Mắc xương cá trong phế quản, bệnh nhân ho sốt trong 10 ngày

Bệnh viện đa khoa Vĩnh Đức (Quảng Nam), bệnh viện vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam, 60 tuổi, vào viện vì ho kéo dài khoảng 10 ngày kèm sốt nhẹ.
13/12/2020 11:27

Bệnh nhân ho nhiều, ho khan, sau ho khạc đờm ít, kèm theo cảm giác nặng ngực, khó thở nhẹ. Khám thấy bệnh nhân mệt, không sốt, tỉnh táo tiếp xúc tốt, không có dấu hiệu suy hô hấp, phổi phải nghe có âm khò khè nhẹ.

Khai thác tiền sử, cách khoảng 1 tháng trước nhập viện, trong lúc đang ăn lẩu cá, bệnh nhân bị sặc, nhưng sau đó không có triệu chứng gì. Bệnh nhân đã đi khám một số nơi, được chẩn đoán là viêm họng và viêm phế quản, đã chụp phim và soi họng nhưng chưa ghi nhận gì.

di-vat-xuong-ca-1607770145995909589707-crop-16077701551291680578916

Bác sĩ chuyên khoa hô hấp tại phòng khám nghi ngờ một trường hợp dị vật đường thở nên cho bệnh nhân chụp X-quang phổi, tuy nhiên cũng không phát hiện gì. Sau khi thảo luận với bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, bệnh nhân được chụp thêm cắt lớp vi tính phổi bằng máy 256 dãy - 512 lát cắt kèm theo nội soi phế quản ảo. Kết quả phát hiện một dị vật dạng xương động vật trong lòng phế quản trung gian bên phải.

Bệnh nhân sau đó được chuyển đi nội soi phế quản can thiệp bằng ống mềm và lấy ra được mảng xương khoảng 3x1,5cm. Theo đánh giá của các bác sĩ nội soi, khi bệnh nhân ho dị vật có thể di chuyển làm xước, bội nhiễm và loét niêm mạc phế quản. Đối với những dị vật này, để lâu có thể gây ra biến chứng thủng, viêm mủ, áp xe trong phế quản rất nguy hiểm.

Dị vật đường thở là một tai nạn sinh hoạt thường gặp và có thể gây tử vong hay di chứng nặng nề ở trẻ em, nhất là ở trẻ dưới 4 tuổi. Tai nạn cũng có thể xảy ra ở người lớn với tần suất thấp hơn.

Nguy cơ xảy ra biến chứng và tổn thương phổi sẽ tăng lên với thời gian dị vật đường thở được lấy ra nên điều quan trọng là cần được chẩn đoán càng sớm càng tốt. Các biến chứng khi phát hiện muộn có thể là viêm phổi, áp xe phổi, giãn phế quản và xẹp phổi.

Theo VTV

comment Bình luận

largeer