Làm gì để phòng ngừa bệnh thận mãn tính?

Trước khi có nghiên cứu chỉ ra nguy cơ mắc bệnh thận mãn tính vì ô nhiễm không khí, giới nghiên cứu từ lâu đã chứng thực thận rất dễ tổn thương bởi rất nhiều yếu tố, do đó cần được chăm sóc và bảo vệ tốt.
09/01/2023 17:38

Theo các chuyên gia, thận là một trong những cơ quan thiết yếu và chịu trách nhiệm lọc, đào thải chất độc, chất thải ra khỏi cơ thể. Không chỉ dễ bị tác động xấu do nhiễm vi khuẩn hoặc virus, thuốc, độc tố từ thực phẩm và môi trường (chì, thủy ngân và cadmium), thận còn có nguy cơ bị tổn thương vĩnh viễn bởi một số bệnh, như tiểu đường và cao huyết áp, chiếm khoảng 2/3 trường hợp.

Các yếu tố khác dẫn đến bệnh thận mãn tính bao gồm béo phì, hút thuốc, mỡ trong máu (cholesterol) cao, tiền sử gia đình mắc bệnh thận và tuổi già. Một số nghiên cứu cho thấy phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh thận mãn tính cao hơn nam giới (trung bình 14% so với 12%). Và những người bị bệnh này có nguy cơ tử vong do tim mạch cao gấp 8 lần.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Những dấu hiệu mắc bệnh thận bao gồm nước tiểu lẫn máu, tăng hoặc giảm tần suất đi tiểu, sưng chân hoặc mắt cá chân, cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức, mất ngủ hoặc khó ngủ, da khô và ngứa, buồn nôn… Triệu chứng bệnh thận mãn tính không đặc hiệu và phát triển theo thời gian nếu tổn thương thận tiến triển chậm, nhiều người thậm chí không có triệu chứng cho đến khi nó trở nặng.

Vậy chúng ta cần làm gì để giữ cho thận khỏe mạnh? Theo các chuyên gia, áp dụng 6 “bí quyết” đơn giản sau đây có thể giúp bạn ngăn ngừa hoặc giảm nguy cơ mắc bệnh thận:

Cung cấp đủ nước cho cơ thể. Bổ sung nước đầy đủ (từ đồ ăn, thức uống) vừa tốt cho sức khỏe tổng thể vừa giúp thận hoạt động trơn tru. Cơ thể đủ nước hỗ trợ thận đào thải lượng muối dư thừa, urê và các độc tố ra khỏi cơ thể. Những người bị sỏi thận nên uống 2-3 lít nước mỗi ngày để giảm nguy cơ hình thành sỏi mới.

Chú ý dinh dưỡng. Ưu tiên ăn nhiều trái cây và rau củ tươi cũng như ngũ cốc nguyên hạt, nhưng cắt giảm thực phẩm mặn, béo. Điều này giúp giảm gánh nặng cho thận, đồng thời làm giảm huyết áp và kiểm soát cân nặng.

Sử dụng quá mức một số loại vitamin và chiết xuất thảo dược có thể gây hại cho thận. Do đó, luôn hỏi bác sĩ nếu bạn có kế hoạch bổ sung bất kỳ vitamin và thảo dược nào.

Kiểm soát cân nặng. Thừa cân hoặc béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và huyết áp cao, hai nguyên nhân chính dẫn tới bệnh thận và suy thận. Do đó, hãy duy trì tập thể dục như thói quen hằng ngày để giữ dáng và duy trì cân nặng khỏe mạnh (đi bộ, chạy bộ, đạp xe hoặc bơi lội khoảng 150 phút/tuần).

Tránh xa thuốc lá và đồ uống có cồn. Cả hút thuốc và uống rượu đều làm tăng huyết áp - yếu tố nguy cơ chính dẫn tới bệnh thận. Nếu bạn đang hút thuốc, hãy từng bước từ bỏ thói quen này càng sớm càng tốt.

Theo dõi kỹ huyết áp. Kiểm tra huyết áp thường xuyên rất quan trọng vì huyết áp cao, nếu không được kiểm soát, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận, đột quỵ và các vấn đề về tim.

Xét nghiệm chức năng thận thường xuyên. Mọi người nên kiểm tra chức năng thận thường xuyên, đặc biệt là những người có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ cao như mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp, béo phì, tiền sử gia đình mắc bệnh thận.

Theo Science Daily

comment Bình luận

largeer