Kiểm soát cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm những ngày gần Tết

Những ngày gần Tết, hầu hết các lò giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn Hà Nội hoạt động tăng công suất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng cao của người dân.
12/01/2022 15:42

Nguy cơ dịch bệnh và mất an toàn thực phẩm

Những ngày này, hầu hết các lò giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn Hà Nội hoạt động tăng công suất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng cao của người dân. Đây là thời điểm nguy cơ mất an toàn thực phẩm, dịch bệnh rất cao, đặc biệt trong bối cảnh phần lớn cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không rõ nguồn gốc xuất xứ gia súc, gia cầm và khó kiểm soát...

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phạm Thành Đô, trên địa bàn huyện có 58 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, chủ yếu là nhỏ lẻ với quy mô 5 con lợn/ngày; 2 con trâu, bò/ngày hoặc 20 con gia cầm/ngày. Tuy nhiên, hiện mới có 6 cơ sở được chính quyền cấp phép đủ điều kiện giết mổ và có sự kiểm soát của cán bộ thú y. Đáng nói, đến nay Mê Linh vẫn chưa có khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung nên việc kiểm soát dịch bệnh thông qua giết mổ gặp nhiều khó khăn, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao.

Empty

Dây chuyền sơ chế thịt gà tại nhà máy của Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam (huyện Chương Mỹ)

Bên cạnh đó, có một thực tế là nhiều hộ gia đình khu vực ngoại thành vẫn giữ thói quen mua lợn chung, giết mổ tại nhà vào dịp Tết rồi chia nhau. Mặc dù gia súc, gia cầm nuôi trong dân, không bị dịch bệnh, nhưng khi giết mổ tại nhà sẽ gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm các điều kiện vệ sinh thú y. Bà Phạm Thị Minh, xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên) cho biết: "Vào dịp Tết Nguyên đán, các gia đình quanh xóm lại mua chung lợn về tự giết mổ. Ngoài ra, hộ nào cũng tự giết mổ 5-7 con gà để ăn Tết. Biết là không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng việc làm này đã thành thói quen của người dân khu vực nông thôn...".

Về vấn đề này, theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, năm 2021, các trạm chăn nuôi và thú y địa phương đã xử lý 1.236 trường hợp vi phạm về kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y… Dù đã triển khai nhiều giải pháp nhưng thực tế cho thấy, việc kiểm soát giết mổ động vật trên địa bàn vẫn gặp khó. Nguyên nhân, do thành phố có tới 673/738 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ. Đây là nguồn nguy cơ lây lan dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng rất khó kiểm soát theo quy định, vì các cơ sở này thường hoạt động vào ban đêm, địa điểm không cố định… 

Đồng bộ các giải pháp

Để kiểm soát chất lượng sản phẩm gia súc, gia cầm, theo Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội Võ Việt Dũng, chính quyền địa phương cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, kiên quyết xử lý các cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ không được cấp phép, gây ô nhiễm môi trường...

Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thường Tín Dương Xuân Tĩnh cho biết: Để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch bệnh từ các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và cung cấp nguồn thực phẩm sạch ra thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, huyện Thường Tín sẽ tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Cùng với đó, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ giết mổ động vật nhỏ lẻ vào các khu giết mổ tập trung để kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.

Empty

Đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ NN&PTNT phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra chất lượng giết mổ, sơ chế và bảo quản thực phẩm tại Hợp tác xã Hoàng Long (huyện Thanh Oai)

Còn Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin: Thời điểm hiện tại, các đơn vị chức năng của Sở NN& PTNT đang phối hợp đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhằm ngăn chặn sản phẩm không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần thay đổi thói quen, không sử dụng thịt gia súc, gia cầm giết mổ không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm bán tại các chợ, điểm giết mổ nhỏ lẻ…

Mặt khác, Sở NN&PTNT Hà Nội đã yêu cầu các địa phương thường xuyên kiểm tra đánh giá và tổ chức ký cam kết cho các cơ sở giết mổ, sơ chế, bảo quản, kinh doanh sản phẩm động vật để bảo đảm nguồn cung thực phẩm an toàn cho thị trường; tăng cường hoạt động của các chốt kiểm dịch tại vùng giáp ranh với các địa phương lân cận; kiểm soát chặt chẽ các cơ sở giết mổ tập trung ở các huyện: Sóc Sơn, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Thanh Trì, Đông Anh…

Hiện tại, trung bình mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ khoảng hơn 1.000 tấn thịt gia súc, gia cầm các loại, trong đó thành phố đáp ứng được hơn 60%; số còn lại, phần lớn là từ các tỉnh, thành phố khác trong cả nước đưa về. Do đó, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh, thành phố trong công tác phòng, chống dịch bệnh và quản lý giết mổ gia súc, gia cầm. Về lâu dài, để phát triển các hệ thống giết mổ động vật, Hà Nội tiếp tục thí điểm một số chính sách như: Hỗ trợ 50% chi phí giết mổ tính trên đầu gia súc, gia cầm ở năm thứ nhất; 40% ở năm thứ hai…

Thực hiện hiệu quả các giải pháp kiểm soát chất lượng sản phẩm gia súc, gia cầm cũng như phòng, chống dịch bệnh, chắc chắn người tiêu dùng Thủ đô sẽ có nguồn thực phẩm an toàn, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Theo Hà Nội mới

comment Bình luận

largeer