Mãn kinh sớm trước 40 tuổi và hệ lụy đến sức khỏe

Mãn kinh sớm xảy ra khi phụ nữ ngừng kinh nguyệt trước tuổi 40, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm lý và khả năng sinh sản. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chủ quan vì không nhận diện được nguyên nhân và hệ lụy đi kèm. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng này để phòng ngừa và xử lý kịp thời.
22/07/2025 11:40

 Mãn kinh sớm là gì?

Mãn kinh là giai đoạn sinh lý tự nhiên, đánh dấu sự chấm dứt chu kỳ kinh nguyệt và khả năng sinh sản ở phụ nữ. Thông thường, phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh trong khoảng 45–55 tuổi, với độ tuổi trung bình là khoảng 51.

Tuy nhiên, nếu mãn kinh xảy ra trước tuổi 40, tình trạng này được gọi là mãn kinh sớm. Đây là một hiện tượng bất thường có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người phụ nữ, đặc biệt là liên quan đến nội tiết tố, xương khớp và khả năng sinh sản.

Empty

 Mãn kinh sớm thường xảy ra trước 40 tuổi (Ảnh minh họa)

Nguyên nhân gây mãn kinh sớm

Yếu tố di truyền

Nếu trong gia đình có mẹ hoặc chị gái từng mãn kinh sớm, nguy cơ bạn gặp tình trạng này cũng cao hơn do ảnh hưởng từ gen di truyền.

Lối sống không lành mạnh

Hút thuốc làm giảm nồng độ estrogen trong cơ thể. Theo một số nghiên cứu, phụ nữ hút thuốc mãn kinh sớm hơn phụ nữ không hút thuốc trung bình là 1,74 năm. 

Mắc bệnh tự miễn

Một số bệnh tự miễn như là bệnh về tuyến giáp hay bệnh thấp khớp có thể khiến hệ miễn dịch tấn công. Hậu quả là buồng trứng bị suy giảm chức năng, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất estrogen và gây mãn kinh sớm.

Phẫu thuật cắt tử cung/buồng trứng

Khi tử cung hoặc buồng trứng bị cắt bỏ, cơ thể mất đi nguồn sản xuất hormone nữ, dẫn đến mãn kinh sớm dù người bệnh vẫn còn trẻ tuổi.

Hóa trị và xạ trị

Hóa trị là nguyên nhân phổ biến nhất gây mãn kinh sớm, do nhiều loại thuốc hóa chất làm tổn thương tế bào buồng trứng. Bên cạnh đó, xạ trị vùng chậu cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sản xuất hormone nữ, gây nên mãn kinh sớm.

Empty

 Xạ trị ảnh hưởng đến sản xuất hormone nữ (Ảnh minh họa)

Suy buồng trứng

Khoảng 1% phụ nữ trải qua mãn kinh trước tuổi 40 do suy buồng trứng nguyên phát. Đây là tình trạng buồng trứng không thể sản xuất hormone sinh sản bình thường, gây rối loạn kinh nguyệt và vô sinh sớm.

Rối loạn nội tiết

Một số rối loạn như suy tuyến giáp hoặc hội chứng buồng trứng đa nang làm mất cân bằng hormone trong cơ thể. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động của trục nội tiết và có thể dẫn đến mãn kinh sớm.

Hệ lụy đến sức khỏe

Mãn kinh sớm không chỉ gây rối loạn nội tiết mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của phụ nữ. Các triệu chứng thường gặp bao gồm: bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm, đau đầu, khó thở, tăng cân, khô âm đạo, suy giảm ham muốn và khó kiểm soát cảm xúc.

Vô sinh nữ: Buồng trứng ngừng hoạt động khiến phụ nữ không còn khả năng rụng trứng và mang thai tự nhiên.

Loãng xương: Thiếu hụt estrogen làm giảm mật độ xương, tăng nguy cơ gãy xương và loãng xương sớm.

Tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch: Estrogen giảm làm mất bảo vệ mạch máu, dẫn đến tăng nguy cơ cao huyết áp và đột quỵ.

Suy giảm sinh lý: Ham muốn tình dục giảm, âm đạo khô và đau rát khi quan hệ, ảnh hưởng đời sống vợ chồng.

Để đối phó với tình trạng mãn kinh sớm, phụ nữ cần duy trì lối sống lành mạnh như ăn uống đầy đủ dưỡng chất, tập thể dục đều đặn, hạn chế stress và tránh các chất kích thích như rượu, thuốc lá. Bên cạnh đó, nên thăm khám định kỳ để kiểm tra hormone và sức khỏe sinh sản.

Thảo Nguyên (Tổng hợp)

comment Bình luận