Khánh Hoà: Vụ ngộ độc thực phẩm tại trường iSchool Nha Trang do nhiễm khuẩn Salmonella, nhạy với phần lớn kháng sinh

Theo Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, kết quả phân lập nguyên nhân ban đầu từ nuôi cấy mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân ngộ độc thực phẩm tại trường iSchool Nha Trang là nhiễm khuẩn Salmonella, nhạy với phần lớn kháng sinh. Ghi nhận 1 trường hợp kháng với các kháng sinh là Gentamicin, Amikacin, Tobramicin.
22/11/2022 17:53

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), nhiễm độc thực phẩm do Salmonella là hội chứng nhiễm trùng-nhiễm độc, biểu hiện bằng viêm ruột cấp tính, gây ra do vi khuẩn Salmonella, thường gây thành những vụ dịch vừa và nhỏ do lây nhiễm từ động vật sang người lành.

Các chủng vi khuẩn Salmonella (Salmonella spp.) là một họ vi khuẩn đường ruột khá lớn với nhiều tuýp huyết thanh, gây bệnh thương hàn, phó thương hàn và các viêm ruột cấp tính khác cho người và động vật. Trong số 1.500 tuýp huyết thanh có khả năng gây bệnh cho động vật, chỉ có khoảng 10 chủng có khả năng gây viêm dạ dầy ruột cấp cho người.

z389599514021344f4ea4cdfd09de856105e98b98b778e-1668930235804893274204

Trường iSchool Nha Trang

Nguồn bệnh và ổ chứa chính của các vi khuẩn Salmonella là các loài động vật, bao gồm động vật ốm và động vật lành mang khuẩn. Động vật thải vi khuẩn theo đường phân, nước tiểu, chất nôn... từ đó gây ô nhiễm cho môi trường, nước, thực phẩm. Trong một số trường hợp Salmonella có trong máu, sữa động vật sẽ là nguồn lây cho người khi ăn tiết canh hay thịt, sữa tươi của động vật không được khử trùng hay chế biến kỹ. Nhiều loài động vật có thể mang Salmonella lâu dài, có khi suốt đời mà không phát bệnh.

Đường lây nhiễm khuẩn Salmonella là lây theo đường tiêu hóa, từ động vật sang người hay từ người sang người, thông qua các yếu tố truyền nhiễm.

Ở Việt Nam, hội chứng ngộ độc thực phẩm do Salmonella được xếp vào nhóm các bệnh tiêu chảy cấp tính, và được giám sát, ghi nhận từ cơ sở y tế. Số liệu giám sát trong nhiều năm qua cho thấy, hội chứng tiêu chảy cấp (trong đó có căn nguyên Salmonella) thường đứng vị trí thứ 2 sau hội chứng cúm, với khoảng trên dưới 1 triệu trường hợp khai báo hàng năm.

Các biện pháp phòng bệnh: Chọn thực phẩm đã chế biến an toàn; nấu kỹ thức ăn, chỉ nên ăn thức ăn vừa mới nấu, bảo quản thực phẩm đã nấu cẩn thận, hâm nóng lại kỹ những thực phẩm đã nấu; tránh tiếp xúc thực phẩm tươi sống và thực phẩm chín; rửa tay nhiều lần; giữ sạch bề mặt của bếp; bảo vệ thực phẩm khỏi côn trùng, loài gặm nhấm và các động vật khác; dùng nước sạch…

Đồng thời, quản lý tốt vệ sinh các khâu chế biến, vận chuyển, phân phối sữa tươi và trứng gia cầm tới người tiêu dùng. Khi tới từng gia đình, sữa và trứng phải được quản lý như loại thực phẩm dễ ô nhiễm nhất, chỉ ăn trứng sau khi chế biến kỹ bằng nhiệt.

Định kỳ cấy phân phát hiện người mang Salmonella ở người sản xuất, chế biến thực phẩm, nhân viên hộ lý, nhà trẻ. Không để người cấy phân dương tính trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm thành phẩm, hay chăm sóc bệnh nhân suy giảm miễn dịch, người già, trẻ nhỏ. Tổ chức điều trị kháng sinh và duy trì việc rửa tay đúng quy định cho những người mang khuẩn lành như đối với bệnh nhân, nhất là những người mang khuẩn kéo dài…

Thu Hằng

comment Bình luận

largeer