Hòa Bình: Quy hoạch dược liệu phục vụ phát triển đông y

Với diện tích tự nhiên 4,6 nghìn km2 và khí hậu đặc trưng của vùng nhiệt đới gió mùa, Hòa Bình khá thuận lợi cho phát triển nông nghiệp nói chung, trồng cây dược liệu nói riêng; Đặc biệt là tiềm năng hình thành các vùng sản xuất dược liệu tập trung và bảo tồn, khai thác, phát triển những cây dược liệu tự nhiên, giá trị lớn, quý hiếm.
01/12/2023 16:17

Rừng Hòa Bình là khu vực có nguồn cây dược liệu giá trị, phong phú về chủng loại; trong đó, nhiều thảo dược quý có tác dụng và giá trị kinh tế cao, cần được bảo tồn, phát triển và khai thác có hiệu quả để phục vụ cho nhu cầu chăm sóc, nâng cao sức khỏe người dân và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên trên thực tế, với giá trị và nhu cầu sử dụng dược liệu ngày càng cao đã làm cho việc khai thác cạn kiệt, dẫn tới nguồn nguyên liệu tự nhiên còn rất ít; thậm chí nhiều giống/loài dược liệu quý có nguy cơ tuyệt chủng do sử dụng rừng và đất canh tác chưa hợp lý, khai thác tự phát, không có kế hoạch. Trong khi đó, việc đầu tư, khuyến khích bảo tồn, gây trồng, phát triển chưa được quan tâm đúng mức đã làm suy giảm nhanh số lượng và thành phần loài cây dược liệu. Tại tỉnh Hòa Bình chưa hình thành được vườn bảo tồn cây dược liệu mang tầm quốc gia và khu vực, đây cũng là yếu tố khiến cho công tác phát triển dược liệu chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh, cũng như chưa phát huy hết thế mạnh trong phát triển nuôi trồng, thu hoạch, sử dụng dược liệu và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực đông y.

Để phục vụ phát triển đông y, tỉnh chủ trương phát triển cây dược liệu theo hướng ổn định, lâu dài với quy mô lớn, tập trung, chuyên canh trên cơ sở khai thác các lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và thị trường; gắn với đầu tư cho khoa học - công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm khi tiêu thụ trên thị trường, từ đó làm cơ sở cho việc hình thành và mở rộng các vùng sản xuất cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; gắn với việc nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong việc hỗ trợ, phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu an toàn, tập trung theo nhiều hình thức khác nhau (liên doanh, liên kết, hợp đồng bao tiêu sản phẩm...) để gắn kết giữa sản xuất và thị trường.

c1

Khai thác thế mạnh cây dược liệu tại Hòa Bình 

Tập trung phát triển các chủng loại dược liệu hàng hóa, trong đó ưu tiên phát triển các chủng loại dược liệu có lợi thế cạnh tranh lớn nhờ phù hợp các tiểu vùng khí hậu trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, từng bước đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu; đồng thời góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước đưa nghề trồng cây dược liệu tại các vùng quy hoạch trở thành một nghề có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hòa Bình; từng bước xây dựng được các vùng cây dược liệu phát triển ổn định, lâu dài, góp phần nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động, góp phần bảo vệ sức khoẻ cho người sản xuất, người tiêu dùng và môi trường sinh thái.

Đến hết năm 2022, toàn tỉnh đã có trên 2.145 ha cây dược liệu, hương liệu hàng năm được trồng và khai thác; trong đó các loại cây trồng chính có diện tích và sản lượng lớn như: sả 1.576 ha cho thu hoạch trên 10,79 nghìn tấn, cà gai leo 294 ha thu hoạch 2,21 nghìn tấn, xạ đen 218 ha thu hoạch 1,62 nghìn tấn; ngoài ra, còn các loại cây khác như: Nghệ (đỏ, vàng), Ngải cứu, Giảo cổ lam, Đẳng sâm, Hương nhu, Đinh lăng, Cát sâm, Thìa canh... có diện tích trồng dưới 50 ha. Ngoài diện tích trồng tập trung trên đất bằng, đất bưa bãi... diện tích dược liệu trồng dưới tán rừng hiện có khoảng 64,5 ha, cùng với đó là các dược liệu khai thác tự nhiên với đa dạng về loài, giống như: Đương quy, Sa nhân, Bình vôi, Dạ cẩm, Khôi nhung, Thìa canh, Hà thủ ô, Bạch chỉ, Kim ngân...

Từ khi bắt đầu thực hiện (năm 2019) đến nay, trong chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Hòa Bình, cây dược liệu đã và đang là nhóm sản phẩm có tiềm năng phát triển rất tốt; bắt nguồn từ các bài thuốc gia truyền với sự đa dạng về nguồn cây thuốc tại địa phương, một số hợp tác xã (HTX) đã sản xuất được sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 3 đến 4 sao như: Cao cà gai leo Yên Thủy của HTX Nông - lâm nghiệp Bảo Hiệu, Cao xạ đen của HTX Nông nghiệp Yên Trị (huyện Yên Thủy); Cao xạ đen và Cao cà gai leo của HTX Tuyết Nhi (huyện Lương Sơn) An phế Triệu Gia của HTX thuốc nam gia truyền Triệu Gia, (huyện Kim Bôi); An Phục Khớp của HTX H20 Việt Nam (TP Hòa Bình)... Các sản phẩm cũng khá đa dạng về mẫu mã, hình thức sử dụng như: trà túi lọc cà gai, xạ đen, thành ngạnh; bột cà gai leo hòa tan, tinh dầu sả, tinh bột nghệ... Các sản phẩm đã được cơ sở sản xuất đầu tư có chiều sâu từ khâu nguyên liệu đến thu hoạch, chế biến, hình thức bao gói; từng bước nâng cao giá trị và gia tăng giá trị cho cây dược liệu của Hòa Bình. Cùng với việc thúc đẩy, khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển xây dựng các mô hình trồng và chăm sóc các loài cây dược liệu quý, cây dược liệu bản địa theo hướng bảo tồn, phát triển bền vững.

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh Hòa Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các địa phương trong tỉnh để tổ chức sản xuất, phát triển vùng trồng dược liệu theo quy hoạch, lồng ghép trong kế hoạch, chương trình công tác của ngành. Phối hợp với Sở Y tế và các Sở, Ngành liên quan để tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu đạt chuẩn. Nghiên cứu, lựa chọn các giống cây dược liệu phù hợp với điều kiện địa phương/vùng trồng; đồng thời vận động, tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng, phòng chống bệnh hại trên cây dược liệu, sản xuất theo quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn. Thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển chuỗi giá trị liên kết dược liệu, gắn với sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm tại các địa phương trong tỉnh; xây dựng vùng trồng, cấp mã số vùng trồng, chứng nhận nhãn hiệu cho các vùng/cơ sở đạt điều kiện. Tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến đầu tư, phát triển thị trường cho sản phẩm cây dược liệu; gắn kết với dịch vụ du lịch, lễ hội văn hóa truyền thống của mỗi địa phương.

Lê Thùy

comment Bình luận

largeer