Nhận biết bệnh rối loạn Tic ở trẻ em

Tic là rối loạn thường gặp, nhưng ít được quan tâm và biết đến. Khi trẻ có những biểu hiện của Rối loạn Tic, các cha mẹ khá lo lắng và không biết phải cho con đi khám ở đâu.
03/11/2020 11:18

- Bác sĩ cho biết, bệnh rối loạn Tic là gì, bệnh có nguy hiểm không?

+ Rối loạn Tic (Tic Disoder) là những động tác không hữu ý, xảy ra nhanh, định hình, không nhịp điệu, hoặc sự phát âm xuất hiện đột ngột không có mục đích rõ ràng. Các biểu hiện Tic được cảm nhận như không thể cưỡng lại được, nhưng có thể dừng Tic lại hữu ý trong khoảng thời gian khác nhau.

Theo Bảng phân loại thống kê quốc tế về bệnh tật và các vấn đề sức khỏe có liên quan phiên bản lần thứ 10 (ICD-10) và Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần, Phiên bản Thứ năm (DSM 5), rối loạn Tic được chia làm 3 thể chính:

* Tíc nhất thời: Có 1 hay nhiều Tic kéo dài trên 4 tuần nhưng không kéo dài trên 1 năm.

* Tic vận động hoặc âm thanh mãn tính: Có 1 hay nhiều Tic kéo dài trên 12 tháng, trong đó không có 3 tháng liên tục nào không bị Tic.

* Hội chứng Tourette: Có Tic vận động nhiều loại kết hợp với Tic âm thanh cùng tồn tại trong một khoảng thời gian. Hội chứng Tourette ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống và sự chấp nhận của người khác đối với người mang nó.

images1445082__DSC0478

Khi trẻ bị rối loạn Tic thường có một hoặc một số biểu hiện xuất hiện không chủ định, như: Nháy mắt, chun mũi, nhún vai, lắc đầu, giật cơ hàm, giật ở cổ, nhăn mặt, thường thở dài, ho, lẩm bẩm, các âm thanh khác như tặc lưỡi, hắng giọng, la hét, hỉ mũi, khịt mũi… Hoặc có hành động tự vỗ vào người, tự cắn, nhảy nhót, giậm chân, xoay tròn; nói các từ hoặc các câu lặp đi lặp lại và không phù hợp với bối cảnh, nhại lại lời người khác...

Các rối loạn Tic thường lành tính và ít ảnh hưởng. Một số Tic tần suất nhiều, hội chứng Tourette gây ảnh hưởng nhiều đến chức năng học tập, sự chấp nhận của người xung quanh. Rối loạn Tic thường gây căng thẳng cho cha mẹ khi con của họ có biểu hiện nhiều ở nhà, nó cũng gây những rối loạn tâm lý khác trên chính trẻ bị Tic.

- Nguyên nhân nào gây bệnh Tic ở trẻ, thưa bác sĩ?

+ Rối loạn Tic hiện được xếp trong nhóm các rối loạn phát triển thần kinh. Không có nguyên nhân chủ đích, mà ghi nhận có nhiều yếu tố tác động lên hệ thần kinh gây ra các biểu hiện Tic. Trong đó các yếu tố di truyền, sinh lý học thần kinh và các yếu tố thuận lợi của môi trường cộng gộp gây nên.

- Điều trị rối loạn Tic như thế nào thưa bác sĩ?

+ Bệnh viện Sản Nhi tỉnh đã triển khai điều trị bệnh Tic cho trẻ tại Đơn nguyên Tâm bệnh - phục hồi chức năng. Điều trị rối loạn Tic tùy thuộc vào mức độ, tần suất và sự ảnh hưởng của Tic đến khả năng học tập, chất lượng cuộc sống mà bác sĩ sẽ cân nhắc các liệu pháp điều trị khác nhau. Thông thường sẽ có 2 phương pháp chính đó là liệu pháp hóa dược (dùng thuốc) phối hợp với liệu pháp tâm lý.

* Liệu pháp dùng thuốc: Áp dụng cho Tic mãn tính và hội chứng Tourette. Một vài loại thuốc có thể dùng là Haloperidol, Clonidin, Risperidone.

* Liệu pháp tâm lý: Áp dụng cho tất cả bệnh nhân. Sử dụng liệu pháp tâm lý mang lại kết quả tốt, đặc biệt với Tic nhất thời. Liệu pháp bao gồm: Lập bảng theo dõi Tic hàng ngày, gia đình tránh nhắc đến Tic, động viên và khen thưởng khi trẻ có những biểu hiện hành vi tốt.

* Bên cạnh đó dựa vào cơ sở phối hợp 2 quá trình: Bất động các vận động và vận động các bất động của nguyên tắc điều trị Tâm vận động. Từ đó đưa ra các bài tập cho trẻ thực hiện các bài tập trước gương, làm các động tác ở những phần cơ thể không bị Tic kết hợp với các bài tập giãn cơ.

Ngoài ra, điều chỉnh chế độ sinh hoạt, ăn ngủ hợp lý, tránh stress, tạo không khí gia đình vui vẻ cũng góp phần giảm các biểu hiện của rối loạn.

- Xin cảm ơn bác sĩ!

Theo báo Quảng Ninh

comment Bình luận

largeer