Luyện tập nâng cao sức khỏe ở người cao tuổi trong đại dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân trên toàn thế giới, đặc biệt là người cao tuổi. Đây là đối tượng đặc biệt dễ bị các vi khuẩn, virus tấn công do hệ miễn dịch suy yếu. Để nâng cao sức khỏe người cao tuổi trong đại dịch, ngoài việc bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, luyện tập thể dục cũng là phương pháp nâng cao sức khỏe.
29/03/2021 16:08

Theo thống kê,Việt Nam hiện có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi, phần lớn trong số này mắc nhiều bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành... Trung bình người Việt Nam trên 60 tuổi có 2,6 bệnh, trên 80 tuổi 6,8 bệnh. Như vậy, ở người cao tuổi sức đề kháng suy giảm, khả năng chống đỡ bệnh tật kém, dễ mắc bệnh và diễn biến bệnh thường nặng khi dịch bệnh xảy ra. Vì vậy, việc phòng bệnh là vô cùng quan trọng đối với người cao tuổi.

Trước bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, trong vấn đề phòng bệnh, ngoài việc thực hiện nghiêm túc chỉ dẫn “5K” của Bộ Y tế, thì việc nâng cao sức khỏe ở người cao tuổi cũng cần được chú ý. Để nâng cao được sức khỏe ngoài việc quan tâm đến dinh dưỡng, người cao tuổi cần phải quan tâm và thực hiện việc tập luyện thường xuyên liên tục ngay cả trong lúc bị cách ly. Bộ Y tế cũng đã đưa ra những chỉ dẫn về vấn đề tập luyện tại nhà cho người cao tuổi. 

bai tap

Theo đó, duy trì chế độ luyện tập đều đặn tại nhà giúp người cao tuổi có thể duy trì và nâng cao sức khỏe giúp mang lại sức mạnh về tinh thần, giảm căng thẳng, lo lắng.

Các bài tập có thể được thực hiện tại một góc nhà, ban công, trước màn hình vô tuyến.

- Nâng tạ: Người cao tuổi tự làm hoặc nhờ con cháu làm tạ tay bằng các lọ nước, lọ cho gạo, đỗ, ngô, nặng từ 0,5kg- 2kg. Nâng tạ với các động tác gập/duỗi khuỷu tay, dạng vai từ 7-15 lần cho mỗi động tác, lặp lại 3 hiệp.

- Đứng lên ngồi xuống 7-15 lần tùy theo sức khỏe, đứng trên mũi chân, đứng trên gót chân, có ghế/thanh vịn phía trước để đảm bảo an toàn.

- Các bài tập duy trì sức bền: đạp xe lực kế, bước tại chỗ.

- Các bài tập thăng bằng: đứng mũi chân chạm gót, đứng chụm chân, đứng trên 1 chân hoặc tập thái cực quyền.

- Bài tập thở cho các bệnh phổi mạn tính như viêm phế quản mạn tính tắc nghẽn, giãn phế quản: Con cháu hướng dẫn người cao tuổi hít vào từ từ, tiếp theo chúm môi giống như thổi nến và thở ra càng dài càng tốt (thời gian thở ra dài hơn thời gian hít vào, sau 1 vài lần hít thở, đờm sẽ được đẩy lên họng, các cụ có thể ho và khạc đờm hoặc có thể nuốt đờm nếu khó khạc. Lưu ý, tập thở lúc sáng khi ngủ dậy, tránh tập lúc ăn no.

Ngoài những bài tập ở trên do Bộ Y tế hướng dẫn, người cao tuổi cũng có thể tập các bài tập dưỡng sinh như: dưỡng sinh kinh lạc, dưỡng sinh tâm thể, vỗ tay dịch cân kinh … hoặc những bài nhảy dân vũ theo nhạc. Tập duy trì 30 phút/ngày, 5 ngày/ tuần đối với tập sức bền (đạp xe, đi bộ).

duong sinh kinh lac 1

Các bài tập thăng bằng, tập khỏe cơ: tập 3 buổi/tuần, mỗi buổi 30 phút. Có thể chia ngắn các buổi tập 10- 15 phút/ buổi đối với người cao tuổi yếu hơn.

Khi tập người cao tuổi vẫn có thể vừa nói chuyện được là mức độ tập vừa với sức. Khi mới tập, hoặc người yếu thì nên nâng dần cường độ tập luyện và thời gian tập luyện để đạt hiệu quả tốt hơn.

Lưu ý: Không tập khi đau ngực, tăng huyết áp chưa kiểm soát được, hoa mắt, chóng mặt, khó thở, thấy tim đập nhanh (trống ngực), bệnh nhiễm khuẩn kèm có sốt, sưng đau khớp, đang có vấn đề về bệnh võng mạc (bong võng mạc, sau hoặc đang điều trị laser bệnh võng mạc), sau thay thủy tinh thể.

Để việc tập luyện đạt được hiệu quả, người cao tuổi phải phá bỏ được sức ỳ, sức lười trong mỗi người để cam kết rằng duy trì việc tập luyện thường xuyên, “vận động thay được thuốc nhưng thuốc không thay được vận động”.

Bác sĩ Đỗ Nam Khánh

comment Bình luận

largeer