Lai Châu chuẩn bị cho Nhân dân đón Tết an lành, mạnh khỏe, vui tươi, phấn khởi, không để ai bị bỏ lại phía sau

UBND tỉnh Lai Châu ban hành công văn số 213/UBND-VX về việc thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 Phiên họp thứ 19.
19/01/2023 17:55

Công văn nêu rõ: Theo nhận định, đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch COVID-19 dự báo vẫn còn diễn biến khó lường trong thời gian tới; giai đoạn khẩn cấp của đại dịch hiện vẫn chưa kết thúc; các biến thể mới có khả năng vẫn xuất hiện, có thể làm dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại. Thực hiện Thông báo số 07/TB-VPCP ngày 12/01/2023 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại Phiên họp thứ 19 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trực tuyến với các địa phương; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện tốt các nội dung theo Thông báo kết luận và tập trung một số nhiệm vụ sau:

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

1. Các sở, ban, ngành, địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm các quan điểm: Đặt tính mạng, sức khỏe của Nhân dân lên trên hết, trước hết; chuẩn bị cho Nhân dân đón Tết an lành, mạnh khỏe, vui tươi, phấn khởi, không để ai bị bỏ lại phía sau;  Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước dịch bệnh, tiếp tục thực hiện thông điệp “2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác”, trong đó đặc biệt coi trọng việc tiêm vắc xin và ý thức người dân; Chú trọng, đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh.

- Triển khai thực hiện và tham mưu cấp có thẩm quyền thực hiện nghiêm Quy chế làm việc của Chính phủ thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao; nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động giải quyết công việc theo thẩm quyền; rà soát các vướng mắc, điểm yếu trong quản lý, chỉ đạo, điều hành để kịp thời điều chỉnh, phù hợp với thực tiễn.

- Tập trung lực lượng, đề cao cảnh giác, không để dịch chồng dịch trong dịp Tết Nguyên đán và trong quá trình phòng chống dịch bệnh, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân. Thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm để hạn chế lây lan dịch bệnh, tăng cường kiểm tra, giám sát. Bảo đảm an sinh xã hội trong dịp Tết Nguyên đán. Các cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra, rà soát, khẩn trương thanh toán kịp thời chế độ cho các đối tượng tham gia phòng, chống dịch bảo đảm đúng quy định. Chủ động nắm tình hình, quan tâm người có công, người yếu thế, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… và đề xuất giải pháp để bảo đảm mọi người dân đều có Tết, không để ai bị bỏ lại phía sau.

2. Sở Y tế theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của dịch COVID-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ các địa phương trong phòng chống dịch. Đồng thời, tăng cường phòng chống các dịch bệnh lưu hành, bệnh mới nổi khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm, đậu mùa khỉ... nhất là trong dịp Tết Nguyên đán năm 2023. Chuẩn bị sẵn sàng không để thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ người bệnh.

Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan tăng cường triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các nhóm đối tượng, đặc biệt là trẻ em, các đối tượng rủi ro cao, người có bệnh nền, chú trọng các địa bàn đông dân cư…Ban Chỉ đạo cấp huyện, cấp xã và cấp ủy chính quyền giao chỉ tiêu theo phân bổ của Sở Y tế, gắn trách nhiệm cá nhân trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là công tác tiêm chủng; nếu để xảy ra hậu quả dịch bệnh thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

3. Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế, các cơ quan báo chí, các địa phương, đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, bảo đảm thuyết phục, hiệu quả trên cơ sở số liệu và thực tiễn phòng, chống dịch, góp phần nâng cao ý thức người dân trong phòng, chống dịch. Đẩy mạnh thông tin về tác dụng, hiệu quả của vaccine trong ngăn ngừa bệnh nặng, tử vong; khuyến khích, vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, nhất là các bậc cha mẹ có con trong độ tuổi từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi; tuyệt đối không chủ quan, lơ là với dịch COVID-19. Khuyến cáo, khuyến khích đeo khẩu trang, khử khuẩn nơi đông người trong dịp Tết Nguyên đán, Lễ hội Xuân để phòng ngừa, hạn chế lây nhiễm dịch COVID-19 và các loại dịch bệnh khác.

4. Sở Y tế, UBND các huyện, thành phố và các sở, ngành liên quan tập trung chỉ đạo, kiểm tra thực hiện việc chuẩn bị sẵn sàng các phương án, điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác tại các cơ sở y tế trong dịp Tết Nguyên đán. Tập trung tổ chức lực lượng, phương tiện ứng trực, theo dõi, giám sát diễn biến dịch và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh; thực hiện tốt việc chăm lo, động viên vật chất, tinh thần đối với lực lượng trực chống dịch.

5. Sở Y tế, Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị phục vụ tốt, hiệu quả nội dung báo cáo và hoạt động giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh về quản lý nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 để rút ra các bài học, kinh nghiệm trong thời gian tới.

Thu Trang

comment Bình luận

largeer