Hộ chiếu vaccine có thể giải cứu các hãng hàng không

Từ đầu năm 2020 tới nay, dịch COVID-19 đã đẩy các hãng bay phải đối mặt với khoản nợ 36.000 tỉ đồng gây ảnh hưởng rất tiêu cực tới hoạt động của ngành hàng không. Theo Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA), bên cạnh giải pháp hỗ trợ tài chính, việc xem xét triển khai hộ chiếu vaccine là giải pháp hỗ trợ các hãng bay vượt qua khó khăn.
28/06/2021 14:18

 

anh v

Mặc dù không bay nhưng mỗi ngày các hãng hàng không vẫn phải chi phí tới 100 tỉ đồng. Ảnh minh họa VNA

Các hãng bay đã lỗ 16.000 tỉ đồng

Thống kê của VABA cho thấy, doanh thu năm 2020 của các hãng hàng không Việt giảm trên 60% (khoảng 100.000 tỉ đồng). Các hãng Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways lỗ 16.000 tỉ đồng.

Hiện nay, nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng đã lên tới 36.000 tỉ đồng (riêng Vietnam Airlines nợ 20.000 tỉ đồng). Số tiền nộp ngân sách cũng bị giảm tương ứng, trong khi năm 2019, các hãng hàng không nộp thuế, phí trực và gián tiếp trên 20.000 tỉ đồng. Đặc biệt, năm 2021, đợt bùng phát dịch lần 3 và 4 vào dịp cao điểm Tết cổ truyền và cao điểm Hè đã khiến doanh thu hàng không giảm sâu (riêng tháng 5-6 doanh thu giảm 90% so với cùng kỳ năm 2020) khiến các hãng càng suy kiệt. Trong khi đó, để duy trì hoạt động tối thiểu trong mùa dịch, các hãng phải chi trên 100 tỉ đồng/ngày.

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VABA - ông Bùi Doãn Nề, các nguồn lực về tài sản, tài chính tích lũy của các hãng đã cạn kiệt, cơ hội tiếp cận vốn vay khó khăn, chi phí vay vốn cao. Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho hàng không được đề ra kịp thời nhưng còn thiếu và chậm triển khai. Trên cơ sở đó, VABA kiến nghị mở rộng và thực hiện chương trình hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp hàng không.

Cụ thể, theo Thông tư 04/2021 của Ngân hàng Nhà nước quy định về tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines vay 4.000 tỉ đồng với lãi suất 0%, VABA đề nghị Bộ KHĐT báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế tái cấp vốn từ 5.000 - 6.000 tỉ đồng tương tự như Vietnam Airlines, thời hạn tái cấp vốn là 12 tháng và được gia hạn tự động 2 lần cho các hãng hàng không khác.

VABA cũng đề nghị dành cho các hãng hàng không vay gói tín dụng khoảng 25.000 tỉ đồng ưu đãi giảm lãi suất 4%, thời hạn từ 3-5 năm để các hãng duy trì nguồn lực, có nguồn vốn phục hồi, phát triển đồng thời cho các doanh nghiệp hàng không nói chung được áp dụng mức lãi suất giảm 2% theo Nghị quyết số 84 ngày 29.5.2020 của Chính phủ.

Đồng thời đề nghị cho phép áp dụng mức ưu đãi như nội dung của Thông tư 19/2020 của Bộ Giao thông Vận tải từ 1.1.2021 đến 30.6.2022. Đồng thời giảm 50% phí dịch vụ tại nhà ga cho khách bay để góp phần kích cầu bay đi du lịch; xem xét giảm thuế thu nhập cho các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo phục vụ ngành Hàng không từ nay đến hết năm 2022.

Cần triển khai ngay hộ chiếu vaccine

Tại văn bản gửi Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng mới đây, ông Bùi Doãn Nề đề nghị Bộ KHĐT kiến nghị Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp ngành Hàng không vượt qua khó khăn, sớm phục hồi và phát triển. Một trong những điểm nhấn quan trọng trong kiến nghị này là "Sớm triển khai tiêm vaccine trên diện rộng và xem xét sử dụng hộ chiếu vaccine".

VABA đề nghị Chính phủ chỉ đạo nới lỏng quy định về đi lại, cách ly đối với những người đã tiêm đủ liều vaccine; từng bước nới lỏng các quy định nhập cảnh và cách ly đối với khách đã tiêm vaccine đầy đủ và có kế hoạch sớm triển khai khai thác trở lại các đường bay quốc tế.

Theo ông Nề, hiện tại Liên minh Châu Âu và nhiều quốc gia đã cho phép bay quốc tế không áp dụng cách ly đối với khách đã có "hộ chiếu vaccine". Nhiều hãng hàng không, ngành du lịch và kinh tế của nhiều quốc gia đang phục hồi, phát triển nhanh chóng.

Theo khảo sát vào tháng 3.2021 của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), 81% số người được phỏng vấn có nhu cầu đi lại trở lại sau khi tiêm vaccine. Tuy nhiên, 84% số người được phỏng vấn sẽ không đi đến các quốc gia vẫn áp dụng chính sách cách ly. Hiện Liên minh Châu Âu và nhiều quốc gia đã cho phép bay quốc tế không áp dụng cách ly đối với khách đã có hộ chiếu vaccine. Nhiều hãng hàng không, ngành du lịch và kinh tế của nhiều quốc gia đang phục hồi, phát triển nhanh chóng do tiêm vaccine trên diện rộng và áp dụng hộ chiếu vaccine. Qua đó, cũng tăng năng lực cạnh tranh cho ngành Hàng không và du lịch quốc tế.

Theo quyết định mới đây của Bộ Y tế về triển khai thí điểm “Hướng dẫn cách ly y tế phòng chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh”, từ 1.7.2021-31.7.2021 người nhập cảnh cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung ở khách sạn, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng tại Quảng Ninh sẽ tự nguyện chi trả toàn bộ chi phí. Thời gian cách ly y tế tập trung là 7 ngày đối với những người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19.

Ngoài ra, có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 và xét nghiệm kháng thể kháng SARS-CoV-2 dương tính vào ngày thứ nhất sau khi nhập cảnh.

Với các trường hợp còn lại thực hiện cách ly y tế tập trung 14 ngày thay vì 21 ngày như hiện nay. Sau khi hoàn thành cách ly tập trung 7 ngày, các đối tượng này sẽ tiếp tục cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú. Đối tượng áp dụng quyết định này là những người nhập cảnh theo quy định của Chính phủ Việt Nam và Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý, cách ly y tế, tự theo dõi sức khỏe đối với người nhập cảnh. Quyết định không áp dụng đối với người nhập cảnh làm việc dưới 14 ngày.

Bộ Y tế cũng quy định, thời gian kết thúc cách ly y tế tập trung, địa điểm cách ly y tế tại nhà, địa điểm lưu trú trong thời gian tự theo dõi sức khỏe... Cơ quan y tế địa phương phải bố trí người tiếp nhận, giám sát, kiểm tra điều kiện đối với địa điểm cách ly y tế tại nhà... Kết thúc đợt cách ly y tế tập trung, người cách ly di chuyển về nhà/nơi lưu trú bằng phương tiện đã được bố trí để tiếp tục cách ly y tế tại nhà hoặc tự theo dõi sức khỏe.

(Theo Laodong)

 

comment Bình luận

largeer