Lầm tưởng chỉ cần không hút thuốc lá trước mặt bé sẽ không gây nguy hiểm

Nhiều người có suy nghĩ chỉ cần không hút thuốc lá trực tiếp trước mặt bé thì sẽ không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe của trẻ. Nhưng đây là một suy nghĩ sai lầm của các bậc cha mẹ có thể đẩy bé cận kề nguy hiểm.
22/03/2021 14:16

Hơn 70 hóa chất có hại trong thuốc lá

Thuốc lá vô cùng độc hại đối với sức khỏe con người. Nhưng hiện nay, nhiều người vẫn hút thuốc lá và đây trở thành một thói quen khó bỏ. Theo nghiên cứu của WHO, khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất, trong đó có khoảng 70 hóa chất trong số này gây bệnh ung thư. 

Một số hóa chất như: Nicotine - chất gây nghiện, hắc ín là thành phần phụ nguy hiểm nhất của thuốc lá gây ung thư. Benzene là một chất sinh ung thư được tìm thấy trong khói của dầu khí hay trong thuốc trừ sâu bọ. Amonia, một chất được sử dụng trong thuốc kích thích tăng trưởng và trong các sản phẩm tẩy rửa. Formaldehyde là dung dịch dùng trong ướp xác. Chất này kích thích mũi, họng và mắt của người hút thuốc khi hít phải khói thuốc lá. Polycilic Acromatic Hydrocarbon (PAH) là một chất gây ung thư tìm thấy trong dầu Diezene và các sản phẩm đốt cháy khác.

hut thuoc

Hình minh họa.

Hút thuốc lá không những gây hại cho người hút mà còn ảnh hưởng tới mọi người xung quanh. 

Theo một con số thống kê, mỗi năm trên thế giới có khoảng 7 triệu người chết do hút thuốc lá và hơn 900.000 người chết do hít phải khói thuốc lá thụ động. Đáng chú ý, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Dự báo đến năm 2030, con số này có thể tăng lên tới 70.000 người/năm.

Số liệu của Bộ Y tế cũng cho biết, Việt Nam đang nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới với khoảng 15,3 triệu người hút và 33 triệu người bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động. Tỷ lệ hút thuốc ở nam giới ở mức 45,3%, nữ 1,1%. Thuốc lá chính là thủ phạm của 6/8 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và là nguyên nhân thứ 2 gây nên các bệnh tim mạch như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính...

Đồng thời, theo kết quả khảo sát tại tại Bệnh viện K (Hà Nội) cho thấy, 90% ca ung thư phổi có hút thuốc lá. Những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư cao gấp 10 lần người không hút thuốc. Nếu hút 20 điếu thuốc lá/ngày, nguy cơ mắc ung thư phổi gấp 26 lần người không hút.

Vẫn bị ảnh hưởng khi người lớn không hút thuốc trước mặt trẻ

Khói thuốc lá rất có hại đối với trẻ em. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh đang có nhiều sai lầm khi chăm sóc trẻ, chỉ cần không để trẻ tiếp xúc trực tiếp ở phạm vi gần là loại bỏ các khả năng trẻ bị ảnh hưởng. Trên thực tế không phải như vậy.

Theo Bác sĩ Lê Văn Giáp – Bệnh viên 198 – Bộ Công an: “Về cơ bản, cơ thể bé rất nhạy cảm với mùi thuốc lá. Vấn đề ở đây, nhiều người nghĩ rằng hút thuốc cách xa bé là không ảnh hưởng nhưng thực ra không phải. Vì khói thuốc vẫn còn trong khí cặn phổi người hút, trong miệng người hút và bám vào quần áo người hút. Khi chúng ta bế bé, nói chuyện và thở, con sẽ hấp thu ngay”.

tre em bi anh huong do khoi thuoc

Hình minh họa.

Khói thuốc lần 3 là qua trung gian giữ lại như không khí, quần áo, chăn màn. Do đó, một người bình thường không hút thuốc có thể nhận ra ngay khi vào phòng có người hút thuốc hoặc nhận ra ngay người hút thuốc qua hơi thở.

Theo bác sĩ, trong những năm đầu đời, đa số vấn đề hô hấp bé liên quan đến môi trường là chính, nhất là khói thuốc và bụi bặm.

Một số tác động cực kỳ nguy hiểm của khói thuốc đối với trẻ em:

Tăng nguy cơ đột tử ở trẻ em: Theo các nhà khoa học, khói thuốc lá có khả năng hạn chế cung cấp oxy cho các mô của cơ thể, làm giảm đáp ứng của nhịp tim khi hoạt động, gây rối loạn nhịp thở và nhịp tim ở trẻ, do đó làm tăng nguy cơ hội chứng đột tử ở trẻ em lên nhiều lần. Nếu trẻ nhỏ có cha hoặc mẹ hút thuốc lá thì nguy cơ này tăng gấp 2 lần, trong khi nếu cả 2 cùng hút thì nguy cơ tăng lên đến 4 lần.

Gây ra các bệnh về đường hô hấp: Độc tính trong khói thuốc lá có thể gây ra các căn bệnh hen suyễn ở trẻ, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, một số bệnh ung thư liên quan đến hệ hô hấp, viêm amidan… Theo một con số thống kê, trên toàn cầu, ước tính mỗi năm có tới 165.000 trẻ em chết trước 5 tuổi do nhiễm trùng đường hô hấp dưới vì hút thuốc thụ động gây ra.

Gây viêm màng não và viêm não mô cầu: Khói thuốc là còn làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể trẻ nhỏ, tạo điều kiện cho các loại virus gây viêm não tấn công. Nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ thường xuyên hút phải khói thuốc lá có nguy cơ bị nhiễm virus viêm màng não và viêm não mô cầu cao hơn rất nhiều.

Bệnh đường ruột: Hút thuốc thụ động ở trẻ em gây tăng nguy cơ phát triển bệnh đường ruột mạn tính khác, viêm đại tràng. Những trẻ nhỏ tiếp xúc với khói thuốc thì nguy cơ bị loét đại tràng tăng gấp 2 lần so với trẻ không tiếp xúc.

Ngoài ra, những trẻ phải sống trong môi trường thường xuyên có khói thuốc lá sẽ hạn chế hơn về khả năng học hỏi cũng như tiếp thu kiến thức. Một số trường hợp nhạy cảm có thể dẫn tới rối loạn về hành vi, các chứng bệnh tăng động giảm chú ý và có nguy cơ nghiện thuốc lá cao hơn khi trưởng thành.

Do các tác hại nêu trên, bác sĩ Lê Văn Giáp cũng khuyến cáo với những bậc phụ huynh hút thuốc lá nên cởi bỏ quần áo mà mình đang mặc trên người khi hút thuốc, tắm rửa sạch sẽ, đánh răng rồi mới tiếp xúc với con. Hít sâu và thở thật mạnh luồng khí cặn trong phổi ra trước khi nằm ngủ bên bé. Hạn chế cho bé tiếp xúc môi trường nhiều khói thuốc để tránh các ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ.

Thùy Dương

comment Bình luận

largeer