Khi mang thai thì thai phụ có nên tập thể dục không?

Khi mang thai nhiều thai phụ băn khoăn không biết có nên tập thể dục hay không? Và câu trả lời là có, việc thường xuyên tập thể dục có thể giúp cho các thai phụ giảm đi tình trạng căng thẳng, hạn chế táo bón và đặc biệt là giúp thai phụ nhanh chóng lấy lại được vóc dáng sau sinh.
08/09/2020 15:57

Hầu hết những phụ nữ trong giai đoạn mang thai thường có tâm lý là nên hạn chế việc vận động để bảo vệ thai nhi. Tuy nhiên, theo BSCKI Nguyễn Trọng Hùng, khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội), chia sẽ thì các bà bầu không nên bỏ qua lợi ích của việc thường xuyên tập luyện, thế nhưng khi tập luyện thì cũng cần phải lưu ý phương pháp và cường độ phù hợp.

Lợi ích khi tập luyện

Xả stress: Thói quen tập thể dục thường xuyên giúp tâm trạng phụ nữ mang thai thoải mái hơn, giải tỏa căng thẳng - yếu tố luôn xuất hiện trong thai kỳ và gây ảnh hưởng tới sức khỏe mẹ, bé.

Theo bác sĩ Hùng, tập luyện tác động tới tâm lý mẹ bầu, mang đến cảm giác dễ chịu, ngủ ngon hơn, qua đó tăng sự phát triển của bào thai.

exercise_right_

Tập luyện thể dục phù hợp với thể trạng mang đến nhiều lợi ích cho bà bầu và trẻ. Ảnh: Exercise right.

Hạn chế táo bón: Táo bón là hiện tượng thường xuyên xảy ra ở phụ nữ mang thai. Bác sĩ Hùng giải thích: "Vận động thường xuyên giúp tăng nhu động ruột, khiến quá trình tiêu hóa tốt hơn, nhờ đó giảm đáng kể hiện tượng táo bón".

Ngoài ra, tập thể dục làm lượng máu lưu thông tốt hơn, hạn chế tình trạng suy giãn tĩnh mạch, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh trĩ ở bà bầu.

Sẵn sàng cho thời điểm sinh con: Trong quá trình tập luyện, hệ thống cơ, xương khớp của phụ nữ khỏe mạnh và dẻo dai hơn. Đây là sự chuẩn bị tốt cho giai đoạn sinh con thường tốn rất nhiều sức lực. Đồng thời, thói quen này hạn chế tình trạng đau mỏi khớp trong thời kỳ mang thai.

Giữ dáng: Việc tập luyện mang lại khối lượng cơ bắp nhất định. Qua đó, các bà mẹ sau khi sinh có thể nhanh chóng lấy lại vóc dáng. Đồng thời, tập thể dục cũng đảm bảo lượng calo tiêu thụ, giúp chúng ta kiểm soát cân nặng.

Tập luyện thế nào để đảm bảo an toàn?

Bác sĩ Nguyễn Trọng Hùng cho hay: "Nhiều người lo ngại việc tập luyện tác động tới sức khỏe thai nhi. Tuy nhiên, chúng ta có thể tránh ảnh hưởng tiêu cực này thông qua việc lựa chọn mức độ vận động và môn thể dục phù hợp với cơ thể. Lưu ý này đặc biệt quan trọng với người có tiền sử sẩy thai hoặc sinh non".

Theo bác sĩ này, phụ nữ mang thai nên cố gắng cảm nhận cơ thể trong quá trình tập luyện. Khi có dấu hiệu khó thở, chóng mặt, đau bụng hạ vị hoặc chảy máu âm đạo, bà bầu nên dừng lại và gặp bác sĩ phụ khoa để thăm khám ngay. Các dấu hiệu này có thể phản ánh cường độ tập luyện trước đó quá nặng với cơ thể.

Pregnency_lovetoknow

Yoga, bơi lội hay đi bộ là những phương pháp tập luyện phù hợp với phụ nữ mang thai 3 tháng đầu. Ảnh: Pregnancy Lovetoknow.

Phụ nữ mang thai được khuyên lựa chọn một số môn thể dục có cường độ trung bình như yoga, bơi lội hoặc đi bộ. Việc lựa chọn cách thức tập luyện cũng nên được cân nhắc dựa trên sở thích và thể trạng mỗi người.

Bác sĩ Hùng nhận định: "Việc tập thể dục có thể kéo dài suốt quá trình mang thai nếu cơ thể người mẹ đáp ứng tốt. Tuy nhiên, mỗi thời điểm của thai kỳ, chúng ta cần thay đổi bộ môn hoặc cường độ tập luyện hợp lý".

Trong 3 tháng đầu tiên, khi mới mang thai, bà bầu nên lựa chọn các môn thể thao với cường độ nhẹ. 3 tháng tiếp theo, cường độ và tần suất tập luyện có thể tăng lên do bào thai đã ổn định hơn. Trong 3 tháng cuối cùng, nếu không có cảm giác đau bụng hay vấn đề bất thường, thai phụ có thể duy trì tập luyện ở mức độ nhẹ và trung bình.

Do thể trạng khác nhau, chuyên gia này khuyên bà bầu nên tham khảo bác sĩ khoa sản và huấn luyện viên thể dục, xây dựng kế hoạch hợp lý trước khi bắt đầu tập luyện. Sau khi sinh, các bà mẹ có thể quay lại chương trình tập luyện ở thời điểm hết sản dịch.

comment Bình luận

largeer