Hải Phòng: Cứu sống bệnh nhân bị cành cây đâm xuyên vùng hậu môn do tắm ao

Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng vừa phẫu thuật cứu sống một bệnh nhân bị thương rất nặng do tắm ao bị cành cây đâm xuyên vùng hậu môn.
02/06/2024 17:48

Theo gia đình, trong quá trình tắm ao, bệnh nhân V.X.S (15 tuổi, trú tại Thủy Nguyên, Hải Phòng) có nhảy từ trên bờ xuống dưới ao với tư thế hai tay ôm gối bó sát chân vào bụng, tiếp nước bằng mông, đập vùng mông vào cành cây được cắm dưới ao, bị cành cây đâm xuyên vào vùng hậu môn.

Sau tai nạn, bệnh nhân xuất hiện đau tức nhiều vùng hậu môn, đau bụng, khó thở, được người nhà đưa vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cấp cứu.

Nhận định đây là tổn thương phức tạp, các bác sĩ Khoa Cấp cứu vừa hồi sức vừa hội chẩn các chuyên khoa và chỉ định phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân với chẩn đoán: Vết thương tầng sinh môn thấu bụng, ngực.

Tại phòng mổ, bệnh nhân đã được dẫn lưu khoang màng phổi trái. Sau đó, được phẫu thuật mở bụng và kiểm tra thấy ổ bụng có khoảng 700ml dịch máu loãng, kèm 200gr máu cục. Tổn thương xuyên thủng mặt trước trực tràng, thủng 3 đoạn ruột non, rách mạc treo ruột non, rách mạc treo đại tràng ngang, xuyên thủng dạ dày 2 lỗ, thủng cơ hoành trái khoảng 3cm.

cb454baa-174c-4155-bdf1-560754624729

Dị vật cành cây gãy, con ốc trong khoang màng phổi bệnh nhân (Ảnh: BVCC)

Khi kiểm tra qua lỗ thủng cơ hoành trái thấy có rách nhu mô phổi trái, khoang màng phổi trái có dị vật là cành cây gãy và con ốc. Người bệnh đã được lấy bỏ dị vật khoang màng phổi, khâu lại tổn thương nhu mô phổi, lau rửa khoang màng phổi trái, khâu lại lỗ thủng cơ hoành, lỗ thủng dạ dày, cắt 3 đoạn ruột non tổn thương, nối lại các đoạn ruột non. Khâu lỗ thủng trực tràng và đưa quai đại tràng sigma phía trên lỗ thủng ra làm hậu môn nhân tạo.

Sau mổ, bệnh nhân được chuyển Khoa Hồi sức tích cực ngoại theo dõi và được rút ống nội khí quản, tự thở lại sau mổ 8 tiếng. Hiện tại, tình trạng sức khỏe bệnh nhân đã có nhiều tiến triển và đang được phục hồi thuận lợi, tiếp tục được điều trị và theo dõi tại khoa.

TS.BS. Đặng Việt Sơn, trưởng kíp mổ cấp cứu cho biết: Tầng sinh môn là bộ phận nằm giữa xương mu và xương cụt, bao gồm phần đáy chậu và các cấu trúc xung quanh, có chức năng bảo vệ, nâng đỡ các cơ quan trong vùng chậu như tử cung, âm đạo, trực tràng, bàng quang, hậu môn… Vì vậy, những tổn thương ở tầng sinh môn ở cả nam giới và nữ giới đều có thể tổn thương nhiều cơ quan và thường ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày, đồng thời thời gian điều trị kéo dài làm ảnh hưởng chất lượng cuộc sống.

Để tránh những tổn thương, đảm bảo an toàn cho con em mình, người dân nên cảnh báo và nghiêm cấm không được tắm sông, tránh chủ quan dù trẻ biết bơi nhưng có nhiều trường hợp đáng tiếc vẫn xảy ra. Nên tránh xa những nơi sông nước nguy hiểm có biển cấm, không nên rủ nhau đi tắm ao, hồ, sông, suối... Khi cho trẻ đi chơi gần những nơi có sông, suối, ao, hồ; Tắm ở bể bơi, tắm biển, cha mẹ phải luôn để ý giám sát con trong tầm mắt. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng nên chia sẻ và trang bị kiến thức đầy đủ cho con trẻ để con hiểu biết về các mối nguy hiểm dưới nước và biết các biện pháp phòng, tránh và bảo vệ bản thân mình.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, trong sơ cứu và cấp cứu các trường hợp bị vật nhọn đâm vào cơ thể: Không được rút dị vật ra, ngay cả tại phòng cấp cứu, vì trong các trường hợp chấn thương mạch máu, dị vật có tác dụng như một nút cầm máu tạm thời. Nếu rút ra, sẽ làm cho tổn thương mạch máu, thần kinh thêm trầm trọng, gây khó cho việc cứu sống người bệnh thậm chí tăng nguy cơ tử vong do chảy máu ồ ạt. Việc rút dị vật chỉ được thực hiện trong phòng mổ bởi phẫu thuật viên. Khi bị những tổn thương từ dị vật, cần lưu ý khi sơ cứu, cấp cứu băng cố định dị vật, tránh chảy máu nhiều, giảm đau đớn cho người bệnh. Sau đó phải tức tốc đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và xử trí kịp thời.

Theo VTV

comment Bình luận

largeer