Hội chứng ngừng thở khi ngủ ở người cao tuổi

Các nghiên cứu cho thấy, hội chứng ngừng thở phổ biến hơn ở những người trên 60 tuổi và có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
04/07/2025 11:34

Hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ là gì?

Hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ (OSA) là tình trạng tắc nghẽn đường hô hấp khi ngủ, khiến bệnh nhân (đặc biệt ở người trên 60 tuổi) có triệu chứng ngừng thở hoặc thở rất nhẹ trong suốt đêm. Điều này dẫn đến giấc ngủ bị gián đoạn, ảnh hưởng đến sự nghỉ ngơi và khả năng phục hồi sức khỏe của người bệnh. 

Hội chứng ngừng thở khi ngủ có thể dẫn đến tình trạng mất ngủ, mệt mỏi kéo dài, và tăng nguy cơ mắc các bệnh lý như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, tiểu đường, và các vấn đề về tâm lý như lo âu và trầm cảm. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 100 triệu người trên toàn thế giới mắc hội chứng này, trong đó tỷ lệ người cao tuổi chiếm một phần lớn.

Nguyên nhân gây ra hội chứng ngừng thở khi ngủ 

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến hội chứng ngừng thở khi ngủ ở người cao tuổi.

Một trong những nguyên nhân chính là sự giảm độ đàn hồi của đường thở và các mô mềm quanh đường hô hấp. Khi tuổi tác tăng lên, các mô này trở nên lỏng lẻo và ít đàn hồi hơn, khiến đường thở bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn trong khi ngủ, làm giảm khả năng hít thở bình thường.

Empty

(Ảnh minh họa)

Ngoài sự lão hóa, các yếu tố nguy cơ như béo phì, hút thuốc, tiểu đường và tăng huyết áp có thể làm gia tăng nguy cơ mắc hội chứng này. Béo phì gây cản trở lưu thông không khí trong đường hô hấp, hút thuốc làm tắc nghẽn và làm suy giảm chức năng hô hấp, trong khi tiểu đường và tăng huyết áp có thể làm giảm độ đàn hồi của các mô quanh đường hô hấp.

Triệu chứng của hội chứng ngừng thở khi ngủ

Các triệu chứng của hội chứng ngừng thở khi ngủ ở người cao tuổi khá đa dạng và có thể không được nhận diện ngay lập tức. 

Những người mắc hội chứng này thường xuyên trải qua các đợt ngừng thở trong khi ngủ, gây ra hiện tượng vi thức – tức là đột nhiên tỉnh dậy trong một khoảng thời gian ngắn vì không thở được, rồi tiếp tục ngủ lại. 

Số lần ngừng thở và vi thức trong một đêm có thể từ vài lần đến hàng trăm lần, làm gián đoạn giấc ngủ và khiến người bệnh không cảm thấy thoải mái.

Thậm chí, những người mắc hội chứng này cũng có thể thở bằng miệng khi ngủ để giảm thiểu cảm giác khó thở và cải thiện luồng không khí. 

Một triệu chứng khác dễ nhận thấy là ngáy to khi ngủ, do đường thở bị xẹp hoặc giãn ra khiến các dòng khí đi qua dễ dàng tạo ra âm thanh.

Ngoài ra, tình trạng mất ngủ và thiếu ô-xy trong giấc ngủ cũng có thể gây ra các vấn đề tâm lý như lo âu và trầm cảm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.

Cách điều trị

Điều trị hội chứng ngừng thở khi ngủ ở người cao tuổi cần phải được thực hiện đúng cách và phù hợp với tình trạng của bệnh nhân. Một số phương pháp điều trị gợi ý bao gồm:

- Thay đổi lối sống: Người bệnh nên giảm cân nếu bị béo phì, ngừng hút thuốc, tránh uống rượu và các chất kích thích, và tập thể dục đều đặn để cải thiện chất lượng giấc ngủ.

- Máy hỗ trợ thở: Tham khảo ý kiến của bác sĩ để sử dụng các loại máy thở phù hợp giúp hỗ trợ giấc ngủ. 

- Miếng đệm vòm họng: Miếng đệm này được đặt trong miệng và giúp mở rộng đường thở trong khi người bệnh ngủ, giúp tạo ra khoang không khí để giảm tình trạng ngừng thở. 

- Phẫu thuật: Trong một số trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể đưa ra chỉ định phẫu thuật giúp duy trì đường thở thông suốt.

Thảo Nguyên (tổng hợp)

comment Bình luận