Thứ Ba, 3/12/2019 02:20
RSS
Hotline: 0913019054

Hồi ký: Thành Xuân Nghiêm, nguyên bác sĩ, giảng viên trường Đại học Y tế Công cộng (phần 2)

Trong suốt quãng thời gian theo học tại trường Đại học Y khoa Hà Nội (1954 - 1960), Xuân Nghiêm chỉ chú tâm học hành mà quên cả yêu. Vào năm thứ 6, cậu đã gặp được người con gái của đời mình,…
06/05/2025 15:40

 CHƯƠNG II

TÌNH YÊU ĐẦU TIÊN - TÌNH YÊU MÃI MÃI

Xuân Nghiêm vì mải học không hề nghĩ đến chuyện yêu, nên trong suốt quá trình học tại trường, cậu không hề được người phụ nữ nào để ý đến. Nhờ một mối lương duyên đã giúp Xuân Nghiêm gặp được người con gái tên là Nguyễn Kim Thu (SN 1937) nhà tại số 12 Chân Cầm (Hà Nội) cũng là sinh viên trường Đại học Y khoa Hà Nội  học dưới Xuân Nghiêm 2 khoá (1956 -1962).

Cô Kim Thu là học sinh Trưng Vương, thường mặc bộ quần áo dài trắng cùng mái tóc dài đạp xe phất phới trên đường phố Hà Nội. Xuân Nghiêm được anh bạn cùng khoá người Nghệ An lấy cô vợ người gốc Hà Nội, là con của bà bạn thân mẹ cô Kim Thu làm mai mối. Hai bà chơi với nhau rất thân. Bà ấy là người đã từng lái ô tô của chồng đi chơi ở Hà Nội, nhà ở số 64 Trần Quốc Toản. Anh bạn của Xuân Nghiêm lấy được con gái bà ấy. Anh bạn giới thiệu cho Xuân Nghiêm lên gặp gia đình cô Kim Thu. Anh bạn bày cho Xuân Nghiêm đến nhà mượn sách của em trai cô Kim Thu là Nguyễn Ngọc Độ cũng đang học trường Đại học Y khoa Hà nội dưới cô Kim Thu 1 năm, lại đang học Giải phẫu, môn chuyên khoa của Xuân Nghiêm. Cậu đã lấy cớ muốn mượn sách của Ngọc Độ để soạn bài giảng cho sinh viên. Khi đó, Xuân Nghiêm được phân vào chuyên khoa Giải phẫu. Với mục đích là để chuẩn bị cho Nhà nước sẽ mở trường Đại học Y khoa ở Hải Phòng, Xuân Nghiêm là người được chọn để là người chuẩn bị cho tương lai đó. Là thanh niên Hà Nội có đeo huy hiệu của Đoàn thanh niên cờ đỏ sao vàng, được kết nạp vào Đoàn, được chọn làm cương vị giảng viên tương lai.

Với lý do mượn sách của Ngọc Độ nhưng thật ra để Xuân Nghiêm gặp cô Kim Thu. Một buổi tối chủ nhật, Xuân Nghiêm đến chơi nhà cô Kim Thu. Tình cờ hôm đó bố mẹ của cô Kim Thu đi xem kịch ở nhà hát Hồng Hà tại phố Hàng Da, chị gái đã lấy chồng, cậu em Ngọc Độ thì đi trực, cậu em Ngọc Đính thì đi học, còn cậu em nữa đang công tác ở Cao Bằng. Cô Kim Thu mời Xuân Nghiêm uống trà tại phòng khách của gia đình. Xuân Nghiêm chỉ dám ngồi trò chuyện cùng cô Kim Thu từ 20h đến 21h. Sau khi ngỏ lời đâu đó, xin phép ra về để cho cô còn phải học bài cho ngày hôm sau. Lúc đó trời hơi lạnh, ra đến cửa, Xuân Nghiêm mạnh dạn bắt tay cô Kim Thu để tạm biệt. Cảm giác của cậu lúc đó là đôi bàn tay hơi gầy, vừa hơi lạnh lạnh, vừa hơi ấm ấm. Quan trọng nhất là ở khoảnh khắc đôi bàn tay chạm nhau, cô Kim Thu đã nắm tay Xuân Nghiêm hơi chặt một chút. Chỉ với cái nắm tay hơi chặt một chút đó nhưng đã làm cho Xuân Nghiêm đêm hôm đó mất ngủ.

Cái nắm tay, một hành động tưởng như đơn giản nhưng lại là tiếng nói của tình cảm, là cách thể hiện tình cảm vô cùng ý nghĩa. Một cái nắm tay hơi chặt, vừa đủ có thể mang đến sự thân tình, sẻ chia, yêu thương, hạnh phúc. Hạnh phúc là gì? Một câu hỏi mang tính triết học, một khái niệm trìu tượng không dễ trả lời. Đã có biết bao định nghĩa khác nhau về "hạnh phúc", nhưng có một định nghĩa thật đơn giản nhưng không kém phần sâu sắc: "Hạnh phúc là khi bàn tay nắm lấy một bàn tay". Có lẽ, bàn tay là thứ kết nối nhanh nhất đến với trái tim của mỗi người.

Cái nắm tay run khẽ, ngập ngừng, hồi hộp, ấm nóng của "Cái thưở ban đầu lưu luyến ấy" là cái nắm tay nhiều cảm xúc nhất. Nó như "thay lời muốn nói" mà bạn muốn thổ lộ với ta. Nó khiến trái tim ta tan chảy.

Cái nắm tay của người yêu không chỉ có hơi ấm, sự thân mật, gần gũi mà còn có sự chở che, tin cậy… Ta nắm tay nhau và cảm nhận được sự "có nhau" trong cuộc đời, dẫu chỉ là khoảng thời gian ngắn. Một cái nắm tay hơi chặt nhưng mang đến nhiều ấm áp và hạnh phúc cho nhau. Đôi khi trong tình yêu không cần phải thể hiện gì quá nhiều, chỉ cần sự ngọt ngào, êm ái, vững tin từ những cái nắm tay bình yên ấy.

Tố Hữu, nhà thơ hàng đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam, nguồn thi hứng duy nhất trong thơ ông là Tổ quốc, cách mạng. Thế mà, thi sĩ đã có những câu thơ thật chân thành, lãng mạn về cái nắm tay với người yêu của mình: "Anh nắm tay em sôi nổi vụng về/Mà nói vậy trái tim anh đó/Rất chân thật…".

Sau này, suốt cuộc đời đi bên nhau, những cái nắm tay của người bạn đời giúp ta có đủ sức mạnh để vượt qua cả những thời điểm khó khăn, tuyệt vọng nhất và mạnh mẽ đi về phía trước.

Tình yêu của người trẻ thật đẹp, nhưng tình yêu của người già bước qua thời son trẻ còn đẹp hơn. Có hình ảnh còn đẹp hơn cả nụ hôn của những đôi trẻ yêu nhau đó là hình ảnh đôi vợ chồng già nắm tay nhau bước qua đường, hay khoảnh khắc cụ ông nắm tay cụ bà trong phòng bệnh… Những cái nắm tay của những cặp đôi bạn già như thế chạm đến trái tim của ta, khiến ta xúc động, ngưỡng mộ, bởi "giá của cái nắm tay của tuổi già là bao nhiêu giông bão của tuổi trẻ". Đó là cái nắm tay của những con người đã kinh qua bao thăng trầm, bao khổ hạnh đớn đau của cuộc đời, bao gập ghềnh, chênh vênh của lòng người mà vẫn thắm thiết, vẫn son sắt thủy chung. Đó là cái nắm tay của hai con người cùng nhau đi hết con đường trên thế gian. Con người luôn cần lắm những cái nắm tay. Khi hai bàn tay đặt lên nhau, xiết chặt lấy nhau ta sẽ đi qua hành trình của chia sẻ, yêu thương.

Nhưng không chỉ có sự xuôn sẻ như vậy mà Xuân Nghiêm đối mặt với thử thách trong tình yêu mới chớm nở của mình… Xuân Nghiêm đã bị các “đối thủ sau tay lái” ở trường Đại học Y khoa Hà Nội tấn công. Một nam giới ở trên 2 lớp xuống lớp của cô Kim Thu để chọn người con gái ấy, họ đã dựng lên rất nhiều chuyện xấu về Xuân Nghiêm và thông qua cậu em trai Ngọc Độ để nói lại với gia đình. Nhưng cô Kim Thu vẫn một lòng dành tình cảm cho người con trai tên Xuân Nghiêm. Đặc biệt, mẹ của cô Kim Thu rất ưng Xuân Nghiêm. Mặc dù vậy, trước những lời đàm tiếu như vậy về Xuân Nghiêm cũng khiến gia đình họ nghi ngờ. Xuân Nghiêm cũng đã có những lần thất vọng và nói với mẹ cô Kim Thu rằng: “Thưa bác, cháu phải xin phép dừng lại thôi, nếu tiếp tục thì sẽ không đi đến đâu”. Bà chỉ cười khì và nói: “Anh cứ yên chí”. Có thể ý định của bà đã có rồi, sau đó Xuân Nghiêm tiếp tục cố gắng.

Sau khi ra trường, Xuân Nghiêm được nhận nhiệm vụ làm việc tại Hà Giang, mặc dù trước đó đã được xem bảng phân công tác của nhà trường lúc đầu là về Hải Dương làm công tác giảng dạy ở trường Y sĩ Hải Dương. Sau đó, nhà trường có thay đổi là cử 1 bác sĩ cùng khoá với Xuân Nghiêm học chuyên khoa ngoại về Hải Dương để làm công tác giảng dạy và làm ngoại khoa. Còn Xuân Nghiêm được cử đi Hà Giang.

Thì ra vào năm 1960 vừa mới tốt nghiệp Đại học Y khoa, Xuân Nghiêm thấy rằng mình ở miền xuôi nhiều rồi, thử đi miền núi xem như thế nào. Chàng trai ấy đã xung phong đi thực hiện nhiệm vụ khám nghĩa vụ quân sự ở Hà Giang. Trưởng đoàn là bác sĩ quân y, phó đoàn là Xuân Nghiêm, bác sĩ. Mới chỉ khám được 1 huyện, trưởng đoàn đã nhận được quyết định về Hà Nội để vào chiến trường miền Nam. Xuân Nghiêm phải làm thay nhiệm vụ quyền trưởng đoàn. Tại đây, Xuân Nghiêm làm rất tốt công tác tuyển quân cho Hà Giang đầy đủ rồi mới trở về Hà Nội.

Khi trở về Hà Nội, Xuân Nghiêm lại nhận quyết định đi Hà Giang công tác. Cầm tờ quyết định lên Bộ Y tế, Xuân Nghiêm thắc mắc, anh Trưởng phòng phân phối cán bộ có đưa ra 1 tờ giấy cho cậu đọc, thì ra đó là thư của ông Trưởng ty y tế Hà Giang xin đích danh cậu lên Hà Giang. Ông Trưởng ty y tế Hà Giang và Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch đều là người miền Nam nên rất thân thiết với nhau. Bên cạnh bức thư đó là dòng chữ của Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch ghi “Tôi đồng ý” rồi ký tên. Xuân Nghiêm từ đó công tác tại Hà Giang.

Khi đó, cô Kim Thu có nói: “Vì anh đi Hà Giang cho nên tôi mới nhận lời, chứ nếu anh ở Hà Nội thì đừng hòng”. Cũng có thể là cô cảm phục vì tấm chân tình của anh khi một lòng một dạ yêu mình, cùng với đó là người con trai Hà Nội nhưng xung phong lên miền núi Hà Giang để làm việc. Tình cảm của mẹ cô Kim Thu dành cho người con trai ấy cũng thêm sự yêu mến, và gửi lời nhắn đến cậu: “Cứ yên chí”. Cô Kim Thu cũng nhận lời chờ và cả gia đình cũng có chiều hướng tốt với Xuân Nghiêm hơn.

Mẹ của cô Kim Thu là một người phụ nữ rất tần tảo. Bà làm nghề mạng quần áo - nghề vá áo theo phong cách sang sợi là veston, complê cho những người Hà Nội giàu sang và cho người Pháp sinh sống ở Hà Nội. Mạng sang sợi không phải là khâu vá đơn thuần, mà phải lấy đúng sợi vải ở chiếc áo đó, thường lấy ở chỗ kín, như trong gấu quần, áo, trong túi áo rồi mạng vào chỗ rách, chỗ thủng. Làm như vậy vừa không bị lộ chỗ vá, vừa đúng chất vải. Giá cả tùy thuộc vào điểm mạng. 

Bà làm việc một mình, con cháu muốn đến học thì cứ học, bà là người chỉ đạo tất cả các việc học hành của con cái, từng người từng người một. Ông bố của Kim Thu lại là người rất phớt đời (“flakematic”) - người ít quan tâm đến các vấn đề trong gia đình. Hằng ngày, ông chỉ đi làm kiếm tiền, về nhà đưa hết tiền cho vợ. Cứ chủ nhật hằng tuần là ông đi câu cá, ông câu được rất nhiều cá và mang về cho vợ làm các món.

Gia đình của cô Thu có 3 đời làm thầy thuốc đông y: cụ tổ thứ hai, cụ tổ thứ ba và ông cả đời thứ tư. Cụ Tổ thứ nhất và thứ hai là người Bắc Ninh về Hà Nội lập nghiệp mở phòng khám đông y ở số 16 Hàng Bông (Hà Nội) - hiện tại ngôi nhà này được làm nhà thờ tổ họ Nguyễn.

Một buổi tối, Xuân Nghiêm có đứng lên xin phép để bố mẹ cậu được lên thưa chuyện thì bố của cô Kim Thu nói ngay một câu: “Tôi là tôi đồng ý đấy”. Mẹ của cô Kim Thu dập ngay và nói: “Ơ hay, ông này lạ nhỉ, phải để xem người ta lên người ta nói gì đã thì mới đồng ý chứ”. Xuân Nghiêm thường nói chuyện rất ít với bố cô Kim Thu nhưng khi ngỏ lời như vậy lại được ông đồng ý luôn. Còn cô Kim Thu khi đó chỉ dám đứng ở ban công lắng nghe câu chuyện giữa Xuân Nghiêm và bố mẹ của cô ấy.

Người tích cực, tạo điều kiện để Xuân Nghiêm tìm hiểu cô Kim Thu chính là mẹ của cô. Mẹ của cô Kim Thu đã sang nhà anh trai cả ở số 16 Hàng Bông - cũng là lương y hỏi: “Tình hình của các cháu như thế, nhưng thằng này nó kiêu lắm”. Ông cả có nói 1 câu: “Nó có giỏi thì nó mới kiêu”. Bà cười khoái chí, không nói gì. Rồi bà hỏi tiếp: “Năm nay người ta xin cưới thì có được không hay phải để sang năm?”. Ông cả liền nói: “Tuổi nó như thế này thì hai đứa phải cưới năm nay, trước Tết, không được để qua Tết tuổi Kim lâu”. Xuân Nghiêm ở giữa được hưởng chuyện “bỗng dưng có vợ”. Từ Hà Giang về Hà Nội để nghỉ Tết thì đồng thời Xuân Nghiêm cũng lấy được vợ.

Empty

Ảnh cưới của Xuân Nghiêm và Kim Thu

Khi đó, Xuân Nghiêm 29 tuổi, Kim Thu 25 tuổi (tháng 1 năm 1962). Một đám cưới giản dị với 2 chiếc xe ô tô con. Cưới xong, cô Kim Thu học nốt năm cuối cùng. Xuân Nghiêm công tác tại Hà Giang 3 năm, cô Kim Thu sau khi đã tốt nghiệp đại học và về Thái Bình công tác. Khoảng thời gian Xuân Nghiêm công tác tại Hà Giang, cô Kim Thu có lên thăm 1 lần. Sau 1,5 năm, Xuân Nghiêm mới được về Thái Bình cùng cô Kim Thu. Cả 3 con trai đều sinh ra ở Thái Bình, chỉ có Ngọc Minh sinh ra ở Hà Nội. Đợt đó, bà Kim Thu có về Hà Nội học lớp bồi dưỡng về tim mạch, đến ngày sinh, sinh Ngọc Minh tại Hà Nội.

“Giữa chúng tôi là do duyên phận mà nên chứ tôi muốn cũng không được mà bà ấy từ chối tôi cũng hầu như là chưa bao giờ. Bà ấy đồng ý hay không đồng ý thì tỏ thái độ hết sức lịch sự. Những điều đó tôi đều chấp nhận hết. Nhưng người đứng đằng sau sắp xếp mọi việc hoá ra là bà mẹ của bà ấy. Mẹ bà ấy nhận xét về tôi như thế nào, tôi không biết”, ông Xuân Nghiêm chia sẻ.

Khi nghe kể về câu chuyện tình yêu của hai ông bà, bà đã nhìn ông với một ánh mắt trìu mến. Bà không thể nói ra nhưng cụ hiểu hết, biết hết. Tình yêu hai ông bà dành cho nhau là những gì minh chứng của câu nói “Tình yêu tuổi già không còn lãng mạn hay nhiệt huyết như thời còn trẻ tuổi, mà thay vào đó là tình thương, sự thấu hiểu và sự cảm thông”.

Ông bà có 3 người con trai. Con trai cả là Thành Ngọc Thức (SN 1964), con trai thứ hai là Thành Ngọc Minh (SN 1968), con trai út là Thành Ngọc Thắng (SN 1974).

(Còn tiếp)

Người chắp bút: Nguyễn Trang

comment Bình luận