Lá lốt hỗ trợ điều trị gút và viêm da cơ địa

Lá lốt là vị thuốc quen thuộc, thường được dùng trong các bệnh về xương khớp, trong đó có bệnh gút (nhờ hoạt tính kháng khuẩn, giảm đau). Bên cạnh đó, lá lốt có chứa tinh dầu với tác dụng kháng khuẩn, chống viêm… vì vậy, nó cũng có hiệu quả nhất định đối với các bệnh viêm nhiễm, ngứa ngáy ngoài da, trong đó có viêm da cơ địa.
11/11/2024 18:06

Hai bài thuốc kết hợp từ lá lốt

Để mang lại hiệu quả điều trị cao, dân gian có cả bài thuốc dùng ngoài và uống trong từ lá lốt.

Dùng ngoài: Ngâm chân

Lá lốt là vị thuốc quen thuộc, thường được dùng trong các bệnh về xương khớp, trong đó có bệnh gút (nhờ hoạt tính kháng khuẩn, giảm đau).

Vì vậy, để giúp máu huyết lưu thông, giảm sưng viêm, đỏ đau (do gút), bạn có thể ngâm chân bằng nước lá lốt.

Cách thực hiện như sau:

- Hái một nắm lá lốt tươi (khoảng 30g, rửa sạch) và lấy một ít muối (1 muỗng muối hột hoặc muối ăn thường ngày).

- Đợi lá lốt ráo nước thì vò cho hơi giập, sau đó cho vào nồi cùng với muối, đổ 4 chén nước vào, nấu sôi và giữ sôi 5 phút.

- Tắt lửa, đổ nước ra thau và đợi cho nước bớt nóng (chỉ còn âm ấm) thì ngâm chân trong 15 phút (sau 15 phút thì nước cũng đã nguội).

- Lau khô chân là được.

lalot

(Ảnh minh họa: DMX)

Dùng trong: Nấu lấy nước uống

Bên cạnh việc giảm đau từ bên ngoài thì dân gian còn dùng lá lốt nấu lấy nước uống để mang lại hiệu quả cao hơn.

Cách dùng như sau:

- Hái 20g lá lốt tươi (nếu không có thì dùng 10g lá lốt khô).

- Rửa sạch bằng nước muối loãng rồi cho vào nồi, nấu cùng 2 chén nước, nấu cho đến khi nước rút còn 1 chén thì ngưng.

- Chắt nước ra, chia thành 2 lần uống trong ngày (sáng và chiều tối, uống sau bữa ăn 30 phút).

Lưu ý:

- Trong quá trình dùng thuốc, nếu thấy bệnh không thuyên giảm hoặc nặng hơn thì nên ngưng ngay.

- Chọn lá tươi, sạch, không bị phun thuốc.

Để hiệu quả điều trị được cao hơn, người bệnh gút nên ăn nhiều rau xanh và uống đủ nước để thúc đẩy bài tiết axit uric (mỗi lần uống một ít nước lã, tổng lượng nước mỗi ngày từ 1,5 – 2 lít là được). Ngoài ra, người bị gút cũng cần tránh bia rượu và thực phẩm nhiều axit uric như thịt, nội tạng động vật….

Lá lốt và bài thuốc điều trị viêm da cơ địa

Lá lốt có chứa tinh dầu với tác dụng kháng khuẩn, chống viêm…; Vì vậy, nó cũng có hiệu quả nhất định đối với các bệnh viêm nhiễm, ngứa ngáy ngoài da, trong đó có viêm da cơ địa (viêm da dạng nhẹ, không gây sốc và không có các biểu hiện nguy hiểm).

Cách dùng như sau:

Cách 1: Hái một nắm lá lốt tươi (chọn lá vừa phải, không quá già cũng không quá non), rửa sạch rồi nấu cùng 3 lít nước, đợi nước sôi 10 phút thì đổ nước ấy ra thau và để nguội rồi tắm (hoặc hòa thêm nước cho nước lá lốt bớt nóng rồi tắm). Để mang lại hiệu quả cao hơn, bạn nên tắm chậm từ từ (khoảng 15 – 30 phút) và lấy xác lá lốt chà nhẹ lên chỗ bị viêm da cơ địa. Sau khi tắm, bạn xối lại bằng nước sạch rồi lau khô là được (mỗi ngày 1 lần).

Cách 2: Với trường hợp bị dị ứng hoặc viêm da ở một phạm vi nhỏ trên cơ thể thì bạn có thể đắp trực tiếp lá lốt. Cách đắp như sau: Hái một ít lá lốt, rửa sạch, giã nát cùng một ít muối rồi đắp lên (thoa lên) da, sau đó lấy miếng vải buộc nhẹ để thuốc không bị rơi rớt. Sau 20 phút, bạn gỡ ra và rửa lại với nước (mỗi ngày 1 lần).

Và để hiệu quả điều trị viêm da cơ địa được cao hơn, bạn nên kết hợp thuốc uống: Lấy 30g lá lốt tươi, rửa sạch rồi để ráo và cho vào chảo, sao lên cho lá săn lại. Sau đó, bạn cho lá lốt vào nồi, đổ 2 chén nước vào, nấu sôi rồi giữ sôi 10 phút bằng lửa nhỏ và chắt ra, chia thành nhiều lần uống trong ngày.

Ghi chú: Sau 2 ngày, nếu không thấy thuyên giảm thì bạn đến bệnh viện để chẩn đoán thêm.

Lưu ý: Lá lốt có tính ấm, vì vậy, những người bị đau bao tử, táo bón, nóng nhiệt… không nên dùng.

Theo Caythuoc.org

comment Bình luận

largeer