Ký ức về Đồng Lộc: Nhân kỷ niệm 55 ngày chiến thắng Đồng Lộc (24/7/1968 – 24/7/2023)

Dấu ấn tại Nhà hát TP. Hồ Chí Minh – Câu chuyện về Ngã ba Đồng Lộc 38 năm lần đầu tiên được truyền hình trực tiếp trên HTV9 đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh.
20/07/2023 11:47

Vào buổi trưa một ngày tháng 4/2006, khi chuẩn bị đi ăn cơm, tôi nhận được điện thoại từ nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý tìm gặp ông Nguyễn Xuân Lam, Chủ tịch Hội đồng hương Hà Tĩnh tại TP. Hồ Chí Minh. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý có dấu ấn sâu nặng với Hà Tĩnh thì đã rõ nhưng lần này thì khác.

Sau vài lời hỏi thăm, nhạc sĩ vào đề là vừa mới phổ nhạc bài “Trường ca Đồng Lộc” thơ của Bùi Mạnh Hảo và đã được đoàn văn công Quân khu 7 tập luyện hoàn chỉnh, có ngâm thơ kèm theo. Nhạc sĩ đã liên hệ với Báo Sài Gòn Giải Phóng, với ông Phan Xuân Biên - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy là người Hà Tĩnh, liên hệ với Báo Công an thành phố có chị Hồng Ánh quê Hà Tĩnh đang là Trưởng ban bạn đọc. Mọi người ủng hộ, khen hay nhưng để giới thiệu ra công chúng thì chưa có đơn vị nào đảm nhận và quan trọng nhất là chưa tìm được đơn vị tài trợ. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý điện thoại có nói ý là sức khỏe ông đã yếu, muốn nhờ đồng hương Hà Tĩnh tổ chức giới thiệu bài “Trường ca Đồng Lộc”.

Sau khi nghe câu chuyện, ông Nguyễn Xuân Lam ghi nhận, cảm ơn nhạc sĩ và phải họp ban chấp hành, tìm hiểu công tác tổ chức một đêm ca nhạc có thể làm được hay không. Nhưng trước khi làm, ông Lam phải về Đồng Lộc để xin phép các anh hùng liệt sĩ, nhất là 10 chị hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc. Chuyến đi có chị Nguyễn Thị Tịnh, vợ ông Nguyễn Kỳ Cẩm - Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh, và kết quả là các chị đồng ý.

ky uc dong loc 2

Trước khi làm chương trình ngày 3/10/2006, Ông Nguyễn Xuân Lam (ở giữa) về xin phép tại Ngã ba đồng Lộc.

Khi đến Ngã Ba Đồng Lộc, trời chuẩn bị mưa, nhưng khi thắp hương thì mây bay để lại “áng mây kia ửng đỏ một khuông trời…” như lời bài thơ được phổ nhạc, cô Hòa ngoại cảm đi cùng đã nói trước sự ứng nghiệm là đồng ý. Tháng 7/2006, ông Nguyễn Xuân Lam mời họp ban chấp hành. Khi trình bày thì chị Hồng Ánh đã hiểu rõ câu chuyện, ý kiến ban chấp hành là ủng hộ nhưng vận động tài trợ là rất khó khăn, đồng hương thì không có kinh phí. Xuất phát từ ý tưởng của nhạc sĩ, mong muốn giới thiệu bản trường ca nên ông Nguyễn Xuân Lam tự đi tìm tài trợ là Công ty In Scitech thuộc Viện Khoa học Việt Nam nhận lo toàn bộ kinh phí và nhân sự để tổ chức đêm nhạc “Như những thiên thần”. (Công ty In Scitech do vợ ông Lam là bà Vũ Thị Hòa làm Giám đốc). Khi có ý kiến phản hồi, nhạc sĩ rất vui và cảm động về ân tình của người Hà Tĩnh.

Đạo diễn chương trình, ông Hà Thanh Hoàng là người đã làm nhiều chương trình với Báo Công an thành phố. Tuy chưa về Hà Tĩnh lần nào nhưng vẫn mạnh dạn nhận đạo diễn chương trình. Do có sự liên lạc nhiều với quê, nên qua điện thoại, ông Lam đã được sự ủng hộ của lãnh đạo tỉnh nhà, cụ thể là ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh. Đoàn của lãnh đạo tỉnh nhà vào tham dự với suy nghĩ là cuộc giao lưu gặp mặt đồng hương. Tham gia đoàn còn có 12 anh chị em cán bộ nhân viên khu di tích Ngã Ba Đồng Lộc, trưởng đoàn là anh Nguyễn Văn Thắng - Trưởng ban, lần đầu tiên vào TP Hồ Chí Minh với ý tưởng là đi tham quan.

Xuất phát từ suy nghĩ Hội đồng hương chỉ làm cuộc gặp mặt nhỏ, đơn giản nhưng khi vào được nghe kịch bản, chứng kiến nơi biểu diễn tại nhà hát Thành phố, truyền hình trực tiếp trên sóng HTV9, anh em mới thấy lo. Đoàn phải cắt ngắn thời gian đi tham quan, tập trung vào tập luyện tại phòng thu và nhà hát. Thời gian luyện tập phát sinh khó nhất là ráp nhạc giữa ca sĩ không chuyên và nhạc cụ dân tộc. Suy đi tính lại, phải chi phí thêm để làm hòa tấu phục vụ các ca sĩ và đây là lần đầu tiên CD nhạc không lời 12 bài hát quê hương Hà Tĩnh được ra đời (cho đến nay cũng chưa có cá nhân, đơn vị nào làm CD nhạc không lời các bài hát về Hà Tĩnh). Khách mời và bà con lần đầu tiên được nghe nhạc không lời Hà Tĩnh khi bước vào khán phòng nhà hát lớn TP. Hồ Chí Minh đã làm nóng thêm tình yêu quê hương của những người con xa quê. Cảm nhận của nhiều vị cán bộ trong đoàn công tác và các vị đồng hương lớn tuổi là rất xúc động, mọi kỷ niệm quê hương cứ ùa về rất tự nhiên, lắng đọng và họ tỏ lời khen ngợi nghĩa tình sâu nặng của ban tổ chức đêm nhạc quê hương.

ky uc dong loc 3

Trời chuẩn bị mưa, nhưng khi thắp hương thì mây bay để lại “áng mây kia ửng đỏ một khuông trời…”

Trong thời gian chuẩn bị, ông Nguyễn Xuân Lam có điện thoại về báo cáo Sở Văn hóa và mời lãnh đạo sở vào dự. Gần sát ngày biểu diễn (3/10/2006) thì ở quê hương Hà Tĩnh có vài chuyện buồn. Trong câu chuyện với Sở Văn hóa, lãnh đạo có hỏi là làm bây giờ có thuận tiện hay không, khi mà ở quê nhà có vài chuyện không vui. Ông Lam đã trả lời thẳng thắn là không quan trọng. Chúng tôi làm vì nhân dân Hà Tĩnh, quê nhà đang có vài chuyện không vui nào đó cũng như đứt tay, đau chân của một cơ thể và hoàn toàn không ảnh hưởng đến tấm lòng của bà con đối với quê hương, chúng tôi vẫn làm. Trước ngày diễn ra sự việc, cơn bão hung dữ Xangsane càn quét miền Trung từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi gây thiệt hại khá lớn và đặc biệt là có ảnh hưởng đến TP Hồ Chí Minh, buổi chiều trước giờ diễn mưa rất to.

Buổi chiều đêm diễn, đoàn cán bộ tỉnh nhà do ông Nguyễn Thanh Bình - Phó bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn vào tham dự đã đến thực tế tại Nhà hát Thành phố, chứng kiến việc tập dượt, trang trí phông màn, âm thanh, ánh sáng phải mang ra, mang vào với nhiều cuộc điện thoại của Ông Phan Xuân Biên đến Giám đốc Sở Văn hóa, lãnh đạo nhà hát để mong sao được dàn dựng đúng ý đạo diễn, nhưng cuối cùng cũng chỉ được một phần, 8 dàn đèn phải mang ra ngoài vì không đủ điện cung cấp, toàn bộ pháo bông phụ họa phải cắt vì sợ cháy nổ.

Chuyện ông Hà Văn Thạch - Phó Chủ tịch tỉnh vào chứng kiến tập dượt tại Nhà hát TPHCM, khi ra về gặp nhà báo Huy Đức có nói là vào đây tham dự và phát biểu tối nay qua sóng truyền hình của HTV không chỉ có bà con đồng hương mà có cả hàng triệu người xem. Ông Hà Văn Thạch đã có thêm thời gian để chuẩn bị để trả lời lưu loát trên truyền hình là dấu ấn mà mỗi khi nhắc lại vẫn cười và nói “may”, nhờ sự chân thành, thân quý của người đồng hương, và nếu suy nghĩ cuộc giao lưu đơn giản thì sẽ tắc tị trên sóng truyền hình. Trong thời gian chuẩn bị đêm nhạc, cá nhân chị Hồng Ánh với tư cách là Phó Chủ tịch Hội đồng hương phụ trách từ thiện là người nhiệt tình tham gia từ đầu, đã có ý tưởng thành lập quỹ Ngã Ba Đồng Lộc. Được sự ủy quyền của Ban chấp hành Hội đồng hương, chị Hồng Ánh về quê nhà gặp lãnh đạo tỉnh xin phép và được UBND tỉnh chấp thuận bằng văn bản cho phép Hội đồng hương thành lập quỹ từ thiện Ngã Ba Đồng Lộc. Văn bản chấp thuận được công bố trịnh trọng trong đêm nhạc. Quỹ từ thiện còn nhận được sự động viên khích lệ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thông qua thư gửi cho Hội đồng hương Hà Tĩnh.

Trước khi diễn ra đêm nhạc vào lúc 19h ngày 3/10/2006, ông Nguyễn Xuân Lam đến vừa bước vào cửa thì 2 nhân viên của nhà hát gặp mặt và yêu cầu vào văn phòng để làm việc. Tại văn phòng nhà hát, ông Nguyễn Xuân Lam phải ký một biên bản được lập sẵn là nếu có sự cố nào về cháy nổ trong đêm diễn thì ông Lam phải chịu trách nhiệm. Trên sân khấu có sông hồ, thác nước, mưa rơi và cả dàn đèn hoành tráng nên họ lo. Ông Lam ký ngay vì đâu còn chần chừ được nữa, khách đã vào hội trường, sự vui vẻ lộ trên mặt khách và bà con đồng hương, đâu còn gì để bàn cãi. Đặt bút ký xong rồi, ngồi xem mà lo và kể cả sau này khi nghĩ lại sao mình liều thế, nếu có sự cố thì ông Lam phải lãnh hết trách nhiệm. Đêm diễn an toàn, nhưng nếu có bất trắc xảy ra thì ông Lam cũng sẵn sàng, vì mình đã làm được một việc có ý nghĩa về quê nhà.

Đêm nhạc thành công ngoài sự mong đợi, lãnh đạo tỉnh, đoàn công tác, bà con vui, đây là dấu ấn đẹp của đồng hương Hà Tĩnh về Ngã ba Đồng Lộc. Để có thể đem Ngã ba Đồng Lộc vào TP. Hồ Chí Minh là nhờ sự góp sức, chung tay của cán bộ, nhân viên nhà in Scitech. Từ việc chuẩn bị, in, phát vé, đón tiếp khách… trước, trong và sau đêm nhạc.

Qua sự việc 3/10/2006 cho thấy, hội đồng hương có thể làm được nhiều việc có ý nghĩa, to hơn, nhiều hơn nếu mọi người khi tham gia vào đồng hương cùng chung tay, góp sức. Cũng cần nói thêm sự lan tỏa của đêm diễn là rất lớn, kết thúc chương trình có vị lãnh đạo của thành phố điện thoại cho anh Phan Xuân Biên nói chương trình quá hay mà sao ngắn quá. Họ không biết rằng, ý đạo diễn cần thời gian 2 giờ mới hết ý, nhưng vì truyền hình trực tiếp nên chỉ có 90 phút là quy định chung. Chưa hết, sáng hôm sau, theo lời anh Phan Xuân Biên kể lại là chị Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh khen ngợi, lâu rồi thành phố mới có chương trình hay và ý nghĩa. Anh Phan Xuân Biên khen chương trình đồng hương mà cụ thể là ông Nguyễn Xuân Lam làm, thực sự có tiếng vang, đáp ứng được sự mong đợi mà anh với trọng trách của mình đã có lời gửi gắm với Đài truyền hình Thành phố và Sở Văn hóa trước đêm diễn.

Chuyện trên ở lãnh đạo, còn chuyện tại chợ Bến Thành, ngay sáng hôm sau, chị Hòa một giáo viên ở Nghệ An vào dự có ra chợ Bến Thành nghe bà con tiểu thương hỏi thăm nhau, hôm qua có xem chương trình HTV9 không. Họ nói hôm qua Ngã ba Đồng lộc vào thành phố, nhiều chị em đã khóc và ấn tượng với sự bình thản của các chị, sự mộc mạc của anh hùng La Thị Tám, chị Nguyễn Thị Hường là nhân chứng giao lưu trên sân khấu. Họ xúc động với sự quả cảm và lạc quan của các chị, xem nhẹ cái chết trước đạn, bom. “Mỹ cứ thả pháo sáng cho rõ để chúng tao làm, có ném bom thì chưa chắc đã trúng, trúng sẽ bị thương, bị thương chưa chắc đã chết”.

Một phần nhỏ câu chuyện về Ngã ba Đồng Lộc, được Hội đồng hương Hà Tĩnh kể lại trực tiếp trên sóng truyền hình HTV9 nhân 38 năm chiến thắng Đồng Lộc.

Sự kiện diễn ra tại Nhà Hát TP Hồ Chí Minh lan tỏa câu chuyện Ngã ba Đồng Lộc, là sự tri ân có ý nghĩa với các anh hùng, liệt sĩ, bộ đội, thanh niên xung phong, các tầng lớp nhân dân đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.

Kính mời quý vị xem chương trình trên youtube: Đêm nhạc ngã ba Đồng Lộc – 38 năm (tại Nhà hát TPHCM)

Nguyễn Xuân Lam – Nguyên Chủ tịch Hội đồng Hương Hà Tĩnh tại TP. Hồ Chí Minh (ghi chép lại)

comment Bình luận

largeer