Hậu COVID-19: Cần duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh để phục hồi

Trong số những người bị nhiễm virus SARS-CoV-2, có khá nhiều người đang phải chịu những “di chứng kéo dài hậu COVID-19”. Theo bà Maria Van Kerkhove - Trưởng nhóm kỹ thuật COVID-19 của WHO, hiện không biết những di chứng này sẽ kéo dài bao lâu và WHO thậm chí đang phải nghiên cứu để đưa ra một định nghĩa cụ thể cho những trường hợp này để hiểu rõ hơn và mô tả hội chứng hậu COVID-19 là gì?
15/09/2021 16:51

Do đó, cho đến nay, rất ít người hiểu nguyên nhân tại sao một số bệnh nhân, sau khi trải qua giai đoạn cấp tính, thì vẫn liên tục phải chịu đựng các triệu chứng như thở gấp, cực kỳ mệt mỏi và rối loạn chức năng nhận thức, rối loạn cơ tim và thần kinh. Thậm chí người bệnh có di chứng sau nhiễm vi rút SARS-CoV2 như: Mệt mỏi kéo dài, ho, khó thở,… Chính vì vậy, việc được tiếp tục hỗ trợ trong sinh hoạt, ăn uống và tập luyện là rất cần thiết cho quá trình phục hồi. Dưới đây là lời khuyên của ThS.BS Ngô Thị Kim Oanh - Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM về "Chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người bệnh hậu COVID-19".

chamsocnguoibenhhaucovid

Thói quen sinh hoạt

Duy trì thời gian ngủ nghỉ hợp lý, hạn chế ngủ nhiều vào ban ngày hoặc nằm tĩnh tại, khiến cơ thể trì trệ, với người lớn tuổi dễ có triệu chứng chóng mặt do thay đổi huyết áp sau đợt nằm lâu. Khuyến khích người bệnh vận động nhẹ gồm: Đi bộ chậm, tập thể dục nhẹ, đạp xe đạp rất chậm, tập dưỡng sinh… Vận động nhẹ giúp tiêu hao 200 kcalo/giờ.

Tiếp xúc với ánh nắng ít nhất 30 phút/ngày, có thể vào buổi sáng sớm hoặc nắng chiều, sẽ giúp cho nhịp sinh học của cơ thể được điều hòa. Hạn chế nhìn vào màn hình điện thoại/thiết bị điện tử liên tục trong ngày. Với người đã hoàn thành thời gian tự cách ly, khuyến khích tham gia các hoạt động cùng với người thân như chuẩn bị bữa ăn, dọn dẹp nhà cửa, để sớm quay lại trạng thái sinh hoạt thường ngày.

Đặc biệt với người lớn tuổi, việc trò chuyện cùng người thân trong gia đình sẽ giúp giảm sự lo lắng, kích thích hoạt động não sau nhiễm bệnh. Khuyến khích người bệnh tham gia các hoạt động tinh thần như: Đọc sách, báo, bàn luận về tin tức trong ngày, cầu nguyện (theo tôn giáo và tín ngưỡng) và cần thiết tìm đến các chuyên gia hỗ trợ tư vấn tâm lý nếu người bệnh có vấn đề lo lắng, đau buồn kéo dài do trải nghiệm bệnh vừa qua.

Chế độ dinh dưỡng

Ở giai đoạn bệnh, mức chuyển hóa cơ bản tăng 10% khi có sốt, khó thở, vì vậy nhu cầu dinh dưỡng cần để bù đắp cho sự chuyển hóa đó cần được duy trì kể cả khi đã qua giai đoạn nhiễm cấp. Số bữa ăn trong ngày có thể chia từ 3 - 5 bữa tùy theo sức ăn của người bệnh. Nên kết hợp đa dạng thực phẩm trong khẩu phần ăn.

Đối với người có hội chứng chuyển hóa, lượng chất béo < 25%, cholesterol < 300 mg/ngày với người không có rối loạn lipid máu và ≤ 200 mg/ngày với người có rối loạn lipid máu. Với người có rối loạn chuyển hóa đường, ưu tiên kết hợp với những nhóm thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) thấp như: Kiwi, gạo lứt, củ từ, đậu trái (đậu que, đậu đũa,…). Nên cung cấp chất xơ từ 20 - 30 gram/ngày, rau quả từ 400 - 500 gram/ngày. Hình thức chế biến nên hạn chế chiên xào nhiều dầu mỡ, nên kèm thêm các món súp xay, canh hầm (với xương, các loại đậu, hạt sen, đại táo, câu kỷ tử,…) để giúp việc tiêu hóa tốt hơn.

Trong các nguyên tố vi lượng, kẽm đặc biệt cần bổ sung ở nhóm bệnh nhân có triệu chứng: Mệt mỏi, kém tập trung, buồn ngủ, tiêu hóa kém dễ bị tiêu lỏng. Với dạng viên uống có thể bổ sung từ 30 - 100 mg kẽm nguyên tố/ngày kéo dài từ 2 - 3 tháng tùy tình trạng cơ thể. Kẽm có trong các loại thức ăn như: Hàu, sò, thịt gia súc, gia cầm, tôm, cua, cá,… Nên bổ sung cùng với nhóm thực phẩm giàu vitamin C để tăng cường hấp thu kẽm.

Tập dưỡng sinh

Đối với người bệnh còn trong thời gian tự cách ly (sau khi âm tính), khuyến khích duy trì tập các bài tập thở như: Thở bốn thời, theo dõi hơi thở trong quá trình tập các bài tập như xoa ngũ quan (đặc biệt xoa kỹ vùng huyệt nghinh hương - Thượng nghinh hương, thượng tinh,…) Đối với người có triệu chứng khó thở, hụt hơi, nên có người thân bên cạnh khi tập luyện, tập chậm và không gắng sức khi tập. Duy trì thời gian tập từ 15 - 30 phút/ngày. Trước khi tập, có thể kết hợp các bài tập kéo dãn cơ, khởi động khớp như: Động tác xem xa xem gần, sờ đất vươn lên, đạp xe đạp tại chỗ,… tập kèm với dụng cụ như khăn hoặc gậy để kéo dãn hết tầm vận động của khớp.

tapduongsinh

Việc tạo thành một nhóm cùng tập luyện với người bệnh, từ những người thân trong gia đình hoặc nhóm trên mạng xã hội, sẽ giúp người bệnh có tinh thần và cam kết cho quá trình tập luyện. Khi độ bền và thể lực của người bệnh được luyện tập, sẽ giúp cải thiện các triệu chứng như: Sợ lạnh, nặng ngực, mệt mỏi,…

Đối với người bệnh có triệu chứng tiêu hóa như: Đầy hơi, khó tiêu, đi phân lỏng kéo dài sau nhiễm vi rút, nên kết hợp bài tập xoa tam tiêu (làm ấm ngực - bụng) và sử dụng túi chườm thảo dược (hoặc túi chườm ấm) để giữ ấm vùng bụng, sẽ hỗ trợ cải thiện triệu chứng. Đối với người bệnh còn ho khạc đàm kéo dài, trong quá trình tập, người thân có thể hỗ trợ vỗ lưng khạc đàm để giúp người bệnh tập ho khạc hiệu quả.

Bài tập thở 

Tư thế nằm ngửa thẳng, kê một gối ở mông (không phải ở thắt lưng) cao thấp tùy sức. Tay trái để trên bụng, tay phải để ở ngực.

1: Hít vào đều, sâu, tối đa, ngực nở, bụng phình và căng. Thời gian từ 4 - 6 giây (hít ngực bụng nở).

2: Giữ hơi, mở thanh quản bằng cách liên tục hít thêm, đồng thời giơ một chân giao động qua lại, cuối thời hạ chân xuống. Thời gian 4 - 6 giây (giữ hơi hít thêm).

3: Thở ra, tự nhiên, thoải mái, không kiềm thúc. Thời gian 4 - 6 giây (thở không kiềm thúc).

4: Nghỉ, thư giãn, chân tay nặng ấm. Chuẩn bị trở lại thời 1. Thời gian 4 - 6 giây (nghỉ nặng ấm thân).

Trong quá trình hồi phục, việc đồng hành cùng người bệnh vô cùng quan trọng, đặc biệt khi người bệnh phải trải qua một thời gian dài cách ly/tự cách ly. Nếu các triệu chứng “hậu Covid-19” kéo dài, gây cản trở đến sinh hoạt và tinh thần, người bệnh cần đến các cơ sở y tế có điều trị “hậu Covid-19” để được thăm khám và điều trị sớm.

Thu Trang

comment Bình luận

largeer