Hỗ trợ hiệu quả nhiều doanh nghiệp sản xuất thiết bị y tế

Nhiều doanh nghiệp trong nước hiện nay đã có thể sản xuất các thiết bị y tế đạt chất lượng quốc tế, xuất khẩu đi các nước, nhưng đầu ra ở thị trường trong nước lại gặp nhiều khó khăn, do thiếu một cơ chế mua hợp lý và sự hỗ trợ, giám sát của nhà nước.
10/06/2021 16:54
21

Theo các doanh nghiệp sản xuất thiết bị y tế tại TP Hồ Chí Minh, nhu cầu mua sắm thiết bị y tế của các bệnh viện, trung tâm y tế trên cả nước hiện nay là rất lớn và ngày càng tăng. Hiện tại, không ít doanh nghiệp trong nước đã sản xuất được nhiều loại thiết bị y tế đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, với quy chế mua sắm thiết bị của ngành y tế hiện nay, nhiều loại thiết bị y tế trong nước không lọt được vào danh sách đấu thầu mua sắm của bệnh viện, không tạo được động lực để doanh nghiệp phát triển, trong khi người bệnh không được sử dụng sản phẩm trong nước chất lượng với giá hợp lý.

TP Hồ Chí Minh là địa phương có hệ thống y tế công lập và tư nhân hiện đại nhất nước, và mức tăng trưởng ngày càng nhanh. Để giúp các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh nâng cao cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị y tế, tháng 5-2016, UBND thành phố đã có văn bản chỉ đạo ngành y tế và chính quyền các quận, huyện cho phép các cơ sở y tế công lập tự chủ kinh phí hoàn toàn hoặc một phần được quyết định mua trang thiết bị, vật tư y tế tiêu hao. Đối với việc mua sắm trang thiết bị y tế bằng nguồn vốn ngân sách, thành phố giao các cơ sở y tế công lập làm chủ đầu tư và thực hiện theo quy định. Cả nước hiện có hơn 150 doanh nghiệp sản xuất thiết bị y tế, riêng TP Hồ Chí Minh có khoảng 50 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp của thành phố phần lớn được đầu tư nhiều về vốn, công nghệ hiện đại, nhiều doanh nghiệp thuê người nước ngoài quản lý và có đủ tiềm lực để sản xuất các thiết bị y tế kỹ thuật cao, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn châu Âu, Mỹ và đủ điều kiện cung cấp cho các bệnh viện trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp hiện vẫn “đứng ngoài cuộc” trong chuỗi cung cấp thiết bị y tế cho các bệnh viện. Đơn cử, năm 2012, Công ty USM Healthcare đầu tư hàng trăm triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất trang thiết bị y tế kỹ thuật cao tại Khu công nghệ cao (quận 9). Sản phẩm chủ lực của nhà máy gồm các sản phẩm tim mạch như: Hệ thống s-ten mạch vành, bóng nong mạch vành, bơm áp lực cao, bơm tiêm cảm quang, van cầm máu loại trượt... và vật tư tiêu hao y tế. Thạc sĩ Võ Xuân Bội Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cho biết, USM Healthcare và một công ty của Xin-ga-po hiện là hai doanh nghiệp duy nhất ở Đông - Nam Á sản xuất được sản phẩm tim mạch. “Sản phẩm tim mạch của USM Healthcare chúng tôi rẻ gấp hai, ba lần hàng nhập khẩu, nhưng chưa cung cấp được cho các bệnh viện trong nước mà phải trực tiếp qua Mỹ, Nhật Bản để bán hàng. Sản phẩm của nhà máy đạt tiêu chuẩn châu Âu, Mỹ và không khó để xuất khẩu, nhưng người bệnh trong nước chưa dùng được hàng nội với chi phí rẻ ” - bà Bội Lâm chia sẻ.

Theo các doanh nghiệp sản xuất thiết bị y tế, các quốc gia như: Hàn Quốc, Thái-lan, Trung Quốc... luôn có một chính sách hỗ trợ cao nhất cho doanh nghiệp sản xuất thiết bị y tế về vốn, công nghệ, ưu tiên sử dụng sản phẩm cho hệ thống y tế trong nước thông qua cơ chế mua hợp lý, kể cả vấn đề xuất khẩu ra nước ngoài. Tại Việt Nam, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng lan tỏa trong nhiều ngành hàng và phát huy hiệu quả, nhưng lĩnh vực thiết bị y tế đang bị bỏ quên. Ông Nguyễn Anh Tuấn, chủ một doanh nghiệp sản xuất thiết bị y tế kỹ thuật cao để xuất khẩu cho biết: Các doanh nghiệp sản xuất thiết bị y tế hiện nay đang cần một cơ chế mua hợp lý mang tính khoa học, không phải nhờ Nhà nước ưu ái hoặc bảo hộ hoàn toàn doanh nghiệp. Theo ông Tuấn, cơ chế mua hợp lý trong lĩnh vực thiết bị y tế mà nhiều quốc gia đã và đang áp dụng trong 20 năm nay là các bệnh viện, trung tâm y tế đặt hàng doanh nghiệp sản xuất và được Nhà nước giám sát. Khi tham gia đấu thầu công khai, doanh nghiệp trong nước được tính thêm một số điểm cộng (một đến ba điểm trong tổng số điểm chung). Khi sản phẩm nhập khẩu và sản phẩm trong nước bằng điểm nhau thì chọn sản phẩm trong nước để sử dụng. Khi cơ chế mua hợp lý được thiết lập sẽ góp phần loại dần tính “sính” dùng hàng ngoại, tình trạng đấu thầu minh bạch hơn, người bệnh được sử dụng sản phẩm với giá hợp lý, đồng thời giúp cho nhà sản xuất có thêm động lực để sản xuất, kinh doanh” - ông Tuấn giải thích thêm.

* "Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Trần Tuyên

comment Bình luận

largeer