Vắc xin EV71 - Hy vọng mới trong phòng, chống bệnh tay chân miệng tại Việt Nam

Vắc xin EV71 được kỳ vọng là bước đột phá trong phòng, chống bệnh tay chân miệng tại Việt Nam, với hiệu quả bảo vệ cao và khả năng tạo miễn dịch bền vững cho trẻ nhỏ - nhóm dễ tổn thương nhất trước dịch bệnh này.
22/05/2025 16:43

Ngày 22/5, tại Hội thảo “Phát triển và ứng dụng vắc xin EV71: Tăng cường đáp ứng y tế công cộng với bệnh tay chân miệng”, ThS.BS. Lương Chấn Quang, Trưởng khoa Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TP. HCM cho biết, vắc xin EV71 được nghiên cứu nhằm phòng bệnh tay chân miệng do virus Enterovirus 71 (EV71) gây ra, đặc biệt phù hợp với trẻ từ 2 tháng đến dưới 6 tuổi – nhóm tuổi dễ mắc và có nguy cơ biến chứng nặng nhất.

ThS.BS Lương Chấn Quang – Trưởng khoa Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TP.HCM chia sẻ tại hội thảo

ThS.BS Lương Chấn Quang, Trưởng khoa Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TP. HCM chia sẻ tại hội thảo

Theo thống kê từ hệ thống giám sát dịch tễ của Bộ Y tế, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2025, cả nước đã ghi nhận khoảng 15.000 ca mắc tay chân miệng, trong đó có tới 93% là trẻ từ 1 đến 5 tuổi. Đây là nhóm tuổi có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, rất dễ bị tổn thương khi nhiễm virus EV71 – một trong những chủng gây bệnh nghiêm trọng nhất, có thể dẫn đến biến chứng thần kinh nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Theo BS Quang, vắc xin EV71, khi được tiêm đủ 2 liều cách nhau 28 ngày, có thể giúp cơ thể sản sinh kháng thể mạnh chỉ sau 1 tháng. Đáng chú ý, kháng thể vẫn duy trì hiệu quả trong suốt 12 tháng, với một mức tăng trở lại sau giai đoạn giảm nhẹ ở tháng thứ 6 – điều này cho thấy tiềm năng bảo vệ lâu dài của vắc xin.

Kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đã được thực hiện tại Việt Nam (Bến Tre, Vĩnh Long) và Đài Loan trên 3.993 trẻ từ 2 tháng đến dưới 6 tuổi. Trong quá trình theo dõi kéo dài một năm sau tiêm, chỉ ghi nhận 1 ca mắc bệnh ở nhóm tiêm vắc xin, so với 70 ca mắc ở nhóm đối chứng (không tiêm vắc xin).

Vắc xin EV71 được kỳ vọng là bước đột phá trong phòng, chống bệnh tay chân miệng tại Việt Nam

Vắc xin EV71 được kỳ vọng là bước đột phá trong phòng, chống bệnh tay chân miệng tại Việt Nam

Không chỉ vậy, những trẻ tiêm vắc xin nếu nhiễm bệnh đều có triệu chứng nhẹ, không cần nhập viện, trong khi các ca biến chứng nặng đều nằm ở nhóm không tiêm phòng. Phản ứng sau tiêm chủ yếu là đau nhẹ tại chỗ tiêm hoặc sốt nhẹ, tương tự các loại vắc xin thông thường khác. Không có trường hợp phản ứng nghiêm trọng nào được ghi nhận, cho thấy vắc xin có độ an toàn rất cao.

PGS.TS.BS. Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TP. HCM, nhấn mạnh, bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Hàng năm, Việt Nam ghi nhận hàng chục ngàn ca mắc, trong đó 60 - 80% tập trung tại các tỉnh phía Nam – nơi có khí hậu nhiệt đới ẩm và mật độ trẻ nhỏ cao.

PGS.TS.BS Nguyễn Vũ Trung – Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM chia sẻ tại hội thảo

PGS.TS.BS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TP. HCM chia sẻ tại hội thảo

Hiện nay, các biện pháp phòng bệnh chủ yếu vẫn mang tính không đặc hiệu, như tuyên truyền giữ vệ sinh cá nhân, thực hiện "4 sạch" gồm: Ăn sạch, uống sạch, ở sạch, chơi sạch. Tuy nhiên, các biện pháp này khó kiểm soát hoàn toàn sự lây lan của virus – đặc biệt là trong môi trường nhà trẻ, mẫu giáo đông đúc. Do đó, nghiên cứu và ứng dụng vắc xin đặc hiệu như EV71 là bước tiến mang tính chiến lược trong y tế dự phòng.

Với hiệu quả bảo vệ gần như tuyệt đối, tính an toàn cao và khả năng miễn dịch bền vững, vắc xin EV71 được kỳ vọng sẽ sớm được cấp phép sử dụng rộng rãi tại Việt Nam. Các chuyên gia y tế cho rằng, việc đưa vắc xin vào chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ giúp giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm, và góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trẻ em.

Việc triển khai tiêm chủng cần có sự phối hợp giữa ngành y tế, giáo dục và chính quyền địa phương để đảm bảo mọi trẻ em trong độ tuổi nguy cơ đều được tiếp cận vắc xin kịp thời.

Cao Ánh

comment Bình luận