Hoa tím thơm giúp giảm ho, nhuận tràng và điều trị táo bón

Ở Việt Nam, cây hương cẩn thái được gọi là hoa tím hoặc hoa tím thơm vì hoa của nó có màu xanh tím nhã nhặn và hương thơm kín đáo. Lá của cây giống như lá rau má và hoa của nó thì nhỏ nhắn xinh xinh, trông như những cánh bướm đang chấp chới bay.
28/06/2023 15:48

Vài nét về hoa tím thơm (hương cẩn thái)

Cây hoa tím thơm có tên khoa học là Viola odorata và thuộc họ hoa tím.

Ở nước ta, cây hoa tím cũng được trồng nhưng ít phổ biến hơn so với châu Âu. Khi dùng làm thuốc, ta thu lấy hoa, lá hoặc rễ của nó rồi tùy theo bệnh mà sử dụng.

Công dụng làm thuốc của hoa tím thơm

Với hoa của cây, dân gian hay dùng làm thuốc điều trị ho, ho gà, viêm phế quản, sổ mũi và nhức đầu (kể cả nhức nửa đầu).

Hoa tím thơm giúp giảm ho, nhuận tràng và điều trị táo bón. Ảnh: Caythuoc.org

Hoa tím thơm giúp giảm ho, nhuận tràng và điều trị táo bón. Ảnh: Caythuoc.org

Cách dùng:

Hái hoa phơi khô, mỗi lần dùng thì lấy 5 – 10g hoa khô đem ngâm trong một lít nước, sau vài phút thì bắt lên bếp, nấu cho sôi rồi chắt lấy nước uống (hoặc cũng có thể hãm sôi 10 phút rồi uống như trà).

Ghi chú: Thuốc dùng để uống giữa các bữa ăn.

Ngoài cách dùng trên, bạn cũng có thể tự bào chế thành si rô hoa tím thơm giúp giảm ho, long đờm, ngoài ra còn giúp nhuận tràng và điều trị táo bón (thường dùng cho trẻ nhỏ uống).

Cách làm như sau:

- Chuẩn bị: Hoa tím thơm (150 – 200g cánh hoa tươi).

- Thực hiện: Lấy hoa rửa sạch, để ráo rồi cho vào bình thủy tinh, sau đó đổ một lít nước sôi vào, đậy kín lại trong 12 tiếng rồi lọc lấy nước ấy (bằng khăn vải sạch). Tiếp theo, ta cho mật ong hoặc đường phèn vào (với khối lượng gấp đôi lượng nước thuốc). Cuối cùng, đem nước ấy cô đặc lại thành si rô (trong quá trình nấu, nếu thấy có bọt thì phải hớt bỏ bọt). Sau khi thành si rô, ta để nguội, cho vào chai lọ và đậy kín lại để dùng dần.

- Cách dùng: Mỗi ngày, rót 3 muỗng si rô (muỗng nhỏ – muỗng cafe), hòa với nước rồi uống (uống vào giữa các bữa ăn).

- Lưu ý: Chỉ dùng bình thủy tinh hoặc sành sứ để đựng (vì nếu dùng đồ chứa có tính kiềm thì sẽ làm đổi màu nước từ hoa).

Công dụng của lá và rễ cây hoa tím thơm

Lá cây: Dân gian hay dùng lá tươi của cây hoa tím thơm để đắp ngoài da (trong trường hợp vú nứt nẻ hay bị các khối u lành tính).

Bên cạnh đó, lá hoa tím thơm còn được dùng để điều trị bệnh gút. 

Cách dùng như sau: Hái một nắm lá tươi, rửa sạch, nấu với nửa lít giấm ăn và để sôi 5 phút. Sau đó, ta lấy nước thuốc tẩm vào băng gạc và chườm đắp lên chỗ đau nhức (cách này giúp làm dịu cơn đau).

Rễ cây: Trong y học, rễ cây hoa tím được biết đến là vị thuốc gây nôn. Cách dùng: Lấy 10g rễ cây nấu với 300g nước và đợi nước rút còn 1/3 thì tắt bếp, để bớt nóng và uống (như vậy sẽ có tác dụng gây nôn).

Các nghiên cứu về cây hoa tím

Hoạt tính hạ huyết áp: Theo tạp chí Lipids in Health and Disease, kết quả nghiên cứu trên chuột cho thấy chiết xuất lá cây hoa tím có thể làm giảm huyết áp động mạch trung bình tùy theo liều, ngoài ra còn giúp giảm lượng mỡ xấu, tăng lượng mỡ tốt.

Hoạt tính bảo vệ gan: Theo tạp chí Bangladesh Journal of Pharmacology, isorhamnetin và luteolin được chiết xuất từ các bộ phận trên không của cây hoa tím thơm có tác dụng giảm viêm và giảm hoại tử tế bào gan (chống lại tổn thương gan do paracetamol gây ra ở chuột).

Theo Caythuoc.org

comment Bình luận

largeer