Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận năm 2013. Đây là một lễ hội truyền thống của người dân làng chài ở vùng biển Đồ Sơn, Hải Phòng diễn ra vào ngày 9/8 âm lịch hàng năm.
25/02/2021 11:54

Sự tích hội chọi trâu Đồ Sơn

Theo truyền thuyết, vào khoảng thế kỷ 2, một số ngư dân ở Thần Hòa theo gió trôi giạt tới chân núi Tháp thuộc bán đảo Đồ Sơn (Hải Phòng) và định cư tại đây. Cuộc sống ở miền đất mới này khá vất vả, quanh năm chịu nhiều bão tố, thiên tai nên họ thường cầu khẩn các vị thần linh phù hộ. Cho tới một đêm tháng Tám, dưới ánh trăng vằng vặc, họ nhìn thấy một ông lão đầu tóc bạc phơ ngự trên chiếc sập đá ngoài biển khơi, tay cầm gậy dài, chăm chú ngắm một đôi trâu đang chọi nhau. Tiếp đó, một trận mưa mát lành đổ xuống và những hình ảnh ấy biến mất. Mọi người liền lập đền thờ theo duệ hiệu thần là "Điểm Tước đại vương" và hàng năm cứ vào mồng Mười tháng Tám âm lịch lễ hội chọi trâu được tổ chức.

Được sự che chở của Điểm Tước Đại Vương, ngư dân ngày càng làm ăn phát đạt, dễ dàng vượt qua mọi khó khăn... Dân số tăng nhanh và địa bàn cư trú cũng mở rộng - ban đầu chỉ có một làng, sau thành hai làng, rồi ba làng đông đúc: Đồ Sơn, Đồ Hải, Ngọc Xuyên.

Các triều đại phong kiến Việt Nam rất quan tâm đến ngôi đền linh thiêng cùng tục lệ chọi trâu độc đáo này và đã ban tặng nhiều sắc phong. Ngày nay, dân làng vẫn còn giữ được nhiều sắc phong của vua Cảnh Thịnh triều Lê, các vua Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định triều Nguyễn.

maxresdefault

CHỌN, TRÌNH VÀ NUÔI TRÂU CHỌI

Trâu chọi được tuyển chọn công phu, kỹ lưỡng, trình thần theo đúng nghi lễ cổ truyền và nuôi dưỡng bằng chế độ đặc biệt.

Ngay từ tháng Ba, người ta đã phải tỏa đi khắp các tỉnh miền Bắc để tìm mua trâu đực chọi. Trâu đực chọn mua phải khỏe mạnh, hăng hái, khoảng 8 - 10 tuổi; có đầu nhỏ, trán dẹp, xoáy thủ tròn, tai to, cổ dài, thân chắc mập, lưng hơi gồ, bướu hơi cao, ức nở, đuôi tròn, đùi dài, chân ngắn, khớp dẻo dai... Mắt trâu phải tròn và lanh lợi, nằm dưới cặp vành mắt khỏe. Đặc biệt, sừng trâu phải cứng nhọn, chân sừng vuông, mặt sừng mịn; hai sừng vươn liền mạch khỏi đầu (không gãy gấp), cân đối và cùng nằm trong một mặt phẳng. Sừng trâu còn phải “kín” hai mũi sừng không quá xa nhau (khoảng 40 cm) và không quá xa trán trâu (khoảng 20 cm). Ngoài ra, người ta còn chú ý chọn trâu có nhiều khoáy lông vì tin rằng con trâu nào có hai khoáy đối nhau ở hai bên đùi sẽ rất hăng giao đấu và dễ chiến thắng.

Các thôn chọn mua trâu cho mình xong thì dắt đến sân đình làng Đồ Hải. Tại đây, Ban Tổ chức làm lễ khấn trình trâu với thần linh rồi trao trâu thôn nào cho người thôn đó dắt về nuôi dưỡng.

Người nuôi trâu phải là trai chưa vợ, có đạo đức tốt.  Trong thời gian nuôi trâu, anh ta phải ăn ở sạch sẽ, kiêng các món ăn uế tạp (thịt dê, thịt chó, hành tỏi sống... và tất nhiên, cả thịt trâu!), kiêng thăm bà đẻ, dự đám tang, quan hệ tình dục...

Trâu phải được chăm sóc chu đáo như cho ăn rơm cỏ đã rửa sạch, tẩm bổ bằng thóc nếp con, tắm rửa thường xuyên và tuyệt đối không cho đi tơ với trâu cái!

CHỌI TRÂU

Chọi trâu được tổ chức ở một khu đất rộng trước ngôi đình chung của Đồ Sơn - Đồ Hải - Ngọc Xuyên trên địa phận Đồ Hải.

Trước kia, vùng Đồ Sơn có tất cả 14 thôn và mỗi thôn phải có một con trâu chọi. Cuộc đấu loại diễn ra trong ngày 8 và 9 tháng Sáu, rồi tiếp tục vào ngày 29 và 30 tháng Bảy âm lịch. Sau đó, Ban Tổ chức và nhân dân tiến hành rước bình hương từ bàn thờ Điểm Tước đại vương tới đình - nơi những cuộc tế lễ bắt đầu và kéo dài đến tận ngày hội chính (mồng 10 tháng Tám âm lịch).

Sáng mồng 10 tháng Tám, người ta dắt cả 14 con trâu tới đình trình diện, nhưng chỉ 6 con (3 của Đồ Sơn, 2 của Đồ Hải, 1 của Ngọc Xuyên) đã vượt qua vòng đấu loại là được quyền dự bán kết và chung kết. Ban Tổ chức làm lễ tế cáo thần linh trong khi 6 con trâu dự cuộc đứng ngoài gióng đấu, mắt có vải che...

Lễ xong, một hồi trống dài nổi lên, rồi một người phất cờ ra hiệu lệnh. Hai con trâu đầu tiên được rước vào rất long trọng - có người che lọng cho trâu, theo sau là đủ đồ lễ bộ bát bảo, cờ quạt và kiệu.

Khi hai con trâu đối diện, vải che mắt được tháo bỏ. Đôi trâu gườm gườm nhìn nhau rồi lao vào húc chọi rất mãnh liệt. Tiếng sừng va, tiếng thở, tiếng quật đuôi... lẫn trong sự reo hò cổ vũ cùng nhịp trống đổ dồn. Cảnh tượng thật sôi động và dữ dội. Đôi trâu chọi nhau cho tới khi một con thua chạy hoặc bị đối thủ húc chết. Con thắng được mọi người mang cờ lọng ra rước vào sân đình. Con thua cũng bị dắt hoặc khiêng về sân đình...

Sau cuộc chung kết, những con trâu thắng trận được xếp nhất, nhì, ba và thôn có trâu, người nuôi trâu được nhận giải thưởng. Sau trận đấu, dù thắng hay thua, trâu chọi đều được xẻ thịt để lễ tạ Thành Hoàng; chia cho những người có đóng góp tích cực đối với lễ hội. Ngoài ra, thịt trâu chọi còn được đem bán, người ta tranh nhau mua bởi ý nghĩa cầu may mắn và sức khỏe “như trâu”.

Theo quan niệm cổ xưa, nếu trâu làng nào thắng trận trong lễ hội, năm ấy cả làng sẽ gặp nhiều may mắn, mưa thuận gió hoà, mọi người bình yên trong suốt hành trình đi biển. Nhưng có lẽ ý nghĩa hơn cả, lễ hội chọi trâu mang đậm nét văn hoá tâm linh của người dân miền biển đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách, góp phần tạo nên phong cách rất riêng cho một vùng duyên hải.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

comment Bình luận

largeer