, đi lại nhanh nhẹn và không còn xuất hiện những cơn đau ở vùng bụng.

Viêm dạ dày - tá tràng ở trẻ em có biểu hiện rất mơ hồ hay gặp như đau bụng tái diễn, đau vùng thượng vị hoặc quanh rốn, có thể liên quan tới bữa ăn, ăn kém, chậm tăng cân, thiếu máu, thiếu sắt, thậm chí gặp xuất huyết giảm tiểu cầu. Xuất huyết tiêu hóa là biến chứng hay gặp của viêm loét dạ dày - tá tràng kèm theo triệu chứng nôn ra máu, đi ngoài phân màu đen… nếu mất máu nhiều có thể gây sốc cho cơ thể và dẫn đến tử vong.

Theo BSCKII. Hà Thị Thu Huyền, Trưởng Khoa Nhi, theo thống kê của Bộ Y tế, ước tính khoảng 26% dân số mắc bệnh lý viêm, loét dạ dày – tá tràng và ngày càng trẻ hóa, đặc biệt ở lứa tuổi học đường. Nguyên nhân chính gây ra bệnh là do vi khuẩn Helicobacter pylori (vi khuẩn HP). Tỷ lệ nhiễm khuẩn HP chiếm khoảng 70% ở trẻ mắc bệnh và 33,4% ở trẻ khỏe mạnh đang trở thành vấn đề đáng quan tâm của cả cộng đồng.

Do triệu chứng của bệnh thường không rõ ràng như đau bụng, buồn nôn… mà trẻ hay gặp do nhiều nguyên nhân khác nhau nên nhiều bậc phụ huynh còn khá chủ quan và lầm tưởng rằng đó là bệnh về rối loạn tiêu hóa hoặc đau bụng do giun. Bởi vậy, cha mẹ cần cảnh giác và đưa trẻ đến cơ sở y tế khi con có các triệu chứng đau bụng vùng thượng vị hoặc quanh rốn tái đi tái lại, buồn nôn, nôn, chán ăn, gầy sút, hay ợ chua…. Nếu tình trạng kéo dài có thể khiến trẻ nôn ra máu, đi ngoài phân đen gây thủng dạ dày và ung thư hóa.

Mạnh Hà

comment Bình luận

largeer