Lâm Đồng yêu cầu tăng cường các giải pháp quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng

Ngày 25/3, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan tăng cường các giải pháp quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) trong thời gian cao điểm mùa khô.
26/03/2024 17:17

Theo đó, UBND tỉnh nhấn mạnh, trong Quý I/2024, công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Cụ thể, các lực lượng chức năng trên toàn tỉnh đã phát hiện 27 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp (23 vụ đã xác định đối tượng vi phạm, chiếm 85,2% và 04 vụ chưa xác định được đối tượng vi phạm, chiếm 14,8%); diện tích thiệt hại do phá rừng 2,14 ha; khối lượng lâm sản thiệt hại (02 hành vi) là 64,7 m3, tang vật vi phạm 27,1 m3 gỗ tròn. Tổng số vụ vi phạm đã xử lý 19 vụ; trong đó: Xử lý hành chính 15 vụ, chuyển xử lý hình sự 04 vụ; tịch thu 48,6 m3 gỗ tròn/gỗ xẻ các loại; thu nộp ngân sách hơn 164 triệu đồng. 

So sánh với cùng kỳ năm 2023 (Quý I/2023), số vụ vi phạm giảm 20 vụ (giảm 43%); diện tích thiệt hại do phá rừng giảm 4,42 ha (giảm 67%), lâm sản thiệt hại giảm 81,1 m3 (giảm 56%).

ld

(Ảnh: Báo Lâm Đồng)

Tuy nhiên, tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật vẫn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu các sở ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các khu vực trọng điểm phá rừng, khai thác rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp trái pháp luật. Đấu tranh, truy quét các “đầu nậu” mua bán, vận chuyển, tàng trữ gỗ, động vật rừng, các loại lâm sản trái pháp luật. Quản lý chặt chẽ, kiểm tra các cơ sở chế biến gỗ, nhất là cơ sở sử dụng gỗ rừng tự nhiên và xử lý nghiêm minh, đúng quy định pháp luật các đối tượng vi phạm.

Về công tác PCCCR, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp, giải pháp theo phương án phòng cháy đã được phê duyệt. Yêu cầu các sở, ngành và địa phương cần có các phương án bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần theo phương châm 4 tại chỗ; Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo đảm bảo đầy đủ, chính xác, kịp thời; Khi xảy ra cháy rừng chỉ đạo điều tra, xác định nguyên nhân và đối tượng gây ra cháy rừng để xử lý nghiêm theo quy định.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao trong công tác PCCCR. Sử dụng Flycam để tuần tra, kiểm tra; Camera tầm cao để sớm phát hiện các điểm cháy/đám cháy; Bố trí cán bộ kiểm lâm trực tại các trung tâm điều hành thông minh (IOC) của các huyện, thành phố; Phân công, bố trí lực lượng thường trực để phối hợp, hỗ trợ, tham gia chữa cháy rừng.

UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành và các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc văn bản này để bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đăng Khải

comment Bình luận

largeer