Lá nhót tây điều trị viêm phế quản mạn tính và cảm sốt

Quả nhót tây có thể ăn được nhưng bộ phận dùng làm thuốc của cây lại là lá cây. Lá này có thể hái quanh năm nhưng phải lưu ý lau sạch lông bên dưới lá rồi phơi khô, sau đó mới dùng làm thuốc.
15/05/2023 16:31

Vài nét về cây nhót tây

Cây nhót tây (Eriobotrya japonica) hay còn gọi là cây lô quất, cây tỳ bà, sơn trà Nhật Bản (khác với một loài cây khác cũng được gọi là sơn trà Nhật Bản, có hoa màu đỏ rất đẹp).

Loài này thuộc dạng thân gỗ lâu năm nhưng tương đối lùn (thường chỉ cao khoảng 4m), mọc nhiều nhánh nên tạo thành tán um tùm. Lá nhót tây dày và có lông mềm ở mặt dưới. Hoa của cây có màu trắng và quả có màu vàng, có nhiều lông tơ như quả mơ vậy.

Ở nước ta, cây nhót tây được trồng ở nhiều tỉnh từ Bắc tới Nam để thu lấy quả (nhưng không phổ biến như các loại cây ăn quả khác).

Lá nhót tây điều trị viêm phế quản mạn tính và cảm sốt. Ảnh: Caythuoc.org

Lá nhót tây điều trị viêm phế quản mạn tính và cảm sốt. Ảnh: Caythuoc.org

Quả nhót tây có chứa các chất dinh dưỡng nào?

Quả nhót tây có thể ăn được và có vị dịu, quả xanh rất chua còn quả chín thì vừa chua vừa ngọt. Theo thông tin từ trang wikipedia thì quả nhót tây cung cấp 47 kcal/100 g quả tươi. Trong đó, các chất dinh dưỡng có thể kể đến là đường (12,4g), chất xơ (1,7g), chất đạm (0,4g), chất béo (0,2g).

Ngoài ra, trong quả còn chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất mặc dù hàm lượng của các chất này không cao (như vitamin A, B1, B2, B3, B6, B9, C, Can xi, Sắt, Phốt pho, Man gan, Ka li, Ma giê, Kẽm…).

Được biết, ở Ấn Độ, quả nhót tây được dùng để giải khát, giải nhiệt và giảm nôn).

Tỳ bà diệp (lá nhót tây) có công dụng gì?

Quả nhót tây có thể ăn được nhưng bộ phận dùng làm thuốc của cây lại là lá cây (với tên gọi trong Đông y là “tỳ bà diệp”). Lá này bạn có thể hái quanh năm nhưng phải lưu ý lau sạch lông bên dưới lá rồi phơi khô, sau đó mới dùng làm thuốc.

Sở dĩ tỳ bà diệp có thể dùng làm thuốc là vì nó có chứa vitamin B, vitamin C, acid oleanolic, acid ursolic, d-sorbitol… và nhiều chất khác.

Theo y học cổ truyền, tỳ bà diệp có vị đắng, tính hơi hàn nên có thể trừ nhiệt, làm mát phổi, giảm ho do phổi nhiệt. Vì thế, vị thuốc này thường được dùng điều trị các chứng như: Cảm sốt, miệng khát, nôn khan; Nôn mửa khi có thai; Chảy máu cam; Tiêu chảy; Ho và suyễn khó thở (có đờm); Viêm phế quản mạn tính.

Liều lượng: Mỗi ngày dùng từ 10 – 20g tỳ bà diệp, sắc lấy nước uống. Ngoài ra, khi bị vết thương ngoài da, bạn cũng có thể lấy tỳ bà diệp sắc lấy nước rồi rửa vết thương.

Ngoài ra, với trường hợp chảy máu cam thì ta dùng có thể dùng tỳ bà diệp như sau: Lấy 20g tỳ bà diệp (đã lau sạch lông), cho vào chảo và sao vàng rồi xay nát, sau đó chia thành nhiều lần uống, mỗi lần uống 4g, ngày uống hai lần và uống bằng nước trà.

Các nghiên cứu về hạt và lá nhót tây

Hoạt tính chống ung thư: Theo tạp chí Journal of Agricutural and Food Chemistry, kết quả nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy lá nhót tây có một số hoạt chất giúp chống lại các tế bào ung thư.

Hoạt tính hạ đường huyết: Theo tạp chí Bioscience, Biotechnology, and Biochemistry, kết quả nghiên cứu trên chuột tiểu đường type 2 cho thấy hạt nhót tây có một số hoạt chất giúp hạ đường huyết (chiết xuất ethanol).

Hoạt tính chống oxy hóa: Theo tạp chí International Journal of Molecular Sciences, trong hoa nhót tây có một số hoạt chất có tác dụng chống oxy hóa đáng kể.

Hoạt tính: Theo tạp chí Biological and Pharmaceutical Bulletin, chiết xuất từ hạt nhót tây có tác dụng ức chế rối loạn gan và chống oxy hóa đáng kể, giúp giảm tác dụng phụ của thuốc kháng sinh Adriamycin.

Theo Caythuoc.org

comment Bình luận

largeer