Lai Châu tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống rét đậm, rét hại, hạn hán, thiếu nước

Ngày 24/1, UBND tỉnh Lai Châu ban hành công văn số 325/UBND-KTN về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống rét đậm, rét hại; hạn hán, thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
25/01/2024 15:38

Công văn nêu rõ: Theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh, trong những ngày tới các tỉnh vùng núi Bắc Bộ tiếp tục xảy ra rét đậm, rét hại; vùng núi cao có khả năng xảy ra băng giá, mưa tuyết, gây tác động xấu cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 04/CĐ-TTg ngày 15/1/2024 về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 602/BNN-CN ngày 19/1/2024 về việc tăng cường công tác phòng chống đói, rét cho vật nuôi và Chỉ thị số 661/CT-BNN-TL ngày 23/1/2024 về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2023- 2024, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn số 4779/UBND-KTN ngày 8/12/2023 về việc chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại và tình trạng hạn hán, thiếu nước trong thời gian tới; số 5104/UBND-KTN ngày 28/12/2023 về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp ứng phó với rét đậm, rét hại trên địa bàn tỉnh, đồng thời thực hiện một số nội dung sau:

laichau

(Ảnh minh họa: Laichau.gov)

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

Phân công trách nhiệm cụ thể cho từng phòng, ban chuyên môn và chính quyền cơ sở trong việc tuyên truyền và vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống rét đậm, rét hại cho cây trồng, vật nuôi và thủy sản theo hướng dẫn của Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Quyết định số 458/QĐ-CN-MTCN ngày 8/12/2022 và hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong đó, tập trung một số nội dung: Hướng dẫn người dân thu gom, dự trữ thức ăn; xây dựng, tu sửa, củng cố, che chắn chuồng trại; chuẩn bị các nguồn nhiệt (than, củi, trấu...) để sưởi ấm cho trâu, bò khi thời tiết rét đậm; đưa trâu, bò về nuôi nhốt khi thời tiết giá rét kéo dài, nhiệt độ dưới 12 độ C; thu hoạch các loại cá thương phẩm, nhằm giảm thiểu thiệt hại do rét đậm, rét hại; che phủ nilon cho mạ đúng kỹ thuật, không gieo cấy, chăm sóc lúa khi nhiệt độ dưới 15 độ C,...

Thường xuyên cập nhật diễn biến của thời tiết, khí hậu, đặc biệt là các đợt rét đậm, rét hại để thông tin kịp thời cho người dân biết, chủ động các biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi và thủy sản. Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nhằm phát hiện sớm các ổ dịch, kịp thời xử lý trong diện hẹp không để lây lan ra diện rộng. 

Thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống rét tại các xã, thị trấn; tổ chức kiểm tra, xác minh, thống kê thiệt hại (nếu có) báo cáo kịp thời về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). 

Thường xuyên kiểm tra nguồn nước trong các công trình thủy lợi, tăng cường nạo vét hệ thống kênh mương; thực hiện tiết kiệm nước, có kế hoạch phân phối, điều chỉnh nguồn nước hợp lý từ đầu vụ sản xuất, đảm bảo cung ứng đầy đủ cho các nhu cầu thiết yếu và sản xuất nông nghiệp; bố trí cơ cấu sản xuất phù hợp với khả năng nguồn nước để thuận lợi cho việc điều tiết nước. 

Phối hợp với các sở, ngành có liên quan kiểm tra việc vận hành hồ chứa của các nhà máy thủy điện trên địa bàn đảm bảo đúng quy trình, ưu tiên cấp nước phục vụ cho hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân. 

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nếu để xảy ra tình trạng cây trồng, vật nuôi, thủy sản bị thiệt hại do chủ quan, lơ là hoặc chỉ đạo triển khai thực hiện chưa nghiêm túc, thiếu quyết liệt.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống rét đậm, rét hại cho cây trồng, vật nuôi và thủy sản; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh; kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. 

Kiểm tra việc chỉ đạo, triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi và thủy sản của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố. Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, phối hợp với các cơ quan truyền thông, kịp thời thông tin, cảnh báo đến Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, người dân khi có dự báo xảy ra đợt rét. Đề xuất, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh các biện pháp xử lý kịp thời khi thời tiết có diễn biến bất thường, dịch bệnh xảy ra. Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình triển khai thực hiện công tác phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản của các huyện, thành phố. 

Khẩn trương rà soát, đánh giá thực trạng công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt trên địa bàn toàn tỉnh; hướng dẫn các địa phương bố trí cơ cấu cây trồng, thời vụ phù hợp với điều kiện nguồn nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng kịp thời đối với các diện tích thiếu nước.

Sở Công Thương 

Chỉ đạo các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh vận hành hồ chứa theo đúng quy trình, ưu tiên cấp nước phục vụ cho hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân vùng hạ du. 

Sở Thông tin và Truyền thông 

Chỉ đạo các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh, hệ thống thông tin cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, kịp thời đưa tin về tình hình thời tiết, dịch bệnh và các biện pháp kỹ thuật về phòng, chống rét đậm, rét hại, hạn hán, thiếu nước để người dân biết và chủ động thực hiện. 

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể 

Tăng cường phối hợp với các sở, ngành liên quan chỉ đạo các đơn vị, tổ chức trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, quán triệt đến hội viên và người dân tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống rét đậm, rét hại, hạn hán, thiếu nước đảm bảo hiệu quả. 

Công ty TNHH MTV quản lý thủy nông Lai Châu 

Chủ động sửa chữa, nâng cấp các công trình bằng nguồn vốn được cấp hàng năm, tăng cường nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đảm bảo đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu vào các thời kỳ nhạy cảm về nước của cây trồng, đặc biệt là cây trồng có giá trị kinh tế cao. 

Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tình hình nguồn nước nhằm chủ động xử lý tình huống, kịp thời điều chỉnh kế hoạch cấp nước khi nguồn nước thay đổi phục vụ tốt yêu cầu của sản xuất và đời sống nhân dân; thường xuyên báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tình hình thực hiện.

Thu Hoài

comment Bình luận

largeer