Làm thế nào để hạn chế tối đa sốc phản vệ khi tiêm vắc xin?

Theo thông tin báo chí, Việt Nam vừa có một ca sốc phản vệ là nữ nhân viên y tế 35 tuổi sau khi tiêm vắc xin COVID-19 của AstraZeneca và đã qua đời một ngày sau đó! Cho đến nay, Việt Nam đã thực hiện tiêm ngừa loại vắc xin này cho khoảng 750 nghìn nhân viên y tế và đây là trường hợp chết người đầu tiên. Vậy chúng ta nên nhìn nhận sự việc này như thế nào?
08/05/2021 09:54

Hiện nay, Anh là nước có nhiều người nhất đã tiêm vắc xin COVID-19 của hãng AstraZeneca. Dựa trên số liệu từ ngày 9/12/2020 cho đến ngày 28/4/2021 vừa rồi thì ở Anh đã có 22,6 triệu người được tiêm liều đầu tiên và 5,9 triệu người được tiêm liều thứ 2 của vắc xin này. Họ ghi nhận có 590 trường hợp sốc phản vệ xảy ra, tức tỉ lệ này khoảng 26 người trên mỗi 1 triệu người nếu chỉ tính trên số lượng người đã tiêm liều thứ nhất. Tỉ lệ này ở vaccine COVID-19 của Pfizer-BioNTech là 5 trên 1 triệu và của Moderna là khoảng 3 trên 1 triệu.

Sốc phản vệ (anaphylaxis) là gì và tại sao lại xảy ra sau khi tiêm vắc xin?

Anaphylaxis (An-a-fi-LAK-sis), hay trong tiếng Việt được gọi là sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng, nó thường làm cho hệ thống miễn dịch của bạn giải phóng một lượng lớn các chất hóa học (thường là histamine) trong thời gian ngắn khiến bạn bị sốc - huyết áp giảm đột ngột, đường thở thu hẹp, gây khó thở, chóng mặt, ói, ngất, có thể đe dọa tính mạng. Nó có thể xảy ra trong vài giây hoặc vài phút sau khi bạn tiếp xúc với thứ mà bạn bị dị ứng. Những thứ đó có thể là phấn hoa, đậu phộng, lông mèo, nọc độc côn trùng,… và cả những thành phần trong vắc xin.

vaccine_Astra-1615776024385

Các thành phần được sử dụng trong vắc xin hầu như được kiểm tra ở giai đoạn nghiên cứu lâm sàng rất kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn cho người dùng. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một tỉ lệ rất nhỏ một số người sẽ bị dị ứng với các thành phần này và một tỉ lệ hiếm sẽ bị nặng hơn là sốc phản vệ. Các thành phần trong vắc xin có thể gây dị ứng bao gồm các kháng nguyên, protein động vật còn sót lại, chất kháng khuẩn, chất bảo quản, chất ổn định hoặc các thành phần khác.

Làm thế nào để hạn chế tối đa sốc phản vệ khi tiêm vắc xin?

- Do sốc phản vệ thường xảy ra nhanh sau khi tiếp xúc với chất gây dị ứng nên việc bố trí một phòng chờ ngay bên cạnh nơi tiêm vắc xin là cần thiết. Người sau khi được tiêm vắc xin sẽ được ngồi nghỉ ngơi ở trong phòng này trong vòng 15-30 phút và có nhân viên y tế quan sát. Nếu có hiện tượng sốc phản vệ xảy ra thì sẽ được xử lý kịp thời.

- Nếu người nào đã có biểu hiện sốc phản vệ sau khi tiêm liều đầu tiên sẽ được khuyên không nên tiêm liều thứ 2.

Làm gì khi bị sốc phản vệ?

Cần gọi xe cứu thương và đưa đi cấp cứu ngay vì đây là trường hợp nguy hiểm và cần được hỗ trợ y tế bởi nhân viên y tế chuyên nghiệp càng sớm càng tốt. Trong trường hợp ngừng thở hoặc tim ngừng đập có thể cần được hồi sức tim phổi (CPR). Một số loại thuốc có thể cần phải dùng ngay lúc đó như: Epinephrine (adrenaline) giúp giảm sự giãn của mạch máu gây ra bởi sốc phản vệ để đưa huyết áp lên trở lại, thuốc chứa thành phần kháng histamine và cortisone tiêm tĩnh mạch (IV) để giảm viêm đường dẫn khí và cải thiện hô hấp,…

Tóm lại, sốc phản vệ là trường hợp nguy hiểm, hiếm gặp, có thể xảy ra trong việc tiêm vắc xin nói chung và vắc xin COVID-19 nói riêng. Trong trường hợp vắc xin của AstraZeneca, dựa trên các số liệu khoa học cho đến nay, ngoài nguy cơ đông máu hiếm gặp thì nguy cơ sốc phản vệ (cả 2 có tỉ lệ khoảng 20 người trên 1 triệu người) cần được quan tâm. Tuy các tỉ lệ này được coi là rất thấp, lợi ích của việc tiêm vắc xin vẫn hơn rất nhiều so với nguy cơ mắc bệnh COVID-19 trong cộng đồng nên vắc xin của AstraZeneca vẫn đang được chấp nhận sử dụng ở nhiều nước trên thế giới. Để hạn chế tối đa các trường hợp đáng tiếc này, các cơ quan tiêm vắc xin nên có những kế hoạch sàng lọc người dễ bị dị ứng (loại ra những người có dị ứng nặng, đặc biệt dị ứng các thành phần có trong vắc xin, kéo dài thời gian quan sát y tế cho những người có tiền sử dị ứng nhẹ sau khi tiêm) và có những kế hoạch cấp cứu kịp thời cho những ca sốc phản vệ hoặc đông máu nếu xảy ra.

* Theo chia sẻ của TS. Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA; Cố vấn khoa học Ruy băng tím.

Hoàng Quyên

comment Bình luận

largeer