Hải Phòng: Nam thanh niên bị đứt rời ngón tay sau khi chặt gà

Vừa qua, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp đã tiếp nhận trường hợp người bệnh N.T.G (26 tuổi), địa chỉ Đại Hợp, Kiến Thụy, Hải Phòng, nhập viện do tai nạn sinh hoạt bị dao cắt đứt rời ngón tay sau khi chặt gà.
22/05/2023 11:48

Người bệnh đã được các bác sĩ tiến hành làm các xét nghiệm cận lâm sàng cũng như kiểm tra đánh giá tổn thương. Qua đánh giá vết thương đứt rời đầu xa đốt 2 ngón II bàn tay trái, bờ mép sắc gọn, lộ xương gãy, đứt toàn bộ gân, mạch máu thần kinh 2 bên. Phần chi thể đứt rời bảo quản ko đúng cách do để tiếp xúc trực tiếp đá lạnh bên cạnh đó các mạch máu vị trí này rất nhỏ khó nối gây khó khăn rất nhiều cho việc tiến hành phẫu thuật nối chi thể.

Empty

Ngón tay của nam thanh niên sau khi được nối liền

Người bệnh đã được tiến hành phẫu thuật bảo tồn tối đa hệ mạng mạch nuôi dưới da và mô lành, dùng kim Kirscher 2.0 cố định trục ngón, khâu lại hệ thống gân đứt. Dưới kính hiển vi hỗ trợ các bác sĩ đã tiến hành vi phẫu khâu nối động mạch, tĩnh mạch và thần kinh ngón tay cho người bệnh. Sau phẫu thuật ngón tay người bệnh đã hồng ấm và phục hồi tốt.

Theo chia sẻ của TS.BS Nguyễn Đức Thành – Trưởng Khoa Điều trị Theo yêu cầu, Trưởng kíp Vi phẫu Tạo hình thẩm mỹ, người trực tiếp tham gia phẫu thuật cho người bệnh cho biết: “Nhờ ứng dụng kỹ thuật vi phẫu, dưới kính hiển vi có độ phóng đại nhiều lần, cùng với các trang thiết bị chuyên dụng và đội ngũ phẫu thuật viên vi phẫu chuyên nghiệp đã khâu nối được các mạch máu có đường kính trên dưới 1mm và khâu nối chính xác được các bó sợi thần kinh. Do vậy, trường hợp ngón tay của người bệnh N.T.G bị đứt rời ở vị trí khó cũng như bảo quản không đúng cách đã được nối thành công và chức năng chi thể sau nối được phục hồi tốt. Việc ứng dụng kỹ thuật vi phẫu trong nối thể chi đứt rời tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp được triển khai từ năm 2020 đã có nhiều kết quả tích cực, mang lại hy vọng cho nhiều trường hợp không may đứt rời chi thể trong quá trình lao động, sinh hoạt được phẫu thuật cấp cứu kịp thời, giảm bớt di chứng nặng nề, giúp họ dễ dàng trở lại cuộc sống bình thường”.

Empty

Bệnh nhân được điều trị sau phẫu thuật

Cũng theo chia sẻ của TS.BS Nguyễn Đức Thành khuyến cáo:

– Bảo quản phần chi bị đứt rời tốt nhất ở nhiệt độ khoảng 4° – 5°C, để kéo dài được thời gian sống của tế bào. Cách bảo quản như sau: rửa sạch phần chi bị đứt rời dưới vòi nước máy sau đó bọc trong một lớp gạc vô trùng hoặc vải sạch rồi cho vào túi nilon, cao su… đổ nước muối sinh lý hoặc nước sạch, buộc lại đặt trong bình nước đá. Tránh để phần chi bị đứt rời tiếp xúc trực tiếp với nước đá vì nếu để lâu có thể gây bỏng lạnh.

– Phẫu thuật phục hồi lại tất cả các thành phần bị đứt theo thứ tự là: kết hợp xương, khâu nối gân- cơ, khâu nối mạch máu (cả động mạch và tĩnh mạch), thần kinh, khâu da. Thời gian phẫu thuật: Phụ thuộc nhiều vào vị trí và tính chất của tổn thương (sắc gọn hay dập nát) và số lượng chi bị đứt mà thời gian của cuộc phẫu thuật dài hay ngắn. Thông thường để nối lại 1 chi thể bị đứt rời thì ít nhất cũng phải mất 5- 6 giờ. Trường hợp bị đứt nhiều ngón (nhiều chi thể) thì thời gian tăng lên theo số lượng chi bị đứt.

– Sau phẫu thuật: Trong thời gian nằm viện chi thể được bất động bằng nẹp, sưởi ấm và dùng thuốc. Ngoài các thuốc kháng sinh để chống nhiễm trùng, người bệnh còn được dùng thêm các thuốc chống tắc mạch, đặc biệt là đối với các trường hợp nối các mạch máu nhỏ ở như ở bàn tay, ngón tay.…

– Sau khi ra viện: Thời gian giữ cố định và tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, dùng thêm các thuốc nhằm tăng cường dẫn truyền thần kinh như: Nivalin, Methylcoban, Vitamin nhóm B…,khám lại định kỳ theo hẹn để có hướng dẫn tập luyện và phát hiện kịp thời các biến chứng cần can thiệp sửa chữa bổ sung (nếu có).

Theo Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp

comment Bình luận

largeer