Lài sơn giúp mạnh gân cốt, điều trị bán thân bất toại

Cây lài sơn (lá khôi trắng) ít gặp ở miền Nam nhưng ở một số tỉnh miền Bắc như Nghệ An, Huế, Ninh Bình… thì lại khá quen thuộc. Mặc dù không phải cây thuốc thông dụng nhưng những công dụng của cây lài sơn thì lại đáng ghi nhận, đặc biệt là trong điều trị các bệnh về xương khớp và máu huyết.
29/08/2024 16:53

Vài nét về cây lài sơn (lá khôi trắng)

Cây lài sơn (khôi trắng) có tên khoa học là Ardisia gigantifolia, thuộc họ Đơn nem.

Cây này thuộc dạng thân gỗ bụi (như nhài, dành dành, bông trang…). Nhìn chung, bụi cây thường cao dưới 5m và có các đặc điểm nhận dạng như: Các cành non có lông ngắn. Phiến lá to, bầu bầu, thon dài và có thể rộng đến 12cm, mép lá có răng nhọn và có từ 12 – 16 đôi gân lá. Cánh hoa màu hồng. Quả tròn, nhỏ, tầm 0,5 cm.

laison

Cây lài sơn (lá khôi trắng) (Ảnh: Caythuoc.org)

Cây lài sơn (khôi trắng) điều trị bệnh gì?

Với cây lài sơn thì người ta dùng rễ, lá hoặc toàn cây tùy vào mục đích điều trị bệnh.

Theo công trình Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 1, thì toàn cây lài sơn có các công dụng như:

- Vị đắng nhẹ, hơi cay, tính ấm.

- Giúp khư phong trừ thấp.

- Giúp hoạt huyết, hành huyết, tán ứ.

- Giúp mạnh gân cốt, dùng cho trường hợp phụ nữ sinh nở xong bị liệt.

- Giúp tiêu thũng, giảm đau.

- Điều trị phong thấp, đau nhức xương khớp.

- Điều trị bán thân bất toại.

- Điều trị ứ huyết sưng đau (tụ máu bầm) do tổn thương phần mềm, do đòn ngã.

Cách dùng: Lấy 12 – 30 toàn cây (có cả rễ), rửa sạch, cắt nhỏ rồi nấu lấy nước uống cho đến khi khỏi bệnh.

Với lá cây khôi trắng, dân gian thường dùng tươi để điều trị lở loét ngoài da, mụn nhọt sưng đau, mụn loét ở chân và dùng đắp ngoài da khi bị tụ máu bầm trên da (kết hợp với thuốc uống vừa kể trên nếu bị tụ máu bầm trong cơ thể). Với trường hợp bị té ngã, tụ máu bầm nặng, gây lói, khó thở, đau tức ngực… thì bạn nên đi khám bệnh, sau đó dùng các thuốc giúp tan máu bầm theo chỉ định của bác sĩ.

Lưu ý: Phụ nữ mang thai không được dùng.

Các nghiên cứu về cây lài sơn (khôi trắng)

Nhìn chung, các công trình nghiên cứu về dược tính của cây lài sơn chủ yếu tập trung ở tiềm năng điều trị ung thư của nó. Có thể kể ra các kết quả sau đây:

Về tác dụng chống ung thư: Theo Tạp chí Planta Medica, trong thân rễ cây lài sơn có chứa một số saponin có tác dụng chống lại 4 dòng tế bào ung thư ở người, đó là: ung thư cổ tử cung ở người (dòng Hela), ung thư bàng quang ở người (dòng EJ), ung thư gan (dòng HepG-2) và ung thư biểu mô dạ dày (dòng BCG). Bên cạnh đó, theo Tạp chí Journal of Natural Medicines thì AG36 (một saponin triterpenoid) được phân lập từ cây lài sơn cũng có tác dụng chống lại tế bào ung thư trong ống nghiệm và cả trên thực nghiệm.

Về tác dụng chống lao: Theo Tạp chí Chemical Biology & Drug Design, chiết xuất CHCl 3 của lá và thân cây lài sơn có chứa hai chất giúp chống lại vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis.

Về tác dụng chống viêm và giảm đau: Kết quả nghiên cứu trên chuột thí nghiệm cho thấy trong cây lài sơn có chứa một số hoạt chất giúp giảm viêm và giảm đau đáng kể. Không chỉ thế, theo Tạp chí Natural product research and development, cây lài sơn còn chứa nhiều hoạt chất giúp chống viêm, chống oxy hóa, chống ung thư, chống huyết khối… (như phenols, sterols, coumarins, volatile oil…).

Vì vậy, có thể thấy đây là cây thuốc tiềm năng trong tương lai. Hiển nhiên, chúng ta vẫn cần nhiều công trình nghiên cứu thực nghiệm chuyên sâu trước khi ứng dụng các tiềm năng này.

Theo Caythuoc.org

comment Bình luận

largeer