Thực phẩm giúp giảm nhanh triệu chứng tiêu chảy

Bị tiêu chảy nên ăn gì là thắc mắc chung của nhiều người khi gặp vấn đề về đường ruột. Vậy đâu là thực phẩm phù hợp và chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp cải thiện tình trạng này?
04/07/2025 11:17

Nguyên nhân bị tiêu chảy

Bị tiêu chảy phát sinh chủ yếu từ việc nhiễm khuẩn hoặc do ăn phải thức ăn có vi khuẩn hàng ngày. Dưới đây là 2 nguyên nhân chính gây nên tiêu chảy:

Tiêu chảy cấp do độc tố của vi khuẩn trong thức ăn

Một số vi khuẩn có sẵn trong thực phẩm hàng ngày xâm nhập vào niêm mạc ruột và gây ra tình trạng tiêu chảy cho cơ thể bạn. Hoặc khi bạn ăn phải những món ăn có chứa độc tố của vi khuẩn đã hình thành trước đó cũng sẽ dễ gây nên tình trạng tiêu chảy và khiến cơ thể bạn mệt mỏi.

Tiêu chảy do lỵ trực khuẩn

Tiêu chảy do lỵ trực khuẩn có thể gây đau quặn bụng, sốt và đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Ở giai đoạn đầu, bệnh thường không có dấu hiệu rõ rệt nên cần phân biệt dựa vào các biểu hiện lâm sàng như số lần đi ngoài trong ngày, hình dạng phân và các triệu chứng đi kèm.

01

(Ảnh minh hoạ)

Bị tiêu chảy nên ăn gì để nhanh phục hồi?

Tiêu chảy là tình trạng phổ biến do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó chế độ ăn đóng vai trò quan trọng giúp cơ thể phục hồi.

Gạo trắng, bánh mì

Người bị tiêu chảy nên ăn thực phẩm giàu tinh bột, ít chất xơ để giảm gánh nặng cho hệ tiêu hoá. Gạo trắng dễ tiêu, cung cấp năng lượng mà không gây khó tiêu như gạo lứt. Bánh mì trắng cũng là lựa chọn tốt nhờ khả năng trung hòa dịch vị dạ dày, giúp làm đặc phân và giảm tiêu chảy.

Cháo loãng, canh súp

Thức ăn mềm, lỏng như cháo loãng, canh súp vừa dễ tiêu hóa, vừa giúp bù nước hiệu quả. Có thể nấu cháo loãng với cà rốt, khoai tây, thịt nạc heo hoặc gà để tăng dinh dưỡng. Các món súp như súp cà rốt, súp bí đỏ, súp khoai tây nghiền cũng rất tốt cho người bệnh.

Trái cây phù hợp

Không phải trái cây nào cũng tốt khi bị tiêu chảy. 

Táo giàu pectin giúp bảo vệ dạ dày, giảm kích thích ruột và cung cấp đường cho cơ thể. 

Chuối mềm, dễ tiêu, chứa nhiều kali và pectin hỗ trợ đường ruột khỏe mạnh, có thể xay cùng táo để dễ ăn. 

Ổi giàu vitamin C và tanin, giúp cầm tiêu chảy, nên ăn hoặc uống nước ép 1 - 2 trái mỗi ngày. 

Thực phẩm giàu đạm

Ưu tiên thịt nạc gà, heo, hấp hoặc nấu cháo… chứa nhiều đạm, bổ sung dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Người ăn chay có thể bổ sung đạm qua đậu phụ nấu canh hoặc om nước tương.

Sữa chua, sữa uống lên men

Sữa chua không đường và sữa uống lên men giúp bổ sung lợi khuẩn, cân bằng hệ vi sinh đường ruột và tăng sức đề kháng tiêu hoá. Có thể kết hợp sữa chua với táo, chuối hoặc yến mạch để đa dạng bữa ăn, đặc biệt khi khẩu phần chính ít gia vị và dầu mỡ.

Empty

(Ảnh minh hoạ)

Những lưu ý khác

Ngoài việc lựa chọn thực phẩm phù hợp, người bị tiêu chảy cần lưu ý ăn chín uống sôi, tránh thực phẩm kém vệ sinh, uống nhiều nước ấm để bù nước và làm dịu ruột, ăn đúng giờ và chia nhỏ bữa ăn để giảm gánh nặng tiêu hóa. 

Nên kiểm tra thực phẩm để tránh dị ứng, bổ sung lợi khuẩn từ sữa chua hoặc men vi sinh, nghỉ ngơi nhiều, vận động nhẹ để giảm mệt mỏi. 

Nếu đi ngoài liên tục 3 - 4 lần mỗi giờ kèm đau bụng, chóng mặt, nôn ói, tay chân mất sức, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

Duy Khương (tổng hợp)

comment Bình luận